Nghị lực mùa thi: Bật khóc khi nghĩ đến cánh cửa đại học

Lê Thanh
Lê Thanh
15/07/2021 08:00 GMT+7

Nguyễn Thị Kim Thắm (Trường THPT Phú Ngọc, H.Định Quán, Đồng Nai) rất tự tin về bài làm kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nhưng cô gái giàu nghị lực vô cùng bi quan khi nghĩ đến chặng đường đại học sắp đến.

Trong căn nhà của gia đình Thắm (ở ấp 1, xã La Ngà, H.Định Quán) chẳng có tài sản gì quý giá cả. Ngoài vẻ xác xơ, tiêu điều thì nổi bật nhất là 4 vách nhà tạm bợ ken đặc giấy khen, thành tích học tập của nữ sinh giàu nghị lực này.

“Tài sản trong nhà là… giấy khen”

Bà Nguyễn Thị Kim Hia (mẹ của Thắm) nói: “Trong nhà tui đâu có gì. Chẳng có vật dụng nào giá trị cả. Tài sản đáng giá chắc có lẽ là đống giấy khen của Thắm”.
Bà Hia kể vì nhà nghèo nên thường xuyên thiếu ăn thiếu mặc. Thế nhưng với ý chí cầu tiến, nghị lực, Thắm không gục ngã trước hoàn cảnh, mà chăm chỉ học tập và liên tiếp đạt danh hiệu học sinh giỏi.
“Nhiều lúc nhìn nó mà tui thương lắm. 18 tuổi rồi mà còi cọc như đứa trẻ lớp 7, lớp 8. Nó nặng đâu 35 ký thôi. Cũng vì nhà nghèo, thiếu ăn…”, bà Hia lau nước mắt.
Cô gái giàu nghị lực này tâm sự: “Em liên tục đón nhận những tin sốc trong cuộc đời”. Cú sốc đau đớn nhất, tưởng chừng làm Thắm gục ngã, là khi ba Thắm mất đột ngột vào năm ngoái trong một vụ tai nạn giao thông thương tâm.
“Cú sốc ấy làm em ngã quỵ. Em đã từng nghĩ cuộc sống của gia đình mình dẫu khó khăn nghèo cực nhưng sẽ hạnh phúc, an yên. Nào ngờ ba mất đi đột ngột đã khiến mọi thứ đảo chiều. Mỗi lần bất giác nghĩ đến ba, em thấy nhói đau lắm. Cuộc sống với em như sụp đổ, vỡ nát thành từng mảnh”, Thắm nói.
Cũng từ khi ba Thắm mất, nhà vốn đã nghèo càng thêm thiếu thốn. “Từ sau ngày ba mất, bà nội đã 85 tuổi cũng thường xuyên đổ bệnh, trong khi bà có bệnh nền là tim mạch và huyết áp nên sức khỏe ngày càng yếu đi. Mẹ thì lẻ loi gồng gánh nuôi gia đình”, Thắm kể trong nước mắt về nghị lực vươn lên.
Bà Hia làm thuê, ai thuê gì làm nấy để nhận lại vài chục ngàn đồng mỗi ngày. “Có những ngày người ta thuê thì tui có tiền đi chợ mua đồ ăn, mua mắm, mua gạo. Còn ngày nào không có ai gọi, sai làm, thì chỉ biết… uống nước cầm hơi, đợi chờ người ta thuê”, bà Hia nói giọng buồn hiu.

Mơ ước trở thành chuyên gia tâm lý

Thắm kể, nhìn gương mặt mẹ ngày càng khắc khổ, phờ phạc; tóc mẹ ngày càng bạc trắng, Thắm quyết tâm phải học thật giỏi để có thể kiếm tiền đền đáp công ơn dưỡng dục cũng như giúp mẹ có cuộc sống đủ đầy hơn.
“Em đã cố gắng tạo ra vỏ bọc mạnh mẽ, để làm chỗ dựa cho mẹ sau cú sốc mất ba. Cùng lúc, em nỗ lực chuyên tâm vào việc học hơn để đem lại những niềm vui cho mẹ cũng như để ba ở nơi suối vàng có thể tự hào về đứa con gái của mình”, Thắm kể.
Thắm ngậm ngùi chia sẻ: “Nếu nói không mặc cảm với mọi người xung quanh thì chính là nói dối, bản thân em thừa nhận đôi lúc cảm thấy tự ti và ganh tị vô cùng khi nhìn xung quanh lúc tan trường ai cũng được ba đến đón, chở đi mua đồ ăn, thức uống, chở đi chơi... Rồi em tự nhìn lại bản thân mà cảm thấy xót xa lắm. Một điều ước nhỏ nhoi muốn được ba đến đón thôi cũng đã không thể thực hiện được rồi. Nhưng em biết mình phải cố lên, phấn chấn lên, không thể sống với tâm trạng buồn rầu, ủ dột hoài được. Và em dồn tất cả sự quyết tâm trong chuyện học”.
Theo Thắm, kỳ thi tốt nghiệp THPT là cột mốc quan trọng nên sẽ cố gắng đạt kết quả thật cao. Trao đổi với PV Thanh Niên sau kỳ thi, Thắm tự tin cho biết: “Em làm bài thi các môn khá tốt. Đặc biệt là những môn xét tuyển khối C (văn, sử, địa), mỗi môn em tính khoảng trên 8 điểm”.
Thế nhưng, sau đó, giọng của cô nữ sinh bé nhỏ này lại chùng xuống: “Nhưng em thật sự lo lắng cho con đường học tập phía trước. Đặc biệt là rất nhiều chi phí để có thể chi trả trong 4 năm đại học. Em sống ở dưới quê quen rồi, bây giờ lại lên thành phố học tập, quả thật nó rất đỗi xa lạ và khó khăn. Sau khi vào đại học, em sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức và trở ngại, nào là học phí, nào là tiền ăn uống, tiền nhà ở... trong khi gia đình còn khổ sở, khó khăn. Dù mẹ có nỗ lực làm thuê làm mướn nhiều đến nhường nào cũng không thể gánh gồng nổi tiền học cho em được”.
Thắm cho biết, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ lấy điểm xét tuyển vào ngành tâm lý của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hoặc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. “Ước mơ lớn nhất của em là trở thành một chuyên gia tâm lý, để có thể giúp đỡ những mảnh đời yếu thế nói riêng và mọi người nói chung có cách tháo gỡ những bất ổn về tâm lý, những chông chênh trong cuộc đời, có những cách để vượt lên nghịch cảnh”, Thắm tâm sự.
Rồi Thắm trầm tư nói tiếp: “Ước mơ của em là vậy. Nhưng ước mơ ấy có thành công hay không thì em chưa biết được. Khi mà ngày mai, ngày mốt và những ngày tới, ngay cả miếng ăn em cũng chưa thể đoán định được là có hay không thì tiền để theo đuổi việc học em không biết sẽ tìm ở đâu. Em thật sự rất mong có cơ hội được học đại học”. 
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Thắm, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Thị Kim Thắm; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình em Thắm trong thời gian sớm nhất.
Thầm mong ước mơ nhỏ bé “được học đại học” của Thắm, cô nữ sinh nhà nghèo hiếu học, có nghị lực phi thường này sẽ trở thành hiện thực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.