Nghe tới đám cưới, tự nhiên... nhức đầu: Phát ngán người cùng bàn

Thanh Nam
Thanh Nam
16/10/2022 16:00 GMT+7

Có những người đi dự đám cưới lo lắng việc rủi xui ngồi cùng bàn với... "ông tám", "bà tám". Lỡ rủi xui như vậy thì chỉ biết "ngậm đắng nuốt cay" khi trải qua những tình cảnh bi hài.

Đi đám cưới mà tưởng bị... "hỏi cung"

Nguyễn Hoàng Ý Như (31 tuổi, chủ một spa trên đường Tân Hương, Q.Bình Tân, TP.HCM) "rùng mình" kể lại chuyện đi dự đám cưới vào ngày 8.10 vừa rồi.

Như nói: "Hôm đó đi dự đám cưới mà tưởng như đang ở đồn công an, bị tra hỏi liên tục". "Ban đầu, chị ngồi bên cạnh, tầm 34 35 tuổi, hỏi tôi mua cái đầm ở đâu mà đẹp thế. Tôi cũng đưa địa chỉ. Chị lại tiếp tục hỏi tôi quê ở đâu, làm việc gì, bao nhiêu tuổi... Tôi cũng lịch sự trả lời. Và cứ thế, tôi phải trả lời đến hàng trăm câu hỏi. Nhiều khi vừa đưa đũa gắp món ăn, chưa kịp gì là chị ấy lại hỏi. Cứ hỏi tới, hỏi một cách liên tục. Nào là có chồng chưa, sao chưa có chồng. Nào là đôi guốc tôi mang giá bao nhiêu tiền, tôi tự trang điểm hay là đến tiệm... Hôm đó, tôi đi ăn cưới mà cứ ngỡ là đang trong hoàn cảnh bị hỏi cung".

Theo Như, sau chục phút trò chuyện, cảm nhận đối phương bất lịch sự nên muốn chuyển chỗ ngồi. Ngặt nỗi không còn chỗ trống. Nếu bỏ về thì sẽ làm mích lòng cô dâu chú rể. Để rồi, nguyên buổi tiệc, Như phải nuốt cục tức, ngồi chịu trận.

Lỡ ngồi cùng bàn với những... "ông tám", "bà tám" thì... coi như xong

Q.p

Lương Thành Bảo (27 tuổi, hướng dẫn viên du lịch của một công ty ở đường Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng từng rơi vào tình cảnh y chang. "Đó là lần ngồi với một người không quen biết mà tưởng như đã thân từ kiếp nào", Bảo nói.

Là bởi, trong hơn hai tiếng đồng hồ dự tiệc đám cưới, Bảo phải trả lời... cả đống câu hỏi từ người bên cạnh. Dù thể hiện ra mặt sự khó chịu, nhưng người bên cạnh chẳng tinh tế để nhận ra. Ngược lại, những câu hỏi càng lúc càng nhiều hơn. "Anh ấy hỏi tôi làm hướng dẫn viên du lịch lương một tháng được bao nhiêu? Đi hoài thì làm sao có người yêu rồi lấy vợ sinh con đẻ cái. Rồi anh ấy nói vào giai đoạn dịch Covid - 19, tôi sống bằng gì khi mà du lịch đóng băng. Tiếp tục thắc mắc hiện trạng ngành du lịch bây giờ đã khởi sắc hơn chưa. Khi tôi ậm ờ trả lời đại khái để qua chuyện, thì anh ta tiếp tục chê lương thấp thì làm sao đủ sống? Tại sao không kiếm nghề khác để làm ổn định hơn. Tôi khó chịu, nên vờ ngó nghiêng tìm người quen. Nhưng anh ta không chịu ngừng lại. Lấy tay phe phẩy nói tại sao anh ấy hỏi mà tôi không trả lời...", Bảo nhớ lại trong cái thở dài thườn thượt.

Có những người rất lạ, thường xuyên mời mọc người cùng bàn nâng ly trong những tiệc đám cưới

X.P

Dù không bị hỏi dồn dập giống Bảo hay Như, nhưng Đặng Trọng Hùng (SV Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cũng phán ngán vì không may phải ngồi bên cạnh một... "máy nổ" tại một tiệc cưới.

"Anh ta khoe có tài sản đã gần chục tỉ, đang sở hữu chiếc xe hơi giá gần 2 tỉ. Thu nhập hàng ngày có thể vài trăm triệu, cũng như đang ở một chung cư gần 4 tỉ đồng. Sau đó, anh ấy khuyên tôi hãy làm... sales bất động sản giống công việc của anh ta. Khi tôi từ chối, anh ta cứ chèo kéo. Nào là "sales bất động sản mới là nghề thời thượng", nào là "làm sales bất động sản mới tự chủ tài chính và chủ động tương lai"... Mình nghe mà mệt đầu, nên... rời tiệc cưới đi về luôn", Hùng cho biết, đồng thời kể thêm: "Sau lần đó đã cảm thấy nhức đầu khi nhận thiệp cưới của bạn bè. Vì lo lại phải rơi vào cảnh tương tự".

