Ngày xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ: 'Rất ít người nhờ pháp luật can thiệp'

25/11/2022 12:05 GMT+7

Nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25.11), PV Thanh Niên có cuộc trò chuyện với luật sư Đào Quang Huy (Đoàn Luật sư TP.HCM) về những hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân của nạn bạo hành gia đình.

Thanh Niên: Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, 62,9% phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời, bao gồm bạo lực thể chất, kinh tế, tinh thần, tình dục và bị kiểm soát hành vi. Thêm vào đó, 90,4% người bị bạo lực không hề tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào từ chính quyền và một nửa trong số họ chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực. Theo ông, nạn nhân có thể tìm kiếm sự hỗ trợ như thế nào về mặt pháp luật?

Luật sư Đào Quang Huy: Cá nhân tôi cho rằng nhiều phụ nữ Việt Nam bị bạo lực trong đời ở nhiều lĩnh vực như thể chất, kinh tế, tinh thần, tình dục… Hiện nay về mặt pháp luật chúng ta đã ban hành Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình năm 2007; mới gần đây nhất có Nghị định 144/2021/CP quy định về xử phạt trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình.

Trong Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình nêu khá nhiều cơ quan có thể hỗ trợ các nạn nhân như: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở bảo trợ xã hội; cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Đây là nơi chăm sóc, tư vấn, tạm lánh, hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho nạn nhân bạo lực gia đình (điều 26). Luật cũng quy định nhiều cách thức để bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.

Ảnh minh họa: shutterstock

Có rất ít các nạn nhân nhờ pháp luật can thiệp mà thường cam chịu

Nạn nhân hoặc người phát hiện bạo lực gia đình có thể báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực. Cơ quan công an, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý đồng thời giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình. Theo cá nhân tôi việc phụ nữ bị bạo hành trong gia đình đã có pháp luật điều chỉnh cụ thể, nhưng nếu phụ nữ bị bạo hành nằm ngoài phạm vi gia đình thì chưa được quy định tập trung mà nằm rải rác ở các văn bản luật khác nhau.

Hiện các cơ quan chức năng đang trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình mới. Theo thông tin từ báo chí thì dự thảo này tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP bao gồm: các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình… Tôi nghĩ nếu được thông qua thì dự thảo luật sẽ mang đến sự bảo vệ nhiều hơn đối với các nạn nhân so với luật cũ.

Số trường hợp tư vấn hoặc hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành gia đình kiện ra tòa chiếm bao nhiêu % số ca mà công ty luật của ông tiếp nhận. Ông có thể chia sẻ thách thức chung mà các nạn nhân bị bạo hành phải đối mặt.

Thực tế có rất ít các nạn nhân nhờ pháp luật can thiệp mà thường cam chịu. Họ chỉ nhờ luật sư khi cần xử lý các vấn đề có liên quan khác như: ly hôn, tranh chấp việc nuôi con, tranh chấp tài sản... Các vụ kiện mà công ty chúng tôi hỗ trợ khi có tranh chấp về các vấn đề trên thì phụ nữ ít nhiều cũng đã bị bạo lực gia đình.

Xin ông nói rõ về những trường hợp nghiêm trọng.

Có trường hợp người vợ bị chồng hành hung sưng mặt mũi phải nhập viện; có trường hợp tài sản chung của hai vợ chồng nhưng chồng yêu cầu vợ ký giấy cam kết tài sản riêng để thuận tiện giao dịch nhưng sau đó chồng giành hết các tài sản này nên vợ phải kiện ra tòa... Tuy nhiên, trên thực tế khi kiện thì người phụ nữ cũng không đề cập đến việc bị bạo hành mà chỉ tập trung vào các vấn đề chính: ly hôn, nuôi cái, chia tài sản...

Ảnh minh họa: shutterstock

Nam giới cần bỏ đi quan niệm trọng nam khinh nữ

Theo luật sư, nam giới có thể đóng góp như thế nào trong việc giảm và tiến tới xóa bỏ nạn bạo lực đối với phụ nữ?

Việc giảm và tiến tới xóa bỏ nạn bạo lực gia đình đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố nâng cao nhận thức của nam giới rất quan trọng. Nam giới cần bỏ đi quan niệm trọng nam khinh nữ, đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp, nhất nam viết hữu thập nữ viết vô... mà thay vào đó cần hiểu rằng giữa nam và nữ đều bình đẳng về mọi mặt.

Cám ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.