Nghề 'dầm mình' dưới cống Sài Gòn: Tắm bằng bột giặt, cả tuần mới hết mùi

22/04/2019 12:13 GMT+7

Công nhân làm việc dưới ống cống cho biết, vì có rất nhiều nước thải dơ bẩn và đủ loại rác, xác động vật nên cống luôn có mùi hôi nồng nặc. Họ phải tắm bằng bột giặt nhưng cũng phải cả tuần mới... hết mùi hôi.

Một ngày giữa tháng tư, trời nắng oi ả, theo chân những công nhân của Công ty thoát nước đô thị TP.HCM, PV Thanh Niên đến đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.5, TP.HCM) để quan sát công việc duy tu, nạo vét hầm ga, ống cống chuẩn bị cho mùa mưa sắp tới.
Đây là con đường nổi tiếng với nhiều quán vịt quay có thương hiệu lâu năm ở TP. Chính vì vậy, các công nhân thoát nước đều ngao ngán mỗi lần phải dọn cống ở đây. Ở dưới cống dọc con đường này, ngoài rác và xác động vật còn có một lớp mỡ dày gần 50 cm nổi lềnh bềnh. Sau mỗi lần chui xuống, họ thường phải bỏ luôn bộ quần áo của mình vì giặt không thể nào sạch được.

Tắm bằng bột giặt

Ông Nguyễn Văn Minh (53 tuổi), công nhân của Chi nhánh Thoát nước số 4 theo công việc này được 30 năm. Với ông, chuyện phải nhảy xuống ống cống, giữa dòng nước đen ngòm, đủ loại chất thải là chuyện bình thường, không có gì đến mức phải bịt khẩu trang hay mặc đồ bảo hộ. Vì hơi nóng sẽ làm người đeo cảm thấy ngộp thở, khó di chuyển ở dưới cống nhỏ.
Đồng nghiệp vừa mở một nắp hầm ga ở đoạn giao lộ Trần Bình Trọng - Phan Văn Trị, ông Minh ngay lập tức đeo đôi bao tay rồi nhảy ụp xuống, nước thải ngập lên tới nửa người. Mặc hơi nóng và mùi nồng nặc khó chịu từ hầm ga tỏa ra, tay cầm chiếc rổ, ông Minh liên tục vớt lên hàng chục rổ lớp váng mỡ đưa lên cho những người ở trên để đổ vào xe.
Ông Minh chia sẻ: “Nhảy xuống cống như thế này, tôi không ngại dơ, cũng không ngại hôi nhưng chuyện giẫm vào miểng chai, kim tiêm như cơm bữa. Dưới cống thoát nước mà lúc nào cũng có bao nhiêu loại rác thải, xác động vật, dầu mỡ từ các cửa hàng. Tôi chỉ mong mọi người ý thức hơn, rác bỏ đúng nơi quy định. Quá nhiều loại rác thải, khi mưa xuống, nước thoát không kịp sẽ là một trong những nguyên nhân gây ngập nước”.
Sau mỗi lần dọn tại ống cống ở khu vực đường này, ông Minh phải bỏ luôn bộ quần áo
Vừa múc hết lớp mỡ dày, ông Minh lại dùng chiếc cuốc nhỏ để cạo mảng bám xung quanh hố ga, đây thực ra là lớp mỡ bám lâu ngày, bị ô xy hóa thành các mảng bám, cản trở việc thoát nước.
Sau gần nửa tiếng hì hụi, ông Minh trèo lên lại vỉa hè, lớp mỡ bám ken đặc cả bộ đồng phục, tay chân cũng không ngoại lệ, ông ngay lập tức phải cởi giày vì quá trơn không thể bước đi được.
Ở riêng con đường này là chúng tôi làm xong phải bỏ luôn bộ đồ vì mỡ bám giặt không ra. Chiều về đến nhà phải lấy xà bông giặt đồ chà người mới mong khử được mùi mà cũng phải chà cả tuần như vậy mới hết mùi được
Ông Nguyễn Văn Minh
Hít thở một hơi, chỉ tay vào bộ đồ, ông Minh nói: “Ở riêng con đường này là chúng tôi làm xong phải bỏ luôn bộ đồ vì mỡ bám giặt không ra. Chiều về đến nhà phải lấy xà bông giặt đồ chà người mới mong khử được mùi mà cũng phải chà cả tuần như vậy mới hết mùi được”.
Mùi là vậy, hôi là vậy nhưng ông Minh bảo luôn tự hào vì đây là công việc chân chính, giúp ông nuôi con cái ăn học thành tài. Tới giờ, con ông có việc làm ổn định, thấy cha cực khổ nên khuyên ông nghỉ việc thì ông lại cười xòa rằng làm được 30 năm rồi, làm thêm vài năm nữa cũng chẳng sao, mà lại có được lương hưu khi về già.

