Ngày mai Quốc hội họp bất thường, xem xét miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/01/2023 20:25 GMT+7

Chiều mai 18.1, Quốc hội sẽ họp phiên bất thường lần thứ 3 Quốc hội khóa XV để xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội khóa XV Bùi Văn Cường vừa phát đi thông cáo về dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước hồi tháng 4.2021

gia hân

Theo đó, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 3 Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

“Dự kiến kỳ họp bất thường lần thứ 3 Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong buổi chiều ngày 18.1 tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội”, thông cáo cho hay.

Ngày mai, Quốc hội họp bất thường xem xét miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Trước đó, trong chiều 17.1, T.Ư Đảng khóa XIII đã họp bất thường, quyết định đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026, thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

T.Ư Đảng cũng giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định.

Theo quy định, các chức danh chủ tịch nước, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh là các chức danh do Quốc hội bầu và miễn nhiệm. Do đó, nội dung nhân sự tại kỳ họp bất thường thứ 3 là xem xét miễn nhiệm các chức danh này đối với ông Nguyễn Xuân Phúc theo chủ trương mà T.Ư Đảng đã quyết định.

Xem nhanh 20h ngày 17.1: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thôi chức theo nguyện vọng cá nhân

Hiện chưa rõ, tại kỳ họp bất thường chiều mai, Quốc hội có bầu nhân sự chủ tịch nước mới thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc hay không.

Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Phúc còn là đại biểu Quốc hội khóa XV đoàn TP.HCM. Đây cũng là chức danh do Quốc hội thực hiện các quy trình miễn nhiệm.

Trách nhiệm chính trị người đứng đầu

Tại hội nghị bất thường chiều 17.1, T.Ư Đảng khẳng định, ông Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Trong đó, 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.

“Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu”, thông cáo của Văn phòng T.Ư Đảng cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 69 tuổi (sinh ngày 20.7.1954), quê quán ở xã Quế Phú, H.Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; trình độ cử nhân kinh tế.

Ông là cử nhân kinh tế Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội (năm 1978). Ông từng học quản lý kinh tế tại ĐH Quốc gia Singapore trong giai đoạn làm Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Xuân Phúc vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1982, là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khoá XI, XII, XIII. Ông tham gia T.Ư lần đầu năm 52 tuổi, tham gia Bộ Chính trị lần đầu năm 57 tuổi. Ông Phúc cũng là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XIII, XIV, XV.

Từ 2001 đến 2006, ông Phúc là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Từ khi tham gia T.Ư Đảng năm 2006, ông Phúc giữ các cương vị: Phó tổng Thanh tra Chính phủ; Phó chủ nhiệm, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó thủ tướng Chính phủ (từ 2011).

Vào 4.2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016, kế nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tới 7.2016, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tại Đại hội XIII của Đảng (1.2021), ông Nguyễn Xuân Phúc là một trong các “trường hợp đặc biệt” (quá tuổi - PV) tái cử Bộ Chính trị.

Ngay sau Đại hội XIII, ngày 5.4.2021, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, ông được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ và bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021, trở thành thủ tướng đầu tiên được bầu làm chủ tịch nước kể từ năm 1945.

Tới 7.2021, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.