Nghị lực của cô giáo khuyết tật bền bỉ luyện chữ đẹp bằng tay trái

10/08/2022 15:58 GMT+7

Từng bị dè bỉu tay trái không thể làm nên chuyện, cô giáo Lê Thị Sen (28 tuổi) vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ 'trồng người' và toàn tâm mở lớp luyện chữ đẹp cho những 'mầm non' tương lai.

Tai nạn định mệnh

Nhà có 4 anh chị em, bố thường xuyên ốm đau, Sen từ nhỏ đã thấm thía nỗi vất vả của đấng sinh thành. Vì muốn đỡ đần cho mẹ đã oằn mình bươn chải nuôi đàn con ăn học, sau khi kết thúc năm học lớp 10, Sen từ huyện miền núi Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An ra Hà Nội tìm việc làm thêm trang trải cuộc sống trong 2 tháng hè.

Tại đây, cô gái người dân tộc Thái làm việc ở một công ty tư nhân chuyên sản xuất đồ nhựa tái chế. Sau một thời gian làm việc, Sen vui mừng vì đã có đủ tiền mua xe đạp để tự mình đạp đi học. Nghiệt ngã thay, trong ngày cuối cùng đi làm, bàn tay phải của cô vô tình bị máy nghiền nát 4 ngón.

Với cô Sen, những ngày nằm viện là quãng thời gian ám ảnh nhất. Trong 1 tháng điều trị, cô trải qua 3 lần phẫu thuật cấy ghép xương, ghép da, nhưng rồi vẫn vô phương cứu chữa. Vượt lên trên nỗi đau đớn khi nhìn từng ngón tay hoại tử bị cắt bỏ và vì thương lo cho bố mẹ, cô nhẫn nại cầm bút tập viết bằng tay trái khi đang ngồi trên giường bệnh.

Sau khi xuất viện, cô quay lại trường THPT để tiếp tục việc học. Bàn tay trái khiến cô khó lòng theo kịp bạn bè, cộng thêm nỗi tự ti dẫn đến kết quả học tập sa sút, nhưng cô cố gắng hoàn thành chương trình phổ thông.

Vượt qua định kiến

Tốt nghiệp THPT, Sen không học ĐH, cô rời khỏi quê để kiếm việc làm vì muốn giúp mẹ có tiền nuôi em và chữa bệnh cho bố. Từ đó, cô nỗ lực kiếm sống bằng đủ thứ nghề như bán hàng, làm bảo mẫu, nhân viên phục vụ quán ăn…

Trong một lần bán hàng ở chùa, có người lạ khi nhìn cô đã khẳng định một tay không thể làm gì cho đời khiến cô nhớ mãi không quên. Đây cũng là nơi mà cô chứng kiến những người đồng cảnh ngộ chật vật kiếm sống, nhất là những em bé phải theo mẹ bán hàng rong.

Bỏ ngoài tai định kiến, cô Sen nỗ lực ở trường CĐ và dốc sức trở thành giáo viên mầm non

NVCC

Từ đây, với mong muốn chăm sóc, nâng đỡ cho trẻ nhỏ, Sen quyết tâm ôn thi vào ngành sư phạm, mặc cho lời ra tiếng vào từ người xung quanh. Nỗ lực học tập hết mình đã giúp cô thi đỗ vào Trường CĐ Sư phạm Nghệ An. Trong thời gian này, cô tiếp tục vừa học vừa làm để tự chủ tài chính.

Nói về khoảng thời gian ra trường xin việc làm, Sen cho biết nơi đầu tiên cô ứng tuyển vào đã thẳng thừng từ chối khi vừa nhìn thấy bàn tay mình. Cô trải lòng: “Khi đó, tôi đang làm thêm tại một shop quần áo ở Bắc Ninh thì vội chạy xe ra Hà Nội để tham gia phỏng vấn. Tôi đã cảm thấy mình thất bại lần nữa”. Tuy vậy, vượt qua mặc cảm, cô tiếp tục nộp hồ sơ xin việc vào một trường mầm non khác. Nỗ lực chứng minh năng lực bản thân đã giúp cô được nhà trường chấp nhận.

Tay trái viết chữ “đẹp như in” và ước mơ gieo chữ cho trẻ vùng cao

Cô Sen nhen nhóm đam mê viết chữ đẹp khi học năm cuối ở trường CĐ, lúc đó, cô chọn cách tự luyện ở nhà. Tay trái cô mỏi nhừ khi cầm bút máy và khó khăn trong việc đi nét. Tuy vậy, cô vẫn kiên nhẫn luyện tập từng ngày.

Tốt nghiệp ra trường, cô Sen làm việc ở Hà Nội một thời gian rồi chuyển về quê công tác và có cơ hội dạy tại một trường mầm non quốc tế ở TP.Vinh. Được phân công dạy các bé 5 tuổi luyện viết, đam mê luyện chữ đẹp của cô lại trỗi dậy. Từ đó, cứ mỗi tối, cô lại đến trung tâm luyện viết chữ đẹp để nâng cao trình độ và quyết tâm lấy chứng chỉ.

Thành quả cho sự kiên trì luyện viết chữ đẹp bằng tay trái của cô giáo trẻ

NVCC

Đến đầu năm 2022, cô trở về huyện Quỳ Hợp mở lớp tiền tiểu học miễn phí cho một số trẻ em dân tộc thiểu số do ngôi trường cô theo dạy tại TP.Vinh chưa mở cửa trở lại sau dịch Covid-19. Không chỉ ra sức vận động các em đến lớp, cô còn tặng mỗi người một quyển vở, bút, gôm tẩy để khuyến khích học tập. “Vì các em đang ở lứa tuổi mới lớn nên rất hiếu động. Do đó, tôi cho các em vừa học vừa chơi để tăng độ hứng thú. Một số em nói tiếng phổ thông chưa sõi, nên bên cạnh việc dạy cách cầm bút, tôi chú trọng dạy cách đọc, cách phát âm tròn vành rõ chữ”, cô chia sẻ.

Ban đầu, phụ huynh tỏ ra hoài nghi về khả năng của cô Sen. Rồi tiếng lành đồn xa, cô được nhiều người tin tưởng tìm đến. Về sau, để các bậc cha mẹ không cảm thấy ngại cũng như không muốn các em có tâm lý ỷ lại, cô bắt đầu thu một khoản phí nhỏ. Tuy vậy, với những ai có hoàn cảnh khó khăn, cô vẫn miễn học phí. Cô kể: “Trong lớp tôi có một em sức khỏe yếu, mỗi tháng phải đến viện lọc máu một lần. Bố mẹ em cũng rất khó khăn. Tuy khả năng tiếp thu của em chậm nhưng bù lại em rất chuyên cần, ngày nào cũng đến lớp”.

Ban đầu, cô mượn tạm Nhà văn hóa trong xóm để dạy học cho khoảng 5-7 trẻ dân tộc thiểu số, sau đó chuyển sang dạy tại nhà

NVCC

Giờ đây, cô vẫn miệt mài luyện chữ đẹp những lúc rảnh rỗi và dự định sau này nếu có điều kiện sẽ mở một trung tâm bồi dưỡng kỹ năng viết chữ đẹp cho học sinh tiểu học. Với cô giáo này, điều hạnh phúc nhất hiện tại là các bé học sinh đều rất ngoan và chịu khó; bản thân cô cũng vừa lập gia đình nên đã có thêm một mái ấm để vun vén và yêu thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.