Nghệ sĩ thiếu hiểu biết hay cố ý lập lờ tác quyền?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
29/06/2022 06:46 GMT+7

Luật sư cho rằng các bên nên rõ ràng khi đưa ra thông tin tác quyền chứ không phải lập lờ, nghệ sĩ cũng cần hiểu luật hơn.

Nghệ sĩ, nhà tổ chức nói vậy mà không phải vậy

Vụ lùm xùm Đan Trường xâm phạm quyền tác giả khi hát bài Ai chung tình được mãi tưởng như đã khép lại khi nam ca sĩ xin lỗi trên trang Facebook cá nhân. Theo đó, Đan Trường viết: “Để tránh kéo dài sự việc, Đan Trường và ê kíp đã gỡ bỏ ca khúc Ai chung tình được mãi và Từng yêu ra khỏi hệ thống YouTube của công ty. Và chắc chắn sẽ không trình diễn hai ca khúc này trên sân khấu một lần nào nữa, dù đã đóng tiền ca khúc Ai chung tình được mãi cho VCPMC (Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc) đầy đủ”.

Phan Mạnh Quỳnh đã không biểu diễn bản hit của Mỹ Tâm vì chưa xin phép

NSCC

Tuy nhiên, công chúng lại có cái nhìn khác khi bộ phận pháp chế của VCPMC công bố các tài liệu liên quan. Theo đó, họ cho biết HT Production (phía Đan Trường) thông báo cho báo chí: “Phía công ty đã ký kết hợp đồng sử dụng quyền tác giả âm nhạc với VCPMC (phía nam) cho ca khúc Ai chung tình được mãi - nên phía HT Production cho rằng Đan Trường trình diễn ca khúc này hoàn toàn là hợp lý”. Cũng theo VCPMC, HT Production cung cấp cho báo chí toàn bộ hợp đồng VCPMC cấp phép (chỉ che đi số tiền).

Bộ phận pháp chế của VCPMC cho biết HT Production có ký hợp đồng số 764 với VCPMC biểu diễn ca khúc Ai chung tình được mãi. Hợp đồng này cấp quyền sử dụng bài Ai chung tình được mãi để biểu diễn tại sự kiện Hội chợ thương mại Thái Lan ngày 27.5.2022 ở Bến Tre và 8 địa điểm khác.

VCPMC cũng nêu hai vấn đề. Thứ nhất, trường hợp HT Production sử dụng ca khúc Ai chung tình được mãi ngoài phạm vi hợp đồng này mà chưa được sự đồng ý của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) (theo điều 28 luật SHTT). Thứ hai, hợp đồng có điều khoản: “Các bên cam kết không công bố chi tiết các điều khoản của hợp đồng tới bất kỳ tổ chức/cá nhân khác”. Trong khi đó HT Production đã công bố một phần hoặc toàn bộ hợp đồng trên các phương tiện truyền thông, báo chí.

Như vậy có thể thấy không có chuyện VCPMC ký hợp đồng để Đan Trường ghi âm ghi hình đưa lên YouTube bài hát Ai chung tình được mãi. Họ chỉ xin phép biểu diễn ở một số chương trình. Thêm vào đó họ cũng vi phạm điều khoản bảo mật của hợp đồng.

Thông tin từ bộ phận pháp chế của VCPMC cũng nhắc tới việc nhà tổ chức Đông Đô Show thông tin không chuẩn xác về việc Tùng Dương biểu diễn bài Ai chung tình được mãi trong show nhạc Hà Nội phố 2. Tùng Dương cho biết nhà tổ chức đã xin phép, Đông Đô cũng cho biết đã xin phép qua VCPMC. Tuy nhiên, VCPMC lại cho biết VCPMC chưa ký hợp đồng với Đông Đô Show đối với show Hà Nội phố 2 mà họ tự chuyển tiền vào tài khoản VCPMC khi chưa thống nhất, ký hợp đồng. Thêm vào đó, theo VCPMC: “Trong danh sách tổng số 23 bài Đông Đô Show gửi email cho VCPMC để xin phép biểu diễn tại sự kiện không kê khai ca khúc Ai chung tình được mãi, sáng tác của nhạc sĩ Đông Thiên Đức”.

Cách lên tiếng của Đan Trường khiến VCPMC có vẻ như là bên đã nhận tiền mà không công nhận

Đào Ngọc Thạch

Lên tiếng muộn màng

Phía pháp chế VCPMC cũng nhắc đến việc hiện tại theo Nghị định 144/2020 ngày 14.12.2020, trong thành phần hồ sơ đề nghị chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật không có yêu cầu về việc thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả. Thêm vào đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật cũng không thực hiện công việc giám sát hay kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả. Chính điều này đã dẫn đến những chương trình biểu diễn vi phạm pháp luật theo kiểu không xin phép đã hát, bất kể chủ sở hữu có đồng ý cho hát hay không.

Về phía nghệ sĩ, không phải ai cũng đủ ý thức thực hiện luật SHTT. Phan Mạnh Quỳnh là một trong những nghệ sĩ hiểu và tuân thủ bản quyền. Mới đây, khi Phan Mạnh Quỳnh biểu diễn tại Đà Lạt, người hâm mộ đã đề nghị hát bản hit Hẹn ước từ hư vô. Dù đây là bài hát của anh, song nó đã thuộc quyền sở hữu của ca sĩ Mỹ Tâm. Vì thế, Phan Mạnh Quỳnh đã chỉ hát vài câu. “Hát mấy câu nha, do chưa xin phép chị ấy”, Phan Mạnh Quỳnh nói.

Luật sư SHTT Trần Thị Tám đánh giá, bà ngạc nhiên khi VCPMC lên tiếng khá muộn về những phát ngôn không khớp với hợp đồng của phía Đan Trường hay Đông Đô Show. “VCPMC là một đơn vị đại diện tập thể quyền tác giả. Họ đại diện cho nhiều nhạc sĩ và các nhà sáng tạo khác trong lĩnh vực âm nhạc. Vì thế họ cần giữ uy tín và danh tiếng, ít nhất là đối với khách hàng của họ là các nhạc sĩ, sau đó là với công chúng. Vì vậy mọi phát ngôn không đúng sự thật gây ảnh hưởng đến danh tiếng của VCPMC thì đơn vị này nên lên tiếng, hoặc sử dụng các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tôi thấy ngạc nhiên khi VCPMC không lên tiếng sớm hơn”, bà Tám nói.

Luật sư Trần Thị Tám cũng cho rằng việc đơn vị đại diện quyền tác giả lên tiếng, việc đối mặt với ca sĩ hoặc các công ty biểu diễn vốn là khách hàng của mình không dễ dàng. “Cần phải để khách hàng hiểu được nếu muốn tồn tại trong thị trường thì phải tôn trọng pháp luật về SHTT, chứ không thể đổ vấy trách nhiệm cho người khác”, bà Tám nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.