Nghị định 51/CP vừa ra đời, tháo gỡ 'điểm nghẽn titan' ở Bình Thuận

Quế Hà
Quế Hà
04/04/2021 10:29 GMT+7

Ngày 1.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Nghị định giúp gỡ 'nút thắt' để Bình Thuận phát triển kinh tế xã hội.

Điểm mới của Nghị định (NĐ) 51 sẽ cho phép Bình Thuận thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội trên các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia mà Chính phủ đã phê duyệt, theo Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 6.5.2014; đồng thời cho phép điều chỉnh diện tích, đưa ra ngoài diện tích vùng dự trữ khoáng sản quốc gia đã được phê duyệt.
Tại Khoản 4, Điều 8 của Nghị định 51 ghi rõ: “Thời gian hoạt động của dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia không vượt quá thời gian dự trữ còn lại của khu vực dự trữ có khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ đó”.
Trong khi đó, Khoản 1, Điều 6 của NĐ 51 nêu thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia tối đa là 50 năm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia có thể lớn hơn 50 năm, nhưng không quá 70 năm.
Như vậy, các vùng đã được Thủ tướng có quyết định khoanh định là vùng dự trữ khoáng sản quốc gia vẫn có thể chấp thuận đầu tư cho các dự án kinh tế xã hội trong thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, tức dự án được chấp thuận trong vòng 50 năm, không quá 70 năm theo “tuổi” của các nơi đã được khoanh định.

Các vùng dự trữ khoáng sản titan đều nằm ở dải đất ven biển, nên các dự án kinh tế khác bị "vướng" không thể triển khai, việc Nghị định 51 ra đời sẽ tháo gỡ vấn đề này

Ảnh: Quế Hà

Tháo gỡ “điểm nghẽn” từ vùng dự trữ titan ở Bình Thuận

Theo Sở TN-MT Bình Thuận, Quyết định số 654/QĐ-TTg ngày 6.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự trữ khoáng sản quốc gia đã khoanh định 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia cho 10 loại khoáng sản, trong đó có tới 23 khu vực dự trữ khoáng sản titan, chủ yếu tập trung tại các vùng đất cát ven biển của Bình Thuận.
Trong khi đó, Quyết định 654/QĐ-TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ chỉ khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, mà chưa đủ cơ sở để triển khai các dự án trên bề mặt. Đồng thời, quyết định trên chưa quy định về thời gian dự trữ khoáng sản nhằm phù hợp với thực tế sử dụng đất, đảm bảo vòng đời của các dự án bề mặt. Quyết định 654/QĐ-TTg cũng chưa quy định điều kiện để xem xét những loại dự án nào được triển khai trên mặt khu dự trữ khoáng sản. Đây chính là “điểm nghẽn” khiến cho hàng loạt dự án tại các khu vực dự trữ khoáng sản bị bế tắc nhiều năm qua, không thực hiện được. Riêng Bình Thuận có hàng chục dự án phát triển kinh tế xã hội như sân bay, điện gió, điện mặt trời, các khu du lịch… bị “tắc nghẽn” vì lý do vừa nêu.
Do vậy, theo Sở TN-MT Bình Thuận, sự ra đời của NĐ 51/2021/NĐ-CP đã “cởi trói” không chỉ cho Bình Thuận, mà cho cả các tỉnh khác có vùng dự trự khoáng sản titan. Không riêng với vùng dự trữ khoáng sản quốc gia đối với loại khoáng sản titan, mà ngay cả vùng dự trữ quốc gia cát trắng, sắt, than nâu….

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nói gì về NĐ 51 ?

Trao đổi với PV Thanh Niên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An cho biết: “Bình Thuận là địa phương quanh năm khô hạn, thiếu nước mặt và nước ngầm. Vùng quy hoạch, dự trữ titan lại nằm dọc theo ven biển, là nơi dân cư tập trung sinh sống từ lâu đời; đặc biệt là các vùng có tiềm năng phát triển du lịch. Nếu khai thác titan các khu vực này sẽ có nguy cơ gây sạt lở, lũ cát, đặc biệt là cạn kiệt nước ngầm, ảnh hưởng xấu đến môi trường, sinh hoạt của người dân và các hoạt động kinh tế".

Bình Thuận có trữ lượng titan bằng 90% tổng trữ lượng của cả nước và chiếm tới 13% diện tích tự nhiên của tỉnh. Các vùng dự trữ titan kéo dài hơn 100 km dải đất ven biển từ Tuy Phong đến Hàm Tân

Ảnh: Quế Hà

Cũng theo ông Dương Văn An, trong những lần làm việc với Bình Thuận, Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các bộ ngành đều đánh giá Bình Thuận có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do “vướng” quy hoạch, dự trữ titan những năm qua đã làm kìm hãm sự phát triển về kinh tế.
"Việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm ban hành NĐ 51/2021/NĐ-CP vào thời điểm này là có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Bình Thuận. Nghị định này đã giúp tháo gỡ “nút thắt” trong phát huy tiềm năng đất đai, tạo thuận lợi trong chính sách mời gọi đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 13 Đại hội Đảng toàn quốc và nghị quyết 14 của Đảng bộ Bình Thuận trong những năm tiếp theo”. 
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, Bình Thuận có trữ lượng titan gần 600 triệu tấn, chiếm 90% trữ lượng titan của cả nước. Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và quy hoạch khai thác titan của Bình Thuận có tổng diện tích hơn 102.227 ha, chiếm tới 13% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố chủ yếu dọc ven biển với chiều dài trên 100 km. Đây lại là vùng tập trung nhiều hoạt động kinh tế như các hoạt động du lịch, dịch vụ, khu công nghiệp, thương mại, sân bay, đường giao thông.
Theo công văn Tỉnh ủy Bình Thuận gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 26.3, do “vướng” vùng dự trữ, quy hoạch titan, dù có nhiều nhà đầu tư đến đăng ký trên vùng đất này nhưng không thể chấp thuận. Điều này đang ảnh hưởng môi trường đầu tư, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội. Trong suốt nhiệm kỳ 5 năm qua, Bình Thuận đã có nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh theo hướng giảm bớt diện tích vùng dự trữ titan và triển khai các dự án kinh tế khác, nhưng chưa được chấp thuận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.