Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 10: Ông Tây họa sĩ vẽ làng Nghi Tàm

23/10/2014 05:00 GMT+7

Người dân làng Nghi Tàm (Hà Nội) háo hức rủ nhau đến xem triển lãm tranh của ông Tây họa sĩ - George Burchett.

>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 9: Người làm nhật ký ảnh cho Hà Nội
>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 8: Chàng rể Hà Lan viết sách nuôi vợ
>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 7: Kiến trúc sư Tây Ban Nha thiết kế áo dài Việt

Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 10: Ông Tây họa sĩ vẽ làng Nghi Tàm
Họa sĩ George Burchett và các tác phẩm của mình - Ảnh: M.N

Đã nhiều năm nay, người dân nơi đây chẳng ai còn lạ gì ông Tây họa sĩ. Bởi thế, cả làng rủ nhau tới triển lãm của ông, tò mò xem ông vẽ họ ra sao. Những gương mặt quen thuộc hiện ra qua nét vẽ đơn giản, mộc mạc, có phần cách điệu, nhưng vẫn thấy rõ những đặc điểm nổi bật. Đây là ông Simon bán cà phê với chiếc mũ phớt quen thuộc trên đầu, kia là chị Châu với gương mặt trái xoan xinh xắn, bà cụ móm mém đội thúng bán hàng ngoài chợ, rồi cả người vợ hiền của George. Trong tranh của ông hiện lên cả cuộc sống yên ả ở ngôi làng ven hồ Tây, người dân thảnh thơi đi câu cá, những con chuồn chuồn rong chơi, uốn lượn quanh mặt hồ... 

Trở lại nơi mình đã sinh ra

Nhiều năm trước, khi thực hiện cuộc triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha mình tại Hà Nội, George Burchett đã quyết định trở về và lưu lại chính nơi ông đã chào đời. Nghệ sĩ thị giác Úc là con trai của nhà báo nổi tiếng Wilfred Burchett, một người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và VN. Năm 1957, gia đình ông rời Hà Nội tới Moscow (Nga) và nối tiếp đó là nhiều cuộc hành trình khác. Với George, dù chỉ có 2 năm đầu đời gắn bó với Hà Nội nhưng ông thấy yêu nơi này như quê hương mình.

George chọn sống tại Nghi Tàm - ngôi làng với ông giống như một thế giới thanh bình tách biệt với thành phố náo nhiệt ngoài kia. “Cứ chiều chiều mọi người trong làng lại gặp gỡ trò chuyện, cười nói rôm rả, người thì rủ nhau đi câu cá, bọn trẻ con nô đùa, chạy nhảy khắp nơi. Mọi người ở đây giống như một gia đình lớn và tôi có cảm giác như được quay về nhà của mình”, George nói. Ông thích lái xe máy đi bát phố, thích thú nhìn những người phụ nữ “kỳ lạ” mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang kín mít, lụp xụp những cặp kính râm. Ông thích những khu chợ ồn ào, hỗn độn âm thanh cuộc sống. Ông thích những buổi gặp gỡ, hàn huyên với những người bạn thân. Ông đã trở về Hà Nội bởi yêu những thứ như thế và cũng còn bởi một dự định khác.  

Thực hiện bộ phim tài liệu về VN

George đã đọc hết những cuốn sách cha ông viết về VN và các cuộc chiến khốc liệt ở đây. Nhưng chỉ đến khi bất ngờ khám phá ra nhiều bức ảnh của cha chụp vào năm 1955 - cũng là năm ông sinh ra đời và một năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, George mới cảm nhận sự gắn kết với lịch sử mảnh đất này một cách rõ ràng.

Nhà báo Wilfred Burchett đã để lại những bức ảnh chân thực về cuộc sống thời chiến. Không phải là những vết tích bom đạn, mà là hình ảnh những đứa trẻ cắp sách đến trường, những người công nhân hồ hởi đến nhà máy làm việc, tất cả đều chia sẻ, khắc phục những khó khăn của cuộc sống để tồn tại, vươn lên. Những tấm ảnh ngả màu thời gian giúp George cảm nhận đã được sinh ra giữa một VN như thế. George trở lại và đi tiếp hành trình của cha mình cùng với người con trai - Graham Burchett. Trở lại có nghĩa là tìm về những vùng đất lịch sử mà cha ông đã đặt chân tới, còn đi tiếp là khám phá hiện tại và hướng tới tương lai. “Quay lại  không phải để tìm về quá khứ chiến tranh đau thương. Hơn hết tôi muốn tìm đến những thế hệ sinh sau thời kỳ lịch sử đau thương ấy để biết họ đang nghĩ gì, mong ước gì. Và không chỉ là những con người, cả những vùng đất cũng có thể tự kể câu chuyện của thời hiện tại”, George nói.

Hành trình sẽ bắt đầu từ Thái Nguyên, nơi Wilfred Burchett lần đầu tiên gặp Bác Hồ vào năm 1954, sau đó là các tỉnh phía bắc, xuống đến phía nam, vùng đồng bằng sông Mê Kông... Chuyến du hành còn mở rộng tới những nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan. Một dự án lớn, cũng là cuộc hành trình dài - cả về không gian, lẫn thời gian - được tiếp nối bởi 3 thế hệ: ông, cha và con. “Bố đã đưa tôi đến vùng đất này, nhưng giờ tôi nhìn mọi thứ bằng con mắt của tôi. Và con trai tôi cũng sẽ có góc nhìn của thế hệ trẻ bây giờ”, George mỉm cười nói. George là nghệ sĩ, chưa từng làm phim, còn con trai ông - Graham Burchett đã tốt nghiệp khóa học làm phim tại Sydney (Úc).

Với George, cuộc sống tại Hà Nội như mang đến cho ông nguồn năng lượng mới, thỏa mãn mọi say mê: làm phim, làm nghệ thuật và cả viết sách. Trò chuyện với ông, tôi cảm nhận rõ sự chân thành và những tình cảm nồng ấm xuất phát từ chính trái tim chứ không phải sự xã giao của một người nước ngoài. Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết George Burchett và vợ ông, cũng là một nghệ sĩ, về sống tại Hà Nội. Còn George thì lại coi đó như một lẽ tự nhiên: “Bố tôi là người Úc, mẹ tôi là người Bulgaria. Bây giờ nếu ai hỏi tôi đến từ đâu, tôi sẽ nói: Tôi đến từ Hà Nội”.

Minh Ngọc 

>> Triển lãm tranh cá nhân của tuổi thơ
>> Triển lãm tranh và điêu khắc về chủ quyền biển đảo Việt Nam
>> Triển lãm tranh về 36 phố phường Hà nội
>> Triển lãm tranh sơn mài của 38 họa sĩ  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.