Nghệ sĩ Bạch Long: 'Chỉ có phép màu mới vực dậy được cải lương'

28/06/2020 10:33 GMT+7

Trân trọng nỗ lực vực dậy cải lương của các học trò nhóm Đồng ấu Bạch Long, nhưng anh ruột NSƯT Thành Lộc cho biết chính bản thân ông cũng vô vọng với việc vực dậy loại hình nghệ thuật này.

Mùa dịch Covid-19 vừa qua, gần như tất cả các nghệ sĩ trong showbiz đều phải ngưng hoạt động, ế show. Dưới sự hỗ trợ về mặt dàn dựng, kỹ thuật của học trò Đổng Tường, ông bầu 61 tuổi cùng hơn 20 thành viên của Đồng ấu Bạch Long quyết định thực hiện chương trình thiếu nhi Thằng bờm kể chuyện xưa, kể chuyện cho thiếu nhi bằng cải lương. Bạch Long bật cười kể: “Giữa thời đại công nghệ 4.0 mà thầy trò tôi như quay về… thời kỳ đồ đá. Chúng tôi chẳng đến phòng thu hay phim trường nào cả. Cứ lấy micro ra thu tiếng thủ công tại chỗ. Căng phông bạt màu xanh lên rồi dùng kỹ xảo đơn giản chèn cảnh vào như các chương trình thiếu nhi thời bao cấp. Thầy nghèo mà trò cũng nghèo, tài trợ chương trình thời buổi này cũng khó kiếm. Nhưng tôi thương các em có tài, khao khát được cống hiến mà sân khấu để diễn thì không có nên mới nghĩ ra cách này”.

Bạch Long hài hước cho biết mình và các học trò đang "lội ngược về thời đồ đá" để làm cải lương. Không có tiền thuê bối cảnh, nhóm Đồng ấu Bạch Long tự dựng phông bạt xanh làm nền rồi dùng kỹ xảo đơn giản để chèn

Ảnh: NVCC

Đồng hành cùng học trò nhưng Bạch Long cũng thẳng thắn nhận định: “Mình làm là vì muốn cho các cháu thiếu nhi còn biết đến dân tộc đã từng có một bộ môn nghệ thuật đẹp đẽ, giàu giá trị truyền thống. Làm để cho những khán giả còn dành tình yêu với cải lương có cái nghiêm túc để thưởng thức. Bởi khán giả muốn yêu cải lương thì phải được tiếp xúc với nó từ sớm thì mới có sự định hình trong đầu về loại hình nghệ thuật này. Chứ tôi biết để mà vực dậy được nền cải lương như thời hoàng kim là chuyện khó lắm, nếu không muốn nói là có phép màu thì may ra”. Ông cũng cho biết đã sớm nhận ra ngày suy tàn của cải lương từ những năm 1972, khi mà phim ảnh, các loại hình giải trí hiện đại của nước ngoài bắt đầu du nhập vào nước ta. Theo Bạch Long, trước đây mọi người đắm đuối với cải lương là vì thời điểm đó chưa có nhiều loại hình nghệ thuật cạnh tranh khốc liệt như bây giờ.

Bạch Long dành nhiều lời khen cho học trò Đổng Tường (phải), người mà theo ông là rất có tâm theo đuổi cải lương trong mọi hoàn cảnh. Đổng Tường cũng đồng thời là người đạo diễn, dàn dựng chương trình Thằng bờm kể chuyện xưa trên kênh YouTube Đồng ấu Bạch Long

Ảnh: NVCC

Con trai lớn của NSND Thành Tôn cũng chỉ ra các nỗ lực phục dựng các vở cải lương kinh điển ngốn tiền tỉ của NSƯT Kim Tử Long - Ngọc Huyền là đáng ngợi khen nhưng cũng không đạt hiệu quả cao. Các suất diễn hầu như chỉ đông khách được giai đoạn đầu chứ không thể tái diễn nhiều lần. Bởi bây giờ cầm điện thoại hay máy tính lên là có vô số video phim ảnh, âm nhạc đủ các thể loại để xem nên việc bỏ tiền đến sân khấu xem biểu diễn là khá xa xỉ với nhiều người. Hiện tại, nghệ sĩ Bạch Long vẫn dành một tình yêu sâu sắc cho cải lương. Nam nghệ sĩ vẫn ngày ngày đi diễn kịch, chạy show kiếm sống và cần mẫn hỗ trợ nhóm Đồng ấu Bạch Long. Ông cho rằng việc cấp thiết hiện nay là mọi người nên có cách gìn giữ và quảng bá loại hình này như một di sản văn hóa, giữ những giá trị cốt lõi đẹp đẽ để lưu truyền hậu thế chứ đừng chỉ chăm chăm “lấy muối bỏ bể” nhằm thực hiện giấc mộng vực dậy thời hoàng kim.
Vào những năm 1990, Đồng ấu Bạch Long là nhóm diễn viên nhí được đào tạo bởi chính nghệ sĩ Bạch Long rất được khán giả yêu thích. Ở thời kỳ đỉnh cao, nam nghệ sĩ đã thành lập hằn một gánh hát riêng cho các học trò có đất dụng võ. Thời điểm hoàng kim, Đồng ấu Bạch Long quy tụ hầu hết các hậu duệ của những gia tộc cải lương lớn với những cái tên sau này đều thanh danh như: NSƯT Quế Trân, NSƯT Vũ Luân, Bình Tinh, Tú Sương, Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo, Chinh Nhân, Linh Tý, Tâm Tâm, Thy Trang… Những vở cải lương để đời của đoàn hát đặc biệt này phải kể đến: Con bạch mã và củ cải khổng lồ, Cóc kiện trời, Na Tra, Bao Công đại chiến Bàng Đức, Long lân quy phụng, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài... Năm 2000, đoàn của ông tan rã. Sau đó, nam nghệ sĩ quy tụ lớp học trò thuộc tầng lớp bình dân, không phải con nhà nòi miễn là có tố chất cải lương và niềm ham mê với nghề thành Đồng ấu Bạch Long 2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.