Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11: Chỉ cần gặp mặt thầy trò chia sẻ là vui

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
12/11/2019 18:12 GMT+7

'Không cần tổ chức rườm rà ngày nhà giáo , chỉ cần một buổi gặp mặt thân mật để thầy cô, học trò cùng nhau ngồi trò chuyện là vui và ý nghĩa rồi', cô giáo Nguyễn Mỹ Hạnh cho biết.

Trước quy định của Thủ tướng chính phủ về việc các lễ kỷ niệm chỉ được tổ chức vào năm tròn và không tặng quà, tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm, nhiều giáo viên và học sinh ủng hộ quy định này.

Quý nhất không phải là món quà bằng hiện vật

Cô Nguyễn Mỹ Hạnh, giáo viên Trường THCS Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai nhìn nhận: “Theo tôi, ngày Nhà giáo Việt Nam các sở, trường không cần tổ chức 'to' mà chỉ cần một buổi gặp mặt thân mật để thầy cô giao lưu, học trò đến chúc mừng, cùng nhau ngồi trò chuyện là vui và ý nghĩa. Học trò có thể cùng nhau tới trường hoặc tới nhà thăm hỏi, động viên thầy cô của mình. Tình cảm nhẹ nhàng, không cầu kỳ to tát, quan trọng là tấm lòng”.
Cô Hạnh cho biết mỗi lần tới ngày này, chỉ cần nhận được một tin nhắn thăm hỏi, một cuộc điện thoại của học sinh cũ là cô cũng cảm thấy ấm lòng. “Qua những cuộc trò chuyện ngắn, tôi được biết các em đều đã trưởng thành, nhiều em thành đạt, tôi vô cùng hạnh phúc. Dù đi đâu các em vẫn nhớ đến thầy cô của mình. Với những em học sinh hiện tại tôi đang dạy, các em vẫn rủ nhau mua hoa đến nhà tặng cô. Có khi lại là một mảnh vải may áo dài hay giỏ bánh… Tôi vẫn nói với các em rằng quà tặng cô thì dù là nhỏ cũng quý, nhưng quý hơn cả là các em chăm ngoan, học giỏi, nhận thức được việc học là quan trọng để luôn cố gắng. Quà to nhưng các em lười học, để cha mẹ và thầy cô buồn lòng thì cũng không có ý nghĩa gì hết”, cô Hạnh bày tỏ.
Chia sẻ về điều này, Dương Thụy Yên, sinh viên năm 2 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết vào dịp cuối tuần sát với ngày 20.11, Yên sẽ chạy xe về quê ở Long An rủ bạn tới thăm thầy cô giáo cũ. Yên cho biết nhiều khi vội quá không kịp mua quà, nhưng cả thầy và trò rất xúc động, chia sẻ rất nhiều câu chuyện về cuộc sống, về tương lai.
“Nếu gọi là tri ân thầy cô, thì theo em ý nghĩa nhất vẫn là đến trường hoặc nhà, gặp thầy cô để chúc mừng. Chỉ cần một bó hoa, hay một món quà nhỏ phù hợp với thầy cô là được. Nếu tổ chức một lễ kỷ niệm quá to, em lại thấy nó có chút gì hình thức chứ không thực chất lắm. Phần lễ mất nhiều thời gian, trong khi phần kỷ niệm lại không đọng lại gì nhiều. Tôn vinh thầy cô không nhất thiết phải tặng thật nhiều bằng khen, mà nếu được thì nên giúp cho đời sống của thầy cô tốt hơn...”, Yên chia sẻ.

Lễ kỷ niệm hoành tráng cũng chỉ là hình thức?

Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, nhìn nhận: “Theo ý kiến của tôi, không tổ chức lễ kỷ niệm cũng là một việc làm cần thiết để giúp tránh lãng phí. Tôi nghĩ các trường vẫn cần duy trì các hoạt động thi đua, hội thảo… chào mừng ngày nhà giáo nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, đồng thời tạo cơ hội để giáo viên, giảng viên có dịp nhìn lại nghề của mình, và học sinh, sinh viên có dịp hiểu rõ hơn về thầy cô của mình”.
“Điều quan trọng nhất không phải là những lễ kỷ niệm được tổ chức hoành tráng như thế nào, tuyên dương bao nhiêu người, số lượng người tham dự đông ra sao, mà là sự nhìn nhận của xã hội với nghề giáo. Việc đáng lo ngại ngày nay là nhìn nhận ấy đã có nhiều thay đổi và có phần tiêu cực hơn. “Người lái đò” đứng trước những sức ép không nhỏ của quá trình thương mại hóa trong ngành, nhất là khi họ bị buộc phải chạy theo số lượng thay vì chất lượng. Trước những thử thách có phần khắc nghiệt ấy, cộng thêm những rào cản từ thu nhập, môi trường làm việc, … liệu họ có còn 'lửa' để “vững tay chèo”?”, thạc sĩ Hữu lo ngại.
Tuy nhiên, thạc sĩ Hữu cho rằng với người làm nghề giáo, thì Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 thực sự có ý nghĩa khi người thầy nhìn thấy sự thành đạt và tình cảm trân trọng của học sinh, sinh viên. Đó chính là một trong những “món quà” trực tiếp và đáng quý nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.