Ngày Hải quân đánh thắng trận đầu: Cuộc trao trả tù binh hy hữu

(TNO) 51 năm qua, ngày 2 và 5.8 là ngày truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam (HQVN) với mốc 2.8.1964, lực lượng còn non trẻ, nhưng đã dũng cảm đuổi đánh khu trục hạm Maddox của Hải quân Mỹ trên vùng biển Thanh Hóa.

(TNO) 51 năm qua, ngày 2 và 5.8 là ngày truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam (HQVN) với mốc 2.8.1964, lực lượng còn non trẻ, nhưng đã dũng cảm đuổi đánh khu trục hạm Maddox của Hải quân Mỹ trên vùng biển Thanh Hóa.
Ngày 5.8.1964, tự bịa ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, vu khống HQVN tấn công tầu chiến Mỹ trên vùng biển quốc tế, Mỹ đã cho máy bay đánh vào các căn cứ của HQVN trên miền Bắc.
Trong ngày đó, cùng với các lực lượng khác, HQVN đã anh dũng đánh trả máy bay của Hải quân Mỹ trên các vùng biển Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, góp phần bắn rơi 8 máy bay, bắt sống phi công Mỹ...
Suốt 51 năm qua, câu hỏi về số phận bi hùng của Biên đội tàu phóng lôi đánh tàu Maddox vẫn là ẩn số mới được hé mở qua tìm hiểu của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Tuấn (nguyên Phó Ban Doanh trại, Đoàn 22 – BTL Hải quân).
Biên đội tàu phóng lôi đầu tiên của Hải quân Việt Nam: Vinh quang và cay đắng
Trong câu chuyện về biên đội tàu phóng lôi đầu tiên của Việt Nam có một cuộc trao đổi tù binh giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Mỹ. 
Với sự tác động tích cực của trung gian người Pháp giữa 2 Chính phủ Việt Nam – Mỹ, hơn 2 năm sau, 19 cán bộ chiến sĩ Biên đội tàu phóng lôi đánh trận đầu Maddox, bị bắt trên vùng biển Đồ Sơn (TP. Hải Phòng) mới được phía Mỹ trao trả. Ngược lại, phía ta cũng trả lại cho họ 3 phi công đã bị bắt sống, trong quá trình đánh phá miền Bắc.
Báu vật xuồng nhôm
Quá trình trao trả tù binh được xúc tiến lâu dài, kỹ lưỡng và thực hiện trong tháng 10.1968.
Ngày 2.10.1968, phía Việt Nam đã trao trả Mỹ 3 phi công ở vùng biển Sầm Sơn, các phi công này được trực thăng Mỹ đón, đưa ngay ra tàu chiến đậu ngoài biển; ngày 5.10.1968, nhóm 5 sỹ quan của Biên đội tàu phóng lôi, được phía Mỹ trao trả trước, tại sân bay Viên Chăn (Lào); ngày 21.10.1968, toàn bộ 14 thủy thủ còn lại của Biên đội được tàu khu trục USS Dubuque (LPA-8), dưới sự hộ tống của 2 tàu khu trục khác, là HMAS PERTH và USS BAUSELL, đưa từ Đà Nẵng ra vùng biển cách Cửa Lò 12 hải lý.
Biên đội tàu phóng lôi đầu tiên của Hải quân Việt Nam: Vinh quang và cay đắng
Sĩ quan Hải quân Mỹ bên cạnh vết đạn 14ly5 găm vào tàu Maddox
Sau đó, Hải quân Mỹ cấp cho các chiến sỹ ta 1 xuồng máy loại xịn. Các chiến sỹ Hải quân của ta tự lái xuồng, rời tàu USS Dubuque (LPA-8) và tự đi vào bờ biển Sầm Sơn.
