Nghề giáo - đừng vội đánh giá phiến diện!

Thanh Nam
Thanh Nam
23/12/2018 10:43 GMT+7

Những ngày này, từ những cuộc trò chuyện ngoài đời, đến những bình luận trên mạng xã hội, thì câu chuyện về nhà giáo trở thành một trong những đề tài được bàn tán nhiều nhất.

Có người phỏng đoán, có người khẳng định "chắc như đinh đóng cột"; mà tất cả đều hướng đến nội dung: "Giáo viên thời nay tệ quá", "Đạo đức nhà giáo xuống cấp".
Dễ hiểu cho những nhận định này, khi những nét vẽ u ám ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong bức tranh giáo dục. Nét vẽ nhòe nhoẹt về 231 cú tát từ một giáo viên ở Quảng Bình chưa dứt thì tiếp tục có nét vẽ mờ mịt khác với 50 cú tát từ một giáo viên ở Hà Nội.
Bức tranh vô tình xấu ấy càng trở nên xấu hơn bởi những nét vẽ nhớp nhúa được tạo bởi một vị hiệu trưởng ở Phú Thọ lạm dụng tình dục nam sinh.
Và mới nhất, thêm một vết nhơ xuất hiện trong bức tranh ấy. Một giáo viên ở Gia Lai bị công an tạm giữ để điều tra hành vi hiếp dâm học sinh lớp 8.
Còn nhiều, khá nhiều "vết ố" khác trong bức tranh giáo dục. Dù là "vết ố" nhỏ hay "vết loang" to, thì cũng đều khiến bức tranh này trở nên ảm đạm, xấu hơn trong mắt mọi người.
Nhưng sự thật, có phải nhà giáo thời nay tệ lắm không? Có phải đạo đức nghề giáo đang xuống cấp không? Và những người đang làm nghề "đưa đò" phải chăng đang bị phán xét phiến diện, bị trách oan? 
Ba má tôi là những giáo viên ở Quảng Ngãi. Ông thực sự cảm thấy buồn khi bị đánh đồng "giáo viên ngày càng tệ". Mặc dù hàng ngày ông lên lớp với sự tận tâm, xem những học trò giống như tôi, là con ruột. Dốc hết tâm can để dạy bảo nên người.
Má tôi cũng thấy xót xa cho bản thân và đồng nghiệp. Má bảo chạnh lòng và tổn thương khi mỗi ngày đến lớp đều toàn tâm toàn ý để dạy học trò. Vậy mà dư luận, đã và đang đánh đồng khi cho là "đạo đức giáo viên đang xuống cấp".
Chú thím tôi cũng là giáo viên ở Gia Lai. Giáo viên vùng này thường phải lên rẫy hay vào rừng để tìm học trò, năn nỉ học trò đến lớp, để họ được gieo con chữ, gieo kiến thức. Họ cảm thấy sốt ruột khi học trò không đến lớp, họ cảm thấy nhói đau khi học trò bệnh. Nhưng dư luận vẫn đang xầm xì: "Giáo viên thời nay tệ lắm".
Bạn bè tôi ở nhiều tỉnh thành cũng chọn nghề giáo. Có người tự nguyện lên hẳn những vùng sâu vùng xa để công tác. Tất cả chỉ vì muốn "trồng người", truyền đạt kiến thức, đạo đức, điều hay lẽ phải cho học sinh, để học sinh vững bước vào đời. Họ kể rằng, có không ít đồng nghiệp gắn bó cả vài chục năm ở nơi hẻo lánh mà không than vãn, cũng chỉ vì muốn giúp học trò kiếm cái chữ. Hay có người tìm đủ mọi cách, nhờ bạn bè hỗ trợ, nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ, hoặc trích cả đồng lương vốn dĩ ít ỏi, để mua sách vở, dụng cụ học tập, quần áo, xe đạp... tặng học trò. Họ hết lòng vì học trò như thế, sao lại đánh đồng: "Giáo viên thời nay tệ lắm"!.
Hóa ra, trong bức tranh tưởng chừng ảm đạm và xấu xí kia, vẫn còn đó những gam màu ấm áp, đầy hy vọng. Nhưng tâm lý con người, thường không nhìn vào bức tranh tổng thể, chỉ nhìn vào một vài vết đen loang lổ và vội vàng đánh giá.
Có lẽ từ trong sâu thẳm mỗi người giáo viên, khi đã quyết định chọn nghề này, đều mang trong mình cái tâm trong sáng, đều có ước mơ chắp cánh cho những thế hệ học trò nên người, thành công trong cuộc sống. Và những câu chuyện khó chấp nhận được kia, những nét vẽ nguệch ngoạc và xấu xí kia, là không nhiều, là cá biệt, chứ không phải giáo viên nào cũng thế. Vậy thì nên chăng, đừng đánh đồng, đừng đánh giá phiến diện về nghề này nữa?
Thật khó thể nào quên, ngày ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) chia tay trường để nhận công tác ở trường mới, rất nhiều đồng nghiệp, học sinh khóc nức nở, lưu luyến.
Hay ngày nhà giáo Văn Như Cương của Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) qua đời, hàng ngàn phụ huynh và học sinh của ông không thể kiềm nén xúc động, xót thương tiễn đưa.
Và còn hàng ngàn, hàng vạn giáo viên khác, vẫn đang thầm lặng với nghề "đưa đò" và chắc hẳn nhờ sự tin yêu của nhiều thế hệ học trò, phụ huynh, đồng nghiệp mà họ mới có đủ nghị lực và tình yêu để tiếp tục cống hiến với nghề. 
Những mẩu chuyện làm cho bức tranh giáo dục nhuốm màu u ám thời gian qua chỉ là chuyện "con sâu làm rầu nồi canh". Bởi vì tôi tin chắc rằng, tất cả giáo viên đều coi tình yêu thương vô bờ với học sinh, xem học sinh như con cái, chấp hành nghiêm chỉnh quy tắc đạo đức nhà giáo là kim chỉ nam của nghề nghiệp.
Và xin đừng vội đánh giá phiến diện, một chiều bất cứ vấn đề gì. Hãy tin rằng, nghề giáo luôn mãi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.