Nghệ nhân “độc nhất miền Tây” chuyên sửa các loại đàn cổ

11/12/2022 10:00 GMT+7

Dành trọn cuộc đời cho những cây đàn cổ, nghệ nhân Huỳnh Văn Đơn (62 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP. Cần Thơ ) được xem là người hiếm hoi ở miền Tây có thể chế tác và sửa được hầu hết các loại đàn cổ.

“Bác sĩ” của các loại nhạc cụ dân tộc

Nơi sửa đàn cổ của ông Đơn nằm trong khu chung cư cũ ở TP.Cần Thơ. Căn phòng nhỏ xíu, vừa là nơi sinh hoạt của gia đình, vừa là nơi ông sửa đàn, lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào. Không quá lời khi ai đó gọi vui nghệ nhân Huỳnh Văn Đơn là bác sĩ của các loại nhạc cụ dân tộc, bởi ông có thể “bắt bệnh” và “chữa bệnh” cho từng loại đàn.

Ông Đơn là một trong những nghệ nhân hiếm hoi sửa đàn cổ ở miền Tây

DUY TÂN

Ông Đơn tâm sự: “Sửa đàn không phải là nghề gia truyền của gia đình mà bắt nguồn từ niềm đam mê của bản thân tôi. Lúc 8 tuổi, cha mẹ thuê thầy đàn có tiếng về dạy cho người anh thứ tư. Thấy tôi học lỏm, thầy nhận ra tôi có năng khiếu nên cũng rèn nghề cho tôi từ đó. Tôi biết đàn rồi tự mày mò cách sửa đàn luôn”.

Năm 19 tuổi, ông Đơn theo đàn cho nhiều đoàn cải lương ở miền Tây và học thêm nhiều loại nhạc cụ, đóng đàn và sửa đàn. Đến nay, ông có thể chơi thuần thục 7 loại nhạc cụ và sửa được hầu hết các loại đàn cổ như: tranh, bầu, sến, gáo, kìm, cò… Bên cạnh đó, các loại đàn hiện đại như guitar, guitar điện, violin ông cũng sửa được.

Từ những loại đàn cổ đến đàn điện hiện đại ông Đơn đều có thể sửa và chế tác

DUY TÂN

“Nghề này cũng khó lắm, vừa phải am hiểu các loại nhạc cụ, biết thẩm định âm thanh vừa tốn rất nhiều thời gian để nghiên cứu chữa cho đúng ‘bệnh’. Điển hình như cây đàn kìm, phải mất 7 năm học và nghiên cứu tôi mới sửa rành”, ông Đơn chia sẻ.

Ông Đơn tỉ mẩn sửa cây đàn cò cho khách

DUY TÂN

Hơn 35 năm gắn bó với nghề

Để làm hoặc sửa hoàn thiện một cây đàn phải mất từ 2 - 7 ngày do phải kỳ công trong từng công đoạn và xử lý âm thanh sao cho tiếng đàn chuẩn nhất. Mỗi cây đàn được ông Đơn sửa với giá từ 100 ngàn - 1,5 triệu đồng.

Nhờ làm nghề lâu năm, ông được nhiều nghệ sĩ khắp các tỉnh, thành miền Tây như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… ủng hộ. Tuy thu nhập không bao nhiêu nhưng niềm đam mê trở thành “nghiệp” nên hơn 35 năm qua ông vẫn gắn bó với nghề này. Để ổn định cuộc sống, ngoài sửa đàn, ông còn tranh thủ đi đàn tự do và mở lớp dạy đàn tại nhà.

Những cây đàn kìm cũng được sửa chữa và chỉnh âm

DUY TÂN

Theo ông Đơn, để một cây đàn phát ra thanh âm cuốn hút người nghe thì ngoài kỹ thuật đàn hay của người chơi, một phần còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng của người làm đàn. Mỗi loại đàn có cách chỉnh âm khác nhau và đòi hỏi người làm đàn phải am hiểu sâu sắc về loại nhạc cụ, sự tinh tế, điêu luyện về cách chế tác lẫn thẩm mỹ âm nhạc.

Cây đàn tranh được ông chỉnh âm lại cho giữ được “hồn” nhạc cụ

DUY TÂN

Chia sẻ về tuyệt kỹ khắc phục những cây đàn bị hư hỏng, ông Đơn cho biết mỗi nghề có một bí quyết riêng để làm đàn, nhưng ông thường chọn loại gỗ trắc và ngô đồng. Gỗ trắc được ông bào mòn, vừa độ dày để làm thùng đàn, gỗ ngô đồng được chế tác cầu kỳ, đục đẽo đúng kỹ thuật để ép vào mặt trước cây đàn trước khi lên dây. “Ví dụ, đàn kìm thường có mặt làm bằng gỗ ngô đồng; vành, cần, trục làm bằng gỗ cẩm lai hoặc gỗ trắc. Làm đàn quan trọng nhất vẫn là công đoạn thổi hồn cho đàn để âm thành phát ra giữ được hồn của từng loại đàn", ông Đơn cho biết.

Huỳnh Trọng Phúc, con trai ông Đơn, mới 8 tuổi nhưng đã biết chơi 7 loại nhạc cụ

DUY TÂN

Ông Đơn được giới nghệ sĩ ở miền Tây bái phục về khả năng làm đàn, sửa đàn cổ chuẩn âm và hiếm hoi. Đặc biệt khâm phục về tình yêu nghệ thuật truyền lại cho con. Con trai ông là Huỳnh Trọng Phúc (8 tuổi) thừa hưởng “máu” nghệ thuật từ cha nên đã tập luyện và chơi được 7 loại nhạc cụ gồm: kìm, sến, guitar, cò, gáo, violin, đàn tranh. Sắp tới, em tiếp tục học thêm 3 loại nhạc cụ để hỗ trợ cha kiếm thêm thu nhập.

Những ngón đờn điệu nghệ được em Trọng Phúc biểu diễn cùng cha

DUY TÂN

Đánh giá về nghề sửa đàn của ông Đơn, Nghệ nhân Ưu tú Trần Minh Đức (80 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) cho biết: “Ở miền Tây rất hiếm có nghệ nhân sửa đàn cổ. Đặc biệt ông Đơn còn truyền nghề cho con trai mới vừa tròn 8 tuổi chơi được 7 loại nhạc cụ khiến ai nấy đều nể phục về tình yêu nhạc cụ truyền thống của hai cha con”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.