Đặc biệt, cần phải nói thêm về chiếc xuồng máy của Mỹ. Từ trước cho đến lúc ấy, phe XHCN chưa từng biết đến 1 chiếc xuồng máy hoàn hảo đến như thế. Vì thế, chiếc xuồng là 1 tặng vật “trời cho”, của hiếm để phe XHCN nghiên cứu về cấu tạo một chiếc xuồng máy cứu hộ của Hải quân Mỹ.
Vì thế, sau khi cập bờ, chiếc xuồng liền được đưa đi cất và sau này, chiếc xuồng này được ta biếu cho Liên Xô (cũ), để bạn nghiên cứu.
Ngừng bắn để trả người
Ngày thứ tư 23.10.1968, tờ báo Sao và Vạch (Pacific Stars & Stripes) đăng bài viết “Hải quân Mỹ đã trả tự do cho 14 lính thủy Bắc Việt”, của tác giả Jo Dave Warsh:
Tin từ Sài Gòn: Một cuộc ngừng bắn ngắn ngủi đã được thực thi hôm thứ hai vừa qua (21.10.1968), tại một vùng bờ biển nhỏ của Bắc Việt, để Hải quân Mỹ trao trả nốt nhóm lính thủy Bắc Việt cuối cùng, trở về nhà trên một chiếc xuồng của Hải quân Mỹ - Thông cáo của chính thức của sứ quán Hoa Kỳ cho biết.
Dường như không có tín hiệu nào cho thấy có sự lắng dịu của việc ném bom Bắc Việt và cuộc chiến ở Nam Việt tạm dừng. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng, việc trao trả 14 lính thủy Bắc Việt đã “tạo ra một tiền lệ tốt” và họ hy vọng rằng, tiền lệ tốt này sẽ mở đường cho việc trao đổi các tù binh trong tương lai.
 
14 chiến sỹ của biên đội tầu phóng lôi, đang ngồi trên xuồng máy chạy vào bờ từ chiến hạm USS Dubuque (LPA-8) của Hạm đội 7, sau khi được trao trả. Tấm hình này được chụp từ trên trực thăng Mỹ bay hộ tống, từ khi các chiến sỹ của biên đội tàu phóng lôi rời tàu USS Dubuque (LPA-8), cho đến khi trực thăng Mỹ cảm thấy an toàn
“Nhật ký Chiến tranh” của Bộ Quốc phòng Mỹ ghi lại việc trao trả
Bài trên báo Sao và Vạch của Mỹ, thuật lại cuộc trao trả tù binh
36 giờ ngừng bắn ngắn ngủi, được bắt đầu từ đêm chủ nhật, theo dọc một hành lang có chiều rộng 12 hải lý và chiều dài 24 hải lý, trải dọc theo bờ biển của thành phố Vinh - Bắc Việt Nam, trong khi chiến hạm USS Dubuque hải trình vào một vị trí cách bờ 12 hải lý. Các lính thủy Bắc Việt được đưa lên 1 chiếc xuồng máy và được trả tự do.
Hai chiếc trực thăng của Hải quân Mỹ đã bay hộ tống chiếc xuồng máy, cho đến khi có thể nhìn thấy bờ, để đảm bảo rằng những thủy binh Bắc Việt Nam được an toàn. Và các trực thăng đã không gặp phải hỏa lực.
Cuộc trao trả được tiến hành vào khoảng 1 giờ chiều hôm thứ hai. Cuộc ngừng bắn ngắn ngủi này được kết thúc vào cuối giờ chiều ngày thứ ba. Và đã không có tiếng nổ nào được ghi nhận trong hành lang này cho tới sớm ngày thứ ba.
Theo một nguồn tin phi chứng thức, thì hành lang ngừng bắn phần lớn là ở trên biển, và nhấn mạnh rằng Hải quân Mỹ không cần thiết phải đánh bom ở đấy. Ông ta còn cho biết thêm là, khu vực đó không có giá trị về mặt quân sự.
