Ngày mới với tin tức sức khỏe: Lưu ý những điều này để phổi khỏe!

06/10/2021 00:14 GMT+7

'Khi tập thể dục, nhịp thở tăng từ 15 lần một phút lên khoảng 40-60 lần một phút. Càng tập thể dục nhiều, phổi càng khỏe'. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm những thói quen ảnh hưởng đến phổi.

Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các thông tin: Trẻ mắc bệnh Covid-19 điều trị tại nhà như thế nào?; 7 Lợi ích tuyệt vời của xà lách, kể cả chống ung thư; Người bị tiểu đường cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin Covid-19?...

5 thói quen có thể khiến phổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Phổi, là một phần không thể thiếu trong hệ hô hấp của chúng ta, cần được chăm sóc liên tục.

Không quan tâm chăm sóc phổi có thể dẫn đến các bệnh từ nhẹ đến nặng và nếu không được điều trị có thể gây tử vong.

Sau đây là một số thói quen có thể gây hại cho phổi của bạn:

Hút thuốc. Nguy cơ phát triển ung thư phổi ở những người hút thuốc cao hơn đáng kể so với những người không hút thuốc.

Hơn nữa, hút thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi như hen suyễn, xơ phổi vô căn, viêm phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Đặc biệt, nghiên cứu mới nhất phát hiện người hút thuốc có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng và tử vong cao hơn đến 80%.

Không tập thể dục. Tập thể dục có thể giúp tăng cường sức chịu đựng và sức bền của phổi, làm cho phổi khỏe mạnh, giúp chống lại sự lão hóa và bệnh tật tốt hơn.

Tập thể dục có thể giúp tăng cường sức chịu đựng và sức bền của phổi, từ đó giúp tăng tuổi thọ của phổi

SHUTTERSTOCK

Khi tập thể dục, tim đập nhanh hơn và phổi hoạt động mạnh hơn.

Nghiên cứu cho thấy, khi tập thể dục, nhịp thở tăng từ 15 lần một phút lên khoảng 40 đến 60 lần một phút. Càng tập thể dục nhiều, phổi càng khỏe.

Ngay cả khi mắc bệnh phổi, tập thể dục giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. Hãy xem thêm những thói quen có thể gây hại cho phổi trên trang sức khỏe ngày 6.10.

Trẻ mắc bệnh Covid-19 điều trị tại nhà như thế nào?

Trong chuyên mục Hỏi nhanh về Covid-19 kỳ này, bác sĩ sẽ giải đáp câu hỏi của bạn đọc: Cho tôi hỏi khi trẻ mắc Covid-19 thì điều trị, cách ly tại nhà như thế nào? Làm thế nào để giúp trẻ tránh được lo lắng, căng thẳng khi nhiễm bệnh? (Quang Anh, TP.HCM)

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Hầu hết trẻ khỏe mạnh bị nhiễm Covid-19 có thể hồi phục tại nhà, thường khỏe lại trong vòng 1 hoặc 2 tuần. Gia đình cần sử dụng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt và dùng cách khoảng 4-6 giờ.

Cảm thấy căng thẳng, cô đơn hoặc lo lắng khi nhiễm Covid-19 là bình thường khi trẻ không thể sinh hoạt như thường ngày hoặc gặp bạn bè, người thân

SHUTTERSTOCK

Điều quan trọng là giữ trẻ tại nhà và tránh xa người khác, cho đến khi nhân viên y tế cho là an toàn để trở lại các hoạt động bình thường. Quyết định này phụ thuộc vào thời gian từ lúc trẻ có triệu chứng và trẻ có kết quả xét nghiệm âm tính (cho thấy không còn virus trong cơ thể trẻ nữa).

Cho trẻ hoạt động nhẹ nhàng để phòng tránh các nguy cơ thuyên tắc mạch do huyết khối.

Đảm bảo dinh dưỡng và uống nước đầy đủ. Nếu con bạn có vấn đề về ăn uống, bạn nên gọi bác sĩ hoặc điều dưỡng để được tư vấn.

Chú ý các bệnh lý nền có thể nặng lên. Phần trả lời tiếp theo của bác sĩ Luân sẽ có trên trang sức khỏe ngày 6.10.

Người bị tiểu đường cần lưu ý gì khi tiêm vắc xin Covid-19?

Người mắc tiểu đường có nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cao hơn bình thường khi mắc Covid-19. Phần lớn người mắc tiểu đường là nhóm cao tuổi. Do đó, ở nhiều nước, nhóm này trở thành đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin.

Các dữ liệu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường dù ở nhóm tuổi nào thì nguy cơ nhập viện khi nhiễm Covid-19 của họ cũng cao hơn bình thường. Nguy cơ này vẫn cao ngay cả khi họ có kiểm soát đường huyết tốt.

Những người tiểu đường thường chỉ gặp một số tác dụng phụ nhẹ khi tiêm vắc xin Covid-19

SHUTTERSTOCK

Những người tiểu đường thường chỉ gặp một số tác dụng phụ nhẹ khi tiêm vắc xin Covid-19. Các tác dụng phụ này không đáng lo ngại vì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phản ứng với vắc xin và tạo miễn dịch.

Các tác dụng phụ thường gặp. Với người bị bệnh tiểu đường, những tác dụng thường gặp nhất là cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, sốt và buồn nôn. Trong khi đó, cánh tay tiêm vắc xin có thể bị đau một chút và sưng nhẹ. Hãy bắt đầu ngày mới 6.10 với tin tức sức khỏe để xem thêm cách chăm sóc khi người bị tiểu đường nhiễm Covid-19!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.