Nghẽn tầm nhìn

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
06/03/2021 09:35 GMT+7

Để giải quyết tình trạng nghẽn mạch hiện nay, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa ra hàng loạt biện pháp như chuyển sàn, nâng lô giao dịch lên gấp 10 lần hiện nay hay mới nhất là ngưng hủy, sửa lệnh...

Tuy nhiên, điều đó cho thấy các lãnh đạo của HOSE đang loay hoay đề xuất những giải pháp mang tính áp đặt để chữa cháy cho một hệ thống quản trị, quản lý yếu kém.
Chúng ta đều biết, suốt nhiều thập kỷ qua, gánh nặng cung ứng cả vốn ngắn hạn và dài hạn đều đè nặng lên vai ngành ngân hàng (NH). Nhưng tiềm lực của các NH thương mại có hạn, để đảm bảo cung ứng vốn họ phải huy động ngắn hạn rồi cho vay dài hạn... nguy cơ rủi ro cho hệ thống. Chính vì vậy, phát triển, mở rộng quy mô thị trường chứng khoán là nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ đặt ra để tạo thêm kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán VN cũng vừa kỷ niệm hành trình 20 năm số lượng công ty niêm yết; số tài khoản cá nhân và tổ chức; quy mô vốn/GDP, giá trị giao dịch mỗi phiên... tăng mạnh. Điều đó cho thấy chứng khoán đang thực sự trở thành kênh huy động vốn quan trọng, chia lửa với NH.
Thế nhưng, những nỗ lực này đang bị “đe dọa” bởi tư duy “thụt lùi” của không ít lãnh đạo ngành chứng khoán với các đề xuất nâng lô giao dịch từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu; ngưng hủy, sửa lệnh... Theo tính toán, nếu đề xuất "nâng lô chống quá tải" được thông qua thì có tới 64 cổ phiếu, chiếm 54% vốn hóa của HOSE không được giao dịch nếu nhà đầu tư có vốn dưới 50 triệu đồng. Xin lưu ý ưu điểm lớn nhất của chứng khoán chính là nguồn vốn linh hoạt, nhiều hay ít đều có thể tham gia, vốn bé vẫn có thể trở thành cổ đông của công ty lớn. Nếu “chặn” nhà đầu tư nhỏ bằng lô lớn, tất nhiên rồi họ sẽ tìm kênh đầu tư khác.
Hay đề xuất ngưng sửa - hủy để cải thiện thanh khoản cũng... nực cười. Đơn cử trường hợp nhà đầu tư đặt lệnh mua, nhưng giá biến động lại không thể sửa lệnh để đặt lại trong khi tiền thì treo ở đó...
Có thể thấy, điểm chung của các giải pháp chống nghẽn mạng cho chứng khoán của các nhà quản lý là đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư. Trong khi mấu chốt của vấn đề này chính là hệ thống yếu kém dẫn đến quá tải. Đáng nói thay vì tìm giải pháp nâng cấp, họ lại loay hoay chắp vá hòng che đi trách nhiệm của mình. Trách nhiệm đó là gì, là thiếu tầm nhìn trong đầu tư, phát triển, nâng cấp hệ thống cả về con người và công nghệ trong suốt 2 thập kỷ qua. Hậu quả là hệ thống không theo kịp với sự phát triển về quy mô của chứng khoán. Dẫn tới tình trạng thị trường liên tục bị nghẽn mạng, rồi đề xuất các giải pháp tình thế khiến cho nhà đầu tư bức xúc, thiệt hại.
Mỗi giao dịch nhà đầu tư vừa phải đóng phí, vừa phải đóng thuế dù lỗ hay lãi. Thế nhưng, quyền lựa chọn cổ phiếu có nguy cơ bị cắt giảm; nguy cơ không được điều chỉnh hay hủy lệnh; thị trường thỉnh thoảng lại bị "rút phích" vì quá tải... nếu các vị đưa ra những đề xuất trên cũng là nhà đầu tư nhỏ, lẻ các vị sẽ làm gì? Ở lại với rủi ro hay chuyển tiền sang kênh khác cho đỡ phiền?
Chính phủ đang đặt mục tiêu 5% dân số tham gia thị trường chứng khoán, nhằm dẫn nguồn lực lớn vào sản xuất, giảm tải cho hệ thống NH. Chẳng lẽ chúng ta lại cứ để “hàn thử biểu của nền kinh tế” được điều chỉnh bởi tư duy “nghẽn tầm nhìn” như thế này?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.