Những nhà ngoại giao Mỹ đã đàm phán trực tiếp với đại diện của Bắc Việt ở Viên Chăn-Lào, để thỏa thuận về việc ngừng bắn tạm thời. Và điều đó đã được thực hiện mỹ mãn. Cuộc đàm phán đã được thực hiện ngay sau khi trưởng phái đoàn Mỹ Averell W. Harriman thông báo ở Pari hôm 10.8 về việc Mỹ có ý định trao đổi tù binh.
Quyết định về ngày giờ và chi tiết cụ thể của cuộc trao đổi, đã được hai bên thống nhất vào khoảng 7-10 ngày trước đây. Nhóm thủy binh được trao trả lần này, là thuộc nhóm 19 thủy binh, đã bị bắt trên vùng biển quốc tế, khi những con tàu phóng lôi của họ, bị Hải quân Mỹ đánh chìm trên vịnh Bắc Bộ vào ngày 1.7.1966. Một nhóm 5 thủy binh (Bắc Việt) khác, đã được trao trả trước đó.
Từng người một trong số thủy binh, đều đã được thành viên Hội Chữ thập Đỏ quốc tế phỏng vấn. Và tất cả thủy binh (Bắc Việt) đều bày tỏ nguyện vọng được trở về Bắc Việt.
Thoạt đầu, 1 chiếc tàu đánh cá, tương tự như những chiếc tàu đánh cá của Bắc Việt, đã được chở theo chiến hạm USS Dubuque để nhóm thủy binh trở về, nhưng chiếc bánh lái của con thuyền đột nhiên dở chứng, và Hải quân Mỹ quyết định đưa chiếc xuồng cứu hộ của chiến hạm, cho các thủy binh trở về, sau khi đã chỉ cho họ, hướng vào bờ - người phát ngôn cho biết.
Những chiếc trực thăng bay hộ tống chiếc xuồng, nhưng đã không lưu lại lâu trên không vực của bờ biển, để chứng kiến lễ đón các thủy binh - Người phát ngôn cho biết thêm. Các thủy binh trên đã bị giam giữ ở một căn cứ của Hải quân Mỹ tại Đà Nẵng, cho tới tận khi họ được trao trả trên bờ biển Vinh hôm thứ Hai vừa qua. Trong số 14 thủy binh, có 2 sỹ quan, 2 thủy thủ trưởng và nhiều chuyên viên kỹ thuật…
Một cựu chiến binh Hải quân có điều kiện tiếp xúc với các cán bộ chiến sĩ Biên đội tàu phóng lôi Đoàn 135 đánh trận tàu Maddox 2.8.1964 và đánh, bị bắt sống trong trận 1.7.1966 cho biết: “Năm 2004, nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện ngày 2.8.1964, anh em tìm mãi, mới liên lạc được với vài người trong số bị trao trả!”…
Trong khuôn khổ chiến dịch ‘Người Mỹ kiêu hùng’, chiến hạm USS Dubuque (LPA-8) của Hạm đội 7, đã chuyên chở 14 thủy thủ Bắc Việt, từ Đà Nẵng ra đến một địa điểm ngoài khơi, cách Vinh 12 hải lý, tại đó, các thủy thủ Bắc Việt đã được trả tự do trên một chiếc xuồng máy cứu hộ. Chiến dịch được tiến hành theo sự thỏa thuận với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai tầu khu trục là HMAS PERTH và USS BAUSELL đã hộ tống chiến hạm USS Dubuque (LPA-8) thực thi nhiệm vụ. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện cam kết ngừng bắn trong thời gian và không gian trao đổi, như đã thỏa thuận với chính phủ Mỹ trước đó, tại Viên Chăn-Lào. 14 thủy thủ Bắc Việt này, là nhóm cuối cùng, trong tổng số 19 thủy thủ Bắc Việt, đã bị bắt, trong cuộc hải chiến giữa biên đội tầu phóng lôi Bắc Việt và khu trục hạm USN ngày 1.7.1966.
(“Nhật ký chiến tranh” của Bộ Quốc phòng Mỹ, dòng đề ngày 21.10.1968)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.