Ngày vía Thần tài: ‘Đổ xô đi mua vàng chỉ tốn tiền chứ không có tài lộc!'

14/02/2019 12:46 GMT+7

Ông Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý Học Đông Phương cho biết ngày vía Thần tài chuyện đi mua vàng là do "những người kinh doanh vàng nghĩ ra dựa vào niềm tin đầu năm mua vàng có thêm may mắn, tài lộc của người dân để bán vàng".

Mua vàng chỉ tốn tiền


Cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng, người dân lại nhiều thành thị lớn đổ xô đi mua vàng để cầu tài lộc, cả năm ăn nên làm ra vì quen gọi đây là ngày vía Thần tài.
Theo ông Hải, việc đổ xô đi mua vàng ngày vía Thần tài chỉ thấy tốn tiền ngay trong ngày đó chứ tài lộc ở đâu thì… không thấy.
Ông Hải cho biết, ở miền Bắc, từ khi bắt đầu nền kinh tế mở cửa mới bắt đầu "xuất hiện ông Thần tài". Còn ở miền Nam, nơi có nhiều người gốc Hoa sinh sống vẫn duy trì phong tục này từ khoảng từ cuối thế kỷ 19.
“Trong văn hóa truyền thống của người Việt chỉ có tục thờ cúng ông Địa chứ không có Thần tài và việc thờ cúng Thần tài mới chỉ xuất hiện từ 20 năm trở lại đây do ảnh hưởng văn hóa tín ngưỡng của người Trung Quốc”, ông Hải giải thích.
Thần tài theo truyền thuyết của người Trung Hoa là ông Triệu Công Minh, người thời Đường (618-904 ). Ông này được nhắc tới như một vị Thần Tài trong Đạo Giáo sớm nhất ở vào đời nhà Nguyên (1279-1368).
Từ chiều mùng 9 tháng Giêng, người dân đã đổ xô đi mua vàng Độc Lập
Theo tín ngưỡng của người Trung Quốc ngày sinh nhật của Thần tài là ngày mùng 5 tháng Giêng, còn tại Singapore hay Malaysia là ngày mùng 1 tháng Giêng.

Ông Hải khẳng định: “Vào ngày này, bên đó họ thường đốt vàng mã Thần Tài chứ không có tục lệ mua vàng bạc cầu may. Không có bất kỳ phong tục tập quán hay tài liệu cổ nào đề cập tới ngày 10 tháng Giêng Âm lịch là ngày Thần Tài”.

Ai mới là Thần tài?

Ngay trong văn hóa dân gian Trung Hoa cũng tồn tại rất nhiều truyền thuyết không nhất quán về Thần tài.
Tại một số nơi khác ở Trung Quốc, thì Thần tài là hiện thân của Phạm Lãi, một trong Ngũ lộ thần (5 vị thần cai quản Cửa - Cổng), hoặc Bỉ Cán (Hoàng tử đời nhà Thương), hoặc Quan Vũ, hoặc đời nhà Thanh trong cuốn Doanh Khẩu Tạp Kí của Chư An Nhân, thì Thần tài hiện thân theo bóng của đèn lồng.
Tuy nhiên, hình ảnh chung nhất về ông Thần tài là một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi và cưỡi cọp đen. Hình ảnh này khác hoàn toàn với ông Thần tài mà chúng ta vẫn thường hay thấy hiện nay với vẻ mặt tươi cười, đội mũ tai chuồn và trên tay cầm thỏi vàng.
Trong Phật giáo cũng tồn tại một vị Thần tài có tên là Jambahla và đây cũng là hình ảnh của vị Thần Tài từ đạo Hindu có tên Kubera. Các vị Thần này là những người bảo vệ và giữ của cải cho Đấng tối cao theo tôn giáo của vị Thần đó. Họ không phải là những vị Thần ban phát tiền bạc cho nhân gian.
Chúng ta cũng thấy được sự không thống nhất trong nguồn gốc cũng như ngày tưởng niệm của Thần tài trong tín ngưỡng thờ cúng của người Trung Hoa. Ngày mùng 10 tháng Giêng cũng không phải là ngày mà người Trung Hoa lục địa coi là ngày của Thần tài, mà là ngày mùng 5 tháng Giêng.
“Việc thờ cúng theo tín ngưỡng dân gian ông Thần tài là việc làm hoàn toàn bình thường, nhưng chúng ta rất cần hiểu chính xác chúng ta đang thờ cúng ai và ý nghĩa của việc thờ cúng vị Thần đó. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được ý nghĩa đích thực trong việc thờ cúng và giúp chúng ta tránh khỏi sự lợi dụng lòng tin, biến văn hóa tâm linh thành mê tín dị đoan. Sự may mắn hay tiền tài không tới từ sự cầu xin và ban phát từ một vị Thần Tài nào”, ông Hải lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.