Nghị định 30 lại làm tắc thị trường bất động sản?

Đình Sơn
Đình Sơn
30/04/2021 06:27 GMT+7

Nghị định 30/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở) đã khiến các dự án nhà ở thương mại gần như tắc 100%.

Nhiều Doanh nghiệp phản ánh họ chưa hết mừng vì đất công xen kẹt trong dự án được cởi trói thì mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 30/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở) đã khiến các dự án nhà ở thương mại gần như tắc 100%.

Nhà đầu tư: tất cả các dự án đều tắc

Theo lãnh đạo một công ty bất động sản (BĐS) lớn tại TP.HCM, trước đây việc đầu tư dự án trên đất không hoàn toàn là đất ở bị vướng, sau này luật Đầu tư sửa đổi cho phép doanh nghiệp có đất ở và các loại đất khác sẽ được triển khai dự án. Cụ thể tại khoản 4 điều 29 của luật Đầu tư quy định rõ 3 hình thức lựa chọn nhà đầu tư, thứ nhất là đất sạch do nhà nước quản lý sẽ đấu giá; thứ hai, đất chưa sạch mà phải giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất thì phải đấu thầu; thứ ba là nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất hợp pháp đã được giao, được công nhận rồi sẽ được chỉ định đầu tư.

Phải là đất ở hoàn toàn hoặc có một vài mét vuông đất ở thì có thể làm được. Trong khi hiện nay đa số là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh nên gần như tất cả các dự án mới bị tắc

Ông Phan Viết Nuôi, đại diện Công ty Vạn Xuân

Sau này, Nghị định 31/2021 hướng dẫn luật Đầu tư cũng quy định, nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp không vướng quy hoạch thì được chỉ định đầu tư. Nhưng theo Nghị định 30/2021 (Nghị định 30) chỉ cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị khi phải có quyền sử dụng đất ở (có 100% đất ở) hoặc đã có đất ở và các loại đất khác (có các loại đất khác “dính” với đất ở), nhưng lại không công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở đối với các trường hợp nhà đầu tư mới chỉ có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp hoặc đã có đất phi nông nghiệp (không phải đất ở). Điều này khiến các dự án chưa có đất ở hoặc chưa có miếng đất ở nào đều bị tắc. “Với nghị định này, sắp tới công ty sẽ bị vướng một số dự án”, vị này cho hay.
Theo ông Phan Viết Nuôi, đại diện Công ty Vạn Xuân, Nghị định 30 gây ách tắc hết cho các dự án mới. Bởi chỉ có trường hợp dự án có “dính” đến đất ở mới được công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Còn lại, tất cả các nhà đầu tư có quyền sử dụng đất khác nhưng không “dính” một chút đất ở nào (như trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không có đất ở) thì không được lựa chọn chủ đầu tư. “Phải là đất ở hoàn toàn hoặc có một vài mét vuông đất ở thì có thể làm được. Trong khi hiện nay đa số là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh nên gần như tất cả các dự án mới bị tắc. Như công ty tôi có dự án 8 ha đất nông nghiệp ở H.Hóc Môn dù quy hoạch là đất ở nhưng không thể thực hiện dự án. Tôi nghĩ tất cả các dự án của các nhà đầu tư to hay nhỏ đều bị tắc bởi quy định này”, ông Nuôi cho hay.

Nếu bỏ quy định phải có đất ở và đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở sẽ dẫn đến tình trạng tự phát, nhà nhà làm BĐS, mất cân đối cung - cầu...

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng Nghị định 30 đã mâu thuẫn với luật Đất đai 2013 và luật Đầu tư 2020 bởi hai luật này đều cho phép tổ chức kinh tế (nhà đầu tư) có quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch để thực hiện dự án đầu tư, thì được cơ quan có thẩm quyền có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời công nhận nhà đầu tư. Do đó theo ông Châu, trước mắt để “chữa cháy”, cơ quan chức năng cần xem xét bổ sung thêm cụm từ “bao gồm có quyền sử dụng đất ở hoặc có quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác hoặc có quyền sử dụng đất các loại đất khác (không phải đất ở)”.
“Bộ Xây dựng cần khẩn trương, quyết liệt, chủ động đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi ngay một số quy định bất cập của Nghị định 30 để tháo gỡ ách tắc đối với tất cả các dự án nhà ở thương mại để tăng nguồn cung dự án, tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhằm kéo giảm giá nhà đang rất cao hiện nay. Nghị định 30 vô tình làm tắc gần như 100% các dự án BĐS khiến nguồn cung đã hạn chế càng hạn chế hơn, từ đó giá BĐS càng bị đẩy lên cao”, ông Châu kiến nghị.

Bộ xây dựng: Nghị định 30 giúp thanh lọc doanh nghiệp

Trong khi doanh nghiệp kêu trời vì những ách tắc từ Nghị định 30 gây ra thì ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), khi trao đổi với báo giới lại khẳng định Nghị định 30 hoàn toàn không gây khó khăn hay cản trở doanh nghiệp, trái lại còn tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tế khi phát triển nhà ở thương mại, đặc biệt đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Có 4 điểm mới được sửa đổi đáng ghi nhận gồm: các vấn đề liên quan đến phát triển nhà ở; quản lý nhà ở mà nổi bật là phí bảo trì; quản lý việc bán nhà thuộc sở hữu của nhà nước và thủ tục hành chính.
Theo ông Khởi, luật Đầu tư và luật Xây dựng đã được sửa đổi năm 2020 nên cũng phải sửa và thay thế Nghị định 99/2015 bằng Nghị định 30. Khái niệm nhà đầu tư và chủ đầu tư sẽ được làm rõ và đảm bảo sự quản lý minh bạch, chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Tại Nghị định 30 quy định rất rõ về các trường hợp lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở. Theo đó, nhà đầu tư trúng đấu thầu hoặc trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở nếu có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án quy định tại điều 21 của luật Nhà ở 2014, khoản 2 điều 119 của luật Đất đai 2013 và pháp luật về kinh doanh BĐS thì nhà đầu tư đó được làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại.
Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp như: có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở; nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại, mới đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án quy định tại điều 21 của luật Nhà ở 2014, pháp luật kinh doanh BĐS và pháp luật có liên quan. Khi đó, trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ đồng thời xác định nhà đầu tư đó được làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại.
Trên cơ sở quy định của luật Nhà ở 2014 và luật Đầu tư 2020 thì tại khoản 5 điều 1 Nghị định 30 đã rất rõ ràng khi quy định về 3 trường hợp được chấp thuận chủ trương đồng thời với công nhận chủ đầu tư dự án gồm: có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở; nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại. Trong 3 trường hợp này, trường hợp thứ 2 đã bổ sung thêm theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 75 luật Đầu tư 2020. Đối chiếu với quy định của luật Nhà ở 2014 và luật Đầu tư 2020, kiến nghị bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư chỉ cần có quyền sử dụng đất không phải là đất ở cũng được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại là không phù hợp với quy định của 2 đạo luật này và cũng không phù hợp với quy định của luật Đất đai 2013. “Những điểm mới trong Nghị định 30 sẽ giúp đánh giá, chọn lọc được các chủ đầu tư có đủ năng lực và nhà nước có thể tăng thu ngân sách thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất tại các dự án nhà ở thương mại. Nếu bỏ quy định phải có đất ở và đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở sẽ dẫn đến tình trạng tự phát, nhà nhà làm BĐS, mất cân đối cung - cầu...”, ông Khởi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.