Nghệ sĩ 'kiêm' già làng Cơ Tu

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
18/02/2022 09:03 GMT+7

Về với núi rừng, ông là một “công trình sư” có thể dựng cả ngôi làng Cơ Tu. Còn trên sân khấu, ông vào vai “già làng” quắc thước, đầy uy lực...

Bậc thầy điêu khắc gỗ

Tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào một ngôi làng cổ của người Cơ Tu khi đặt chân đến làng Toom Sara (xã Hòa Phú, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Đối diện là dãy nhà moong (nhà sàn truyền thống) làm bằng tre nứa, chính giữa có cây nêu vút cao. Từ lâu, cách dựng nhà moong, làm gươl (nhà làng truyền thống) với những mô típ trang trí như thế này không còn nhiều người nhớ, chứ chưa nói đến việc làm theo đúng phong cách Cơ Tu. “Cha đẻ” của ngôi làng này chính là A Lăng Đợi (57 tuổi, trú tại làng Gừng, TT.P’Rao, H.Đông Giang, Quảng Nam).

A Lăng Đợi trong vai người thủ lĩnh tiến hành nghi thức truyền thống của người Cơ Tu quanh cây nêu

HOÀNG SƠN

“Năm 2019, tôi cùng với một số nghệ nhân dựng lên ngôi làng này đấy! Đừng nghĩ rằng nhà moong phục vụ du khách thì chỉ cần tượng trưng. Linh hồn của mỗi moong không chỉ là vẻ bề ngoài mà còn ở những chi tiết trên từng phên nứa, bậc thang…”, A Lăng Đợi nói với ra từ ngôi moong nhỏ. Để hoàn thành ngôi làng, A Lăng Đợi phải chú tâm, miệt mài dựng, điêu khắc gần cả năm trời mới xong.

Với ngôi nhà gươl chính giữa làng, chuyện đẽo cột, vót mây, lợp lá… đối với nghệ sĩ điêu khắc A Lăng Đợi quá dễ dàng, vì cấu trúc được ông thuộc như lòng bàn tay. Nhưng điêu khắc từ ngoài vào trong lại tốn nhiều thời gian, nhất là bài trí, sắp xếp các chi tiết trang trí như đầu trâu, con rắn… sao cho toát lên vẻ đẹp truyền thống của kiến trúc nhà người Cơ Tu. Đứng trước gươl này, du khách không khỏi trầm trồ vì những đường nét điêu khắc tinh xảo. Nhưng nếu “mục sở thị” về ngôi gươl lớn nhất vùng Đông Giang do chính A Lăng Đợi thiết kế cách đây hơn 15 năm, mới thấy hết tay nghề điêu luyện của ông. Hồi đó, gươl làng Gừng nổi lên như một kiểu mẫu của gươl truyền thống người Cơ Tu.

Bậc thầy điêu khắc gỗ truyền thống

Năm 22 tuổi, A Lăng Đợi đã nổi tiếng khắp vùng H.Hiên cũ (nay là Đông Giang, Tây Giang, Quảng Nam) vì đẽo được những bức tượng gỗ độc đáo. Càng lớn tuổi, chứng kiến cảnh thất truyền nghề điêu khắc, ông càng lo cất công đi tìm học kỹ nghệ từ những bậc cao niên. Đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Cơ Tu là tạc tượng nhà mồ và điêu khắc trên hòm đôi. “Các chi tiết, hoa văn phải được trình bày và thể hiện đúng trình tự, nếu không sẽ xấu hổ với người đã khuất cũng như với người xem tượng. Mừng nhất là 10 học trò mà tôi nhận truyền dạy, có đứa đã thành nghệ nhân”, ông khoe. Ở quê nhà P’Rao, ông có không gian sáng tác, trưng bày tác phẩm điêu khắc riêng, chẳng khác gì một bảo tàng.

Người “gọi thần”

Nhiều năm trước, khuôn mặt, cử chỉ của A Lăng Đợi đã lọt vào mắt của những người làm văn hóa trong lần đi tìm vai già làng cho các sự kiện văn hóa. Để rồi từ đó, danh xưng “già làng” như chết tên với A Lăng Đợi. Với khuôn mặt rất “điện ảnh” cùng thần thái sẵn có của mình, A Lăng Đợi không cần diễn cũng đủ khiến người khác tin ông là một già làng thực thụ.

Gươl làng Toom Sara do chính tay A Lăng Đợi thiết kế, điêu khắc

Lần nào xuống Đà Nẵng biển diễn cồng chiêng, hát múa hoặc tái hiện các nghi thức truyền thống như đâm trâu, mừng lúa mới…, A Lăng Đợi cũng gây ấn tượng mạnh về một vị già làng quyền uy “gọi thần” cho lễ hội. Ông khoác lên mình bộ trang phục thổ cẩm truyền thống, dây chuyền mã não, dây nanh thú. Đầu đội lông chim, lông nhím, tay phải ông cầm tù và sừng trâu, tay trái cầm quạt từ cánh chim… Ông nghiêm mặt, rồi tiếng Cơ Tu đều đều vang lên như để báo cáo thần linh.

Tái khởi động “Mùa yêu” từ tháng 3.2022

Tháng 3.2021, lần đầu tiên chương trình “Mùa yêu” được tổ chức tại làng Toom Sara (thuộc Khu du lịch sinh thái Suối Hoa, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) với nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực đặc sắc của người Cơ Tu. Ông Huỳnh Tấn Pháp, Tổng giám đốc Khu du lịch sinh thái Suối Hoa, cho biết hiện có 10 nghệ sĩ chuyên biểu diễn trong các “Cơ Tu show”. Từ tháng 3.2022, “Mùa yêu” sẽ tái khởi động.

Ông không phải già làng, nhưng được các già làng ủy quyền để tham gia nhiều việc hệ trọng như hỏi cưới, các vụ việc quan trọng khác. Nhiều năm trước, vai già làng thường do nghệ nhân A Tùng Vẽ đảm nhận, sau đó tuổi già sức yếu già Vẽ không thể tiếp tục và A Lăng Đợi được chọn thay thế.

Mỗi nghi lễ của người Cơ Tu là một bài học mà A Lăng Đợi quyết tâm ghi nhớ từng chi tiết nhỏ. Bởi ông ý thức rằng, lớp trẻ đang dần thờ ơ với văn hóa truyền thống, phải có người nắm giữ để không bị mai một. Lâu dần, ông trở thành người nghệ sĩ đam mê nghiên cứu văn hóa, am hiểu và biểu diễn thành thạo nhiều tiết mục văn nghệ, nhiều nhạc cụ… Niềm vui lớn nhất của ông chính là cả gia đình đều tham gia biểu diễn và phục vụ tại làng Toom Sara. Vợ ông, A Lăng Thị Phơi, biểu diễn dệt thổ cẩm. Hai con gái thì hát giao duyên, hát lý, nhảy múa tâng tung da dá (vũ điệu dâng trời)… “Hạnh phúc nhất là 2 đứa cháu ngoại mới chỉ 4 và 6 tuổi đã yêu quý và tham gia múa hát tâng tung da dá rất đẹp!”, A Lăng Đợi cười hiền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.