Nghi án Nixon phá hoại nỗ lực hòa bình cho Việt Nam: Bản án cuối cùng

06/01/2017 10:12 GMT+7

Bằng chứng không thể chối cãi về mưu đồ của Richard Nixon nhằm phá hoại hòa đàm Paris năm 1968 rốt cuộc cũng đã phát lộ.

Sau khi nhậm chức, ngày 8.9.1974, Tổng thống Gerald Ford ban hành lệnh ân xá toàn diện cho người tiền nhiệm Richard Nixon. Tuy nhiên phiên tòa và lịch sử dành cho Nixon trong vụ phá hoại nỗ lực hòa bình năm 1968 chưa bao giờ được khép lại. Những nỗ lực truy tìm mảnh ghép cuối cùng gắn kết Nixon và người trung gian Anna Chennault đã có kết quả sau hơn 48 năm.
Bản chép tay quý giá trong bài viết trên tờ The New York Times ngày 1.1.2017, sử gia John A.Farrell đã công bố tài liệu chứng minh tội trạng của Nixon. Đó là 4 trang chép tay của Harry Haldeman, phụ tá thân tín nhất của Nixon trong các chiến dịch tranh cử. Trong tài liệu, Haldeman, người sau này trở thành Chánh văn phòng Nhà Trắng, đã tóm lược những mệnh lệnh do Nixon đưa ra trong cuộc điện thoại giữa hai người vào đêm 22.10.1968, thời điểm Tổng thống Lyndon Johnson đang ráo riết chuẩn bị để ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc, mở đường cho cuộc hòa đàm Paris. Tờ giấy bao gồm dòng chữ: “Bảo Anna Chennault cứ tiếp tục với SVN (South Vietnam, tức Việt Nam Cộng hòa- NV)”.
Ở đoạn dưới, Haldeman lưu ý rằng Nixon muốn thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Everett Dirksen gọi điện cho Johnson và lên án dự định ngừng ném bom. “Còn bất kỳ cách nào khác để “thọc gậy bánh xe” không? Bất cứ thứ gì RN (Richard Nixon - NV) có thể làm”, Haldeman viết. Nixon còn yêu cầu liên danh Phó tổng thống Spiro Agnew liên lạc với Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) Richard Helms và đòi ông này cung cấp tin tức nội bộ của chính quyền Johnson nếu không muốn bị cho “về vườn” một khi phe Cộng hòa thắng cử. “Đến gặp Helms. Nói với ông ta chúng ta muốn sự thật - hoặc là ông ta sẽ mất việc”.
Ngoài ra, Nixon còn chỉ thị cho Haldeman sai thư ký riêng Rose Mary Woods liên lạc với doanh nhân Louis Kung thuộc phe Quốc dân đảng ở Đài Loan để nhờ ông này thúc ép Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu cự tuyệt hòa đàm. “Bảo ông ta hãy kiên định”, Haldeman chép lại lời Nixon. Farrell cho biết Nixon còn cầu viện lãnh đạo Đài Loan Tưởng Giới Thạch để giúp tác động ông Nguyễn Văn Thiệu. Việc liên lạc qua ngả Đài Bắc là lựa chọn thuận tiện bởi Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Đài Loan lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Kiểu, anh trai ông Thiệu.
Bằng chứng thuyết phục
Theo sử gia Farrell, Haldeman là người cực kỳ thân tín của Nixon. Trước khi Nixon ra lệnh lắp đặt hệ thống ghi âm các cuộc đàm thoại của ông từ năm 1971 trở đi, Haldeman thường xuyên ghi chép các mệnh lệnh của thượng cấp. Những tài liệu nhạy cảm được Haldeman gom vào một tập hồ sơ đặc biệt. Sau khi Nixon từ chức, chính phủ đã tịch thu toàn bộ hồ sơ và các băng ghi âm của ông. Tuy nhiên Nixon đã chi hàng trăm ngàn USD theo đuổi kiện tụng nhằm đòi lại hồ sơ. Theo các thỏa thuận dàn xếp, Nixon được giữ lại tài liệu cá nhân và những hồ sơ thuần về chính trị, bao gồm ghi chép của Haldeman trong các đợt tranh cử năm 1962, 1968 và 1972.
Các luật sư của Nixon có lý do để đấu tranh giành giật các tài liệu này vì chúng là bằng chứng trực tiếp về hành vi sai trái của thân chủ, cho thấy ông này vi phạm luật liên bang. Trong khi đó, “kim bài miễn tử” mà Ford dành cho người tiền nhiệm chỉ có hiệu lực trong giai đoạn đương chức tổng thống của Nixon, từ 20.1.1969 - 9.8.1974.
Việc thiếu bằng chứng trực tiếp về sự chỉ đạo đã khiến các sử gia phải dè dặt trong kết luận và cho phép những người ủng hộ Nixon có cớ biện bạch. Nhưng thời gian rốt cuộc cũng đã hé lộ những bí mật ô nhục. Quỹ Nixon, Tổ chức điều hành Thư viện Nixon, vào năm 2007 đã lặng lẽ trao lại các hồ sơ này cho Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ. Trong quá trình nghiên cứu tài liệu cho một cuốn sách về Nixon, Farrell đã phát hiện bản chép tay quý giá của Haldeman.
Theo tờ The New York Times, nhiều học giả nghiên cứu về Nixon đã mô tả phát hiện của Farrell là một bước đột phá. Robert Dallek, tác giả cuốn Nixon and Kissinger: Partners in Power (tạm dịch: Nixon và Kissinger: Đối tác cầm quyền) mô tả bản ghi chép “dường như xác nhận những nghi ngờ” về việc Nixon vi phạm luật liên bang. Evan Thomas, tác giả một cuốn sách khác về Nixon, nhận xét Farrell đã “đóng đinh điều được bàn tán từ lâu”.
Nhà nghiên cứu tại Trung tâm Miller ở Đại học Virginia Ken Hughes, từng viết cuốn Chasing Shadows: The Nixon Tapes, the Chennault Affair, and the Origins of Watergate (tạm dịch: Đuổi theo những chiếc bóng: Băng ghi âm của Nixon, vụ Chennault và nguồn gốc vụ Watergate), nói Farrell đã tìm thấy bằng chứng “không thể chối cãi”. “Đây dường như là mảnh ghép còn thiếu trong nghi án Chennault”, Hughes nói và bổ sung rằng bản chép tay “cho thấy Nixon đã phạm tội để trở thành tổng thống”.
Như hầu hết các vấn đề lịch sử, ngay cả khi mảnh ghép cuối cùng phát lộ, đâu đó vẫn còn vài nhà nghiên cứu và những người biện hộ cho Nixon rằng nếu Nixon không chủ động can thiệp, thì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn đơn phương rút khỏi hòa đàm, hoặc giả nếu Sài Gòn có tham gia, thì cơ hội hòa bình lúc ấy cũng cực kỳ mong manh. Nhưng lịch sử không có chữ nếu, trước vành móng ngựa của công luận và của thời gian, Nixon là kẻ chống lại hòa bình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.