Tối ngủ vợ hỏi sao hôi thế

Cùng chi nhánh với ông Minh, anh Châu Anh Huy, mới vào nghề được 1 năm cũng cho biết, trước khi chọn vào làm công nhân thoát nước đô thị anh cũng đắn đo, suy nghĩ nhiều. “Vì nhắc tới công việc này, ai cũng biết là dơ bẩn, ô nhiễm, đủ thứ rác thải. Nhưng vì cuộc sống gia đình nên tôi phải chấp nhận”, anh trải lòng.
Đứng dưới cống hôi, nồng nặc mùi là vậy nhưng anh Huy và ông Minh cũng không mang khẩu trang vì cảm thấy vướng víu khi làm việc
Anh Huy nói nhớ nhất là ngày đầu tiên nhảy xuống cống, anh gần như bị sốc vì thấy quá nhiều kim tiêm, xác động vật bốc mùi. Xong công việc về nhà anh tắm, chà thật kỹ nhưng mãi vẫn thấy không hết được mùi hăng hăng của cống.
“Tối đến đi ngủ, vợ tôi hỏi sao mùi gì hôi hôi nhỉ, tôi nói mùi của cống đó mà. Vợ hỏi công việc thế nào thì tôi cũng nói giảm nói tránh chứ không dám kể ra dưới cống thế nào, có gì dưới đó vì sợ vợ lại thương”, anh Huy tâm sự.
Theo lời anh Huy, lần đầu giẫm phải thanh sắt chảy máu chân, anh hoảng quá nên ngay lập tức đi khám bác sĩ, vậy rồi nhiều lần thành quen, giẫm phải thủy tinh hay kim tiêm anh cũng xoa xoa cho tự lành rồi thôi. Bởi với anh đây là chuyện như cơm bữa.
Lớp mỡ đóng đầy ở phần trên của nước thải khiến việc dọn dẹp của những người công nhân thoát nước vất vả hơn
Có lần, con của anh tình cờ thấy anh đang làm việc, đã hỏi sao ba làm nghề này. Anh lại nhẹ nhàng nói cho con hiểu, đây là công việc giúp ích cho xã hội và mang lại thu nhập chân chính nên các con nên tự hào về công việc của ba. Và gia đình cũng là động lực để mỗi lần phải dầm mình dưới nước cống bốc mùi, anh cảm thấy trân quý những gì mình làm được.

‘Đi ngang ngoài đường người ta còn bịt mũi huống gì…’

Ông Hà Tấn Lực (46 tuổi,) cũng cho biết, ông đến với nghề này như là cơ duyên, thu nhập chưa tới chục triệu một tháng, cả gia đình phải tằn tiện lắm mới đủ lo cho cuộc sống. Những ngày đầu mới vào thử việc, về đến nhà mặt mày lấm lem lại ám mùi hôi, cả cha mẹ và vợ đều nhìn ông mà sót chảy nước mắt.
Ông Hà Tấn Lực chia sẻ, cha mẹ và vợ con đều xót xa khi ông làm công việc này
Vợ chuẩn bị xác trà, xác cà phê để ông chà khử mùi nhưng không ăn thua. Ông lấy thêm nước rửa chén với bột giặt chà tiếp mới tẩy được bớt mùi khó chịu. “Mà hôi thật, đi tới ngã tư dừng đèn đỏ người đứng bên còn lấy tay bịt mũi nữa mà huống gì người ở trong nhà. May là vợ hiểu và thông cảm nên thấy thương nhiều hơn nữa”, ông Lực chia sẻ.
Ông Lực cho rằng, những người đang làm công nhân thoát nước trước kia không ai nghĩ sẽ làm nghề này, nhưng rồi tất cả lại chọn nghề này như một duyên nợ, cũng không ai giải thích được tại sao, vì ai cũng có quyền lựa chọn. Nhưng tất cả họ đều tự hào về công việc thầm lặng của mình…
Quần áo ông Minh bị đóng lớp dầu mỡ không thể giặt sạch
Lớp mỡ được vớt lên bằng rổ
Hàng chục xô như vậy mới hết được lớp mỡ dưới cống thoát nước. Giám đốc Chi nhánh Thoát nước số 4 cho biết nếu không vớt kịp, mùa mưa tới lớp mỡ này trào lên đường sẽ gây trơn trượt, tai nạn cho người tham gia giao thông
Ông Minh tự hào với công việc của mình
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.