Nghề sứa ở Cô Tô gặp khó vì Trung Quốc ngừng mua

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
02/11/2020 09:38 GMT+7

Hàng loạt cơ sở thu mua, chế biến sứa tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) rơi vào cảnh bỏ hoang, còn người dân có nguy cơ thiệt hại hàng tỉ đồng, do thương lái Trung Quốc ngừng thu mua.

Xã đảo tỉ phú lâm cảnh lao đao

Nhiều năm trở lại đây, Thanh Lân (H.Cô Tô) được biết đến là xã đảo tỉ phú, bởi người dân ở đây giàu lên nhờ chế biến sứa. Con sứa được người dân ví như lộc biển, như “vàng trắng”. Đến mùa, khắp đảo nhà nhà đi vớt sứa về xưởng chế biến tại nhà để sơ chế rồi bán cho thương lái Trung Quốc. Nhiều hộ dân tận dụng cơ hội này trở thành thành tỉ phú, xây biệt thự, làm nhà nghỉ, mở rộng cơ sở sản xuất… đều nhờ vào sứa.
Thế nhưng suốt 1 năm qua, không chỉ Thanh Lân mà nhiều cơ sở chế biến sứa tại TT.Cô Tô (H.Cô Tô) rơi vào cảnh hoang tàn, nhà xưởng bỏ không. Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở chế biến sứa của gia đình, ông Mai Công Đàm (khu 1, xã Thanh Lân), cho biết từ cuối vụ sứa năm 2018, tình hình tiêu thụ sứa giảm sút, đến giờ đã bị đóng băng.
Chỉ tay vào bể sứa chưa xuất bán được ông Đàm nói: “Sứa tự nhiên được ngư dân vớt khá nhiều nhưng thành phẩm lại không xuất khẩu sang Trung Quốc được. Có những chuyến hàng phải làm thủ tục rất lâu, dẫn đến tăng chi phí lưu kho bãi. Thậm chí, hàng hóa bị hỏng không bán được. Từ vị thế tỉ phú, nhiều người bây giờ rất lao đao”.
Trong khi đó, tại khu 4 (TT.Cô Tô), để chuẩn bị cho vụ sứa năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Mười đã vay ngân hàng 1,7 tỉ đồng thu mua 240.000 con sứa biển dự trữ vào các bể, chế biến đóng thùng xuất bán. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu bị gián đoạn, dẫn đến sứa vẫn nằm im trong bể mà chưa thể xuất bán. Từ đầu năm gia đình mới bán được 4.000 thùng và đang tồn 10.000 thùng.
“Sứa đã rớt giá từ 200.000 đồng/thùng xuống còn 120.000 đồng/thùng mà chẳng ai đến hỏi mua. Từ 2 tháng nay, gia đình tôi như ngồi trên đống lửa, bởi số nợ ngân hàng chưa biết làm cách nào để trả được”, bà Mười nói.
Cạnh cơ sở nhà bà Mười, anh Lê Bá Tùng, một chủ cơ sở sản xuất, chế biến sứa ở khu 4 (TT.Cô Tô), cho biết gần 10.000 thùng sứa của gia đình vẫn chưa có thương lái đến hỏi han. Để trang trải chi phí điện, nước cho xưởng, anh Tùng đành phải bán lỗ gần một nửa.

Loay hoay tìm đầu ra

Theo thống kê của UBND H.Cô Tô, trước năm 2020, toàn huyện có 30 cơ sở chế biến, với sản lượng từ 1.400 - 2.100 tấn sứa/năm; doanh thu khoảng từ 80 - 100 tỉ đồng, chiếm trên 80% tổng giá trị thuỷ sản của huyện.
Tuy nhiên, vụ sứa năm 2020 chỉ có 23 cơ sở hoạt động, số lượng tồn kho khoảng 800 tấn sứa, tương đương hơn 21 tỉ đồng. Việc tồn kho số lượng sứa lớn như vậy khiến các cơ sở phải gánh thêm chi phí bảo quản, khó khăn càng thêm chồng chất.
Ông Hà Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp H.Cô Tô, cho biết từ đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động xuất khẩu hải sản gặp nhiều khó khăn.
“Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh thì chính sách biên mậu của Trung Quốc cũng thay đổi, siết chặt quy định kiểm soát hàng nhập khẩu. Đặc biệt, họ tăng cường truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đóng gói hàng hóa… Trong khi bà con quen làm ăn tự phát, chưa đầu tư đến bao bì, nhãn mác dẫn đến việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài gặp khó”, ông Hùng nói.
Để tháo gỡ khó khăn, chính quyền H.Cô Tô đang trông chờ vào việc tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch địa phương gặp khó khăn nên việc xuất bán lượng sứa tồn kho không đáng kể.
Ông Vũ Văn Hiển, Phó chủ tịch UBND H.Cô Tô, cho biết hiện nay địa phương đang hướng dẫn các quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu; hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, hồ sơ... để đảm bảo các tiêu chí tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu vào nhiều nước khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
“Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tổ chức tuần lễ ẩm thực; phối hợp với Sở Công thương tăng cường bán các mặt hàng thủy sản, đồng thời phối hợp với các đơn vị ngành than; khu công nghiệp… đưa hải sản, trong đó có sứa vào bữa ăn tập thể để hỗ trợ bà con tiêu thụ sứa”, ông Hiển nói.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã có ý kiến với Bộ Ngoại giao kiến nghị Hải quan Trung Quốc tạo điều kiện, hướng dẫn thủ tục nhập khẩu đối với các lô hàng sứa trong danh mục hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc để các doanh nghiệp xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế và các cặp chợ theo cơ chế thương mại biên mậu của Việt Nam với Trung Quốc tại Quảng Ninh.
Quảng Ninh cũng thông qua Bộ NN-PTNT đề nghị phía Trung Quốc sớm bổ sung danh mục sản phẩm và hình thức bảo quản sản phẩm của Việt Nam có tiền lệ xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có sản phẩm sứa ướp muối; cử chuyên gia hướng dẫn cơ sở chế biến thực hiện thủ tục xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và các thị trường khác…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.