Nhiều người đi đám cưới rất khoái 'dô, dô' mời bia liên tục

ẢNH MINH HỌA: Q.P

Khói thuốc, "rửa đũa", khạc nhổ...

Cũng vì bất lịch sự mà nhiều người khiến người khác chau mày, xốn mắt bởi những hành động "không thể hiểu nỗi".

Nguyễn Hoàng Ý Như cũng kể lại việc từng cảm thấy khó chịu khi trong suốt buổi tiệc bị "tra tấn" bởi những người có thói quen hút thuốc. "Dù ở những nhà hàng có nội quy không cho hút thuốc trong bàn tiệc. Chỉ được hút thuốc ở khu vực riêng ngoài sảnh. Nhưng họ lại mặc kệ, hút một cách thản nhiên, bất chấp việc ngồi chung bàn với phụ nữ có thai hay trẻ em. Họ chẳng ý tứ, thay vào đó lại còn nhả khói mịt mù. Có khi khói thuốc còn nhiều hơi khói bốc lên từ những nồi lẩu".

Trần Diễm My (32 tuổi, ở H.Phong Điền, Cần Thơ) cũng ta thán, có lần diện đồ thật xinh đẹp đi đám cưới. Nhưng trong lúc ngồi ăn, bị người bên cạnh để thuốc trúng vào váy. My phản ứng, người này quay sang xin lỗi. Mà khổ nỗi, vừa nói vừa nhả khói... vào mặt My.

Nhiều người phát quạu khi lỡ rủi xui ngồi cùng bàn với những người không tinh tế, mất lịch sự trong tiệc cưới

Q.P

Theo Trần Bình (26 tuổi, ở H.Krông Pa, Gia Lai), hầu hết những tiệc cưới ở nhà hàng, khi có món, nhân viên đều phân chia thức ăn cho thực khách. "Nhưng nhiều người cũng... tài lanh, muốn thể hiện, đứng dậy phân chia cho mọi người. Nhưng ngặt ở chỗ, họ không biết quy tắc lịch sự là phải trở đầu đũa khi gắp thức ăn cho người khác", Bình nói.

Chàng trai này kể thêm: "Có lần món lẩu vừa đem ra. Vì chờ lẩu sôi hơi lâu, có cô kia dùng đôi đũa của cô ấy huậy nồi lẩu giống như... rửa đũa vậy. Khỏi phải nói, chỉ có cô ta chứ chẳng ai ăn món lẩu đó cả. Tới khi món cá hấp được đem lên. Một lần nữa, cô ta cũng gắp cá cho mọi người bằng chính đôi đũa từng khiến mọi người ngán ngẩm. Nên có người dù gật đầu cảm ơn, nhưng sau đó lẳng lặng... bỏ chén ấy, xin nhân viên chén khác".

Nhiều người có thói quen hút thuốc ngay cả trong khi đang ở tiệc đám cưới, bất chấp nội quy của nhà hàng

X.P

Lê Hoàng Trung (SV Trường ĐH Cảnh sát nhân dân TP.HCM) thì ta thán việc "cảm thấy ớn ăn" khi trong bàn có những người hay "vừa ăn vừa nói", câu nào nói ra cũng đi kèm... nước bọt. "Nước bọt văng tứ tung lên các món thì ai mà dám ăn", Trung lắc đầu.

Chàng trai này cũng nói: "Có lẽ một trong những điều "ớn ăn" nhất mà hầu hết những người từng đi dự tiệc đám cưới có lẽ sẽ đồng tình. Đó là đang ăn mà có người thoải mái "ợ" lên một tiếng thật to, thậm chí khạc nhổ. Đặc biệt là có người liên tục uống bia, uống như chưa từng được uống, rồi... ói luôn ngay tại bàn. Tôi đã từng gặp 2 lần trường hợp như thế"...

"Nhiều người không lịch sự. Đi ăn cưới mà cứ nói chuyện trên trời dưới đất, bàn cả chuyện chiến sự châu Âu dù người bên cạnh không muốn nghe", (Trương Hoàng Khoa, 33 tuổi, giám đốc một công ty TNHH về đồ đá mỹ nghệ ở Q.10, TP.HCM)

"Sợ nhất là cảnh phải ngồi với những người lạ mà có thói quen nhiều chuyện. Họ nói, họ kể, họ hỏi một cách bất chấp. Cái gì họ cũng hỏi. Hỏi chán rồi họ tự kể... Có khi đi dự đám cưới mà không ăn uống được gì. Vì bị những người nhiều chuyện làm phiền", (Phan Thị Thanh Huyền, 29 tuổi, làm việc ở KCN Tân Tạo, TP.HCM).

"Tôi ghét nhất việc phải ngồi với những người khác giới trạc tuổi... cha chú mà cứ nhìn mình một cách chằm chằm, nhìn một cách say mê đắm đuối, nhìn không chớp mắt. Có khi liếc mắc để ý đến những nơi nhạy cảm trên cơ thể. Mỗi lần lỡ ngồi cùng người như vậy là tôi bỏ đũa rời đi ngay ra khỏi đám cưới", (Trần Thị Diệu Hiền, làm việc tại một công ty truyền thông ở Q.3, TP.HCM).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.