Ngày đầu tiên học trực tuyến: Thầy trò mất gần 45 phút để kết nối

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
06/09/2021 14:39 GMT+7

Dù đã hướng dẫn cách đăng nhập phần mềm từ trước nhưng thầy Võ Hoàng Nhã ở TP.HCM cùng học sinh, phụ huynh phải mất 30-45 phút để kết nối trước khi bắt đầu tiết học trực tuyến đầu tiên của năm học mới.

Dành thời gian hướng dẫn từng phụ huynh

Hôm nay (6.9) là buổi học trực tuyến đầu tiên của năm học mới 2021- 2022 đối với học sinh bậc THCS, THPT ở TP.HCM. Nhiều giáo viên cho biết vẫn còn một số vướng mắc, trục trặc nhưng cả thầy, cô và học sinh đều hoàn thành những tiết học khởi đầu năm học mới.
Hồi hộp, chờ đợi sau nhiều tuần chuẩn bị, thử nghiệm, 7 giờ 30 sáng nay, thầy Võ Hoàng Nhã (giáo viên môn toán, Trường THCS Lạc Long Quân, Q.Bình Tân) mặc đồ lịch sự để dạy trực tuyến cho 45 học sinh lớp 6.
Trước đó, thầy Nhã đã hướng dẫn phụ huynh cách đăng nhập phần mềm Google Meet, thao tác kết nối nhưng sáng nay cả thầy và trò lẫn phụ huynh cũng phải loay hoay mất gần 45 phút mới kết nối được với nhau. 
“Trường đã có hướng dẫn chi tiết và phụ huynh, giáo viên cũng vào thử từ trước nhưng khi bắt đầu học trực tuyến thì phát sinh khá nhiều vấn đề. Chẳng hạn, hệ thống internet tại mỗi gia đình cũng khác nên nhiều phụ huynh vẫn chưa thể kết nối được. Cũng có trường hợp cả phụ huynh và học sinh quên cách thao tác… nên tôi cũng phải mất gần 45 phút để hỗ trợ, hướng dẫn họ cách kết nối", thầy Nhã chia sẻ.
Trong một số trường hợp, thầy Nhã phải gọi điện thoại, hướng dẫn từng bước đăng nhập. Phụ huynh cũng đã làm đúng các bước theo hướng dẫn nhưng vẫn không vào được do đường truyền chậm. "Một phụ huynh khác thì gọi liên tục vì sợ con mình mất buổi học”, thầy Nhã kể.
Cuối cùng, thầy Nhã cũng đã kết nối được với 39/45 học sinh và thầy trò đã có tiết học đầu tiên của năm học mới. Có 6 học sinh vẫn không thể kết nối được do mạng internet của gia đình bị trục trặc. Thầy Nhã cho biết sẽ liên hệ với 6 em này để tìm hiểu xem lỗi do đâu và hướng dẫn lại phụ huynh cách thực hiện.
“Thực ra đây là buổi đầu tiên nên chắc chắn chưa thể suôn sẻ được. Khó khăn lớn nhất của dạy trực tuyến là vấn đề kết nối. Còn sau khi kết nối được thì cả lớp có thể tương tác tốt và nhiều phụ huynh còn ngồi bên cạnh để hỗ trợ con. Tôi nghĩ rằng thầy trò có thể mất 2-3 buổi nữa để tháo gỡ các vướng mắc, rồi phụ huynh học sinh sẽ quen dần và việc học có thể đi vào được quỹ đạo”, thầy Nhã nói thêm.
Còn thầy Hà Ngọc Tuấn Huy, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Long Quân, cho biết trường triển khai dạy trực tuyến bằng phần mềm Zavi. Đây được xem là một trong những phần mềm đơn giản, phụ huynh có thể dễ dàng thao tác. Ngoài ra, trường cũng khuyến khích giáo viên kết nối, linh động sử dụng thêm các phần mềm khác nếu thấy hiệu quả, tiện ích.
Trong ngày đầu tiên, thầy Huy cho biết trường sẽ lên thời khoá biểu theo hướng tinh giản hóa chương trình, chủ yếu bám sát trọng tâm chương trình để học sinh giảm bớt áp lực.

Hôm nay học sinh THCS, THPT tại TP.HCM bắt đầu ngày học trực tuyến đầu tiên

Đ.N.T

Cho học sinh thời gian để làm quen và khắc phục sự cố

Các trường triển khai dạy học trực tuyến đồng bộ sử dụng phần mềm K12Online như Trường THCS Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp) đã gặp một số sự cố về đường truyền trong buổi đầu tiên.
Cô Vũ Thị Thơ, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Tây Hồ, cho biết K12Online là phần mềm nâng cao, giáo viên và học sinh dễ dàng thao tác cũng như lưu trữ được tài liệu, quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung… nên được nhiều trường lựa chọn. "Có thể trong sáng nay, khi lượng truy cập quá đông cùng lúc nên một số giáo viên, phụ huynh không thể vào được. Dù vậy, sau đó bên nhà cung cấp phần mềm đã liên lạc để khắc phục sự cố này", cô Thơ cho hay.
Hôm nay, Trường THCS Phan Tây Hồ chưa bắt đầu dạy chương trình mà dành tuần đầu tiên để lần lượt giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kết nối gặp gỡ và hướng dẫn chi tiết kỹ năng thao tác kết nối trên phần mềm.
Đây cũng là khoảng thời gian để học sinh có thể làm quen với phần mềm, đặc biệt là với học sinh lớp 6. Còn giáo viên sẽ có thời gian để khắc phục, tìm cách tháo gỡ những khó khăn gặp phải trong quá trình dạy trực tuyến.
Ngoài ra, để chủ động trong quá trình dạy trực tuyến, cô Thơ cho biết trường cũng có phần mềm dự phòng. Trong trường hợp phần mềm đang dạy bị lỗi thì giáo viên có thể linh động chuyển ngay sang phần mềm khác.
“Quan điểm của chúng tôi là phải từ từ, mình phải có thời gian để học sinh quen dần với cách học mới. Còn việc kết nối, chúng ta cũng sẽ tìm cách khắc phục dần dần, tôi nghĩ cũng phải mất tuần đầu tiên để cô trò làm quen rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy”, cô Thơ chia sẻ.
Năm nay, do ảnh hưởng phức tạp của dịch Covid-19 nên toàn bộ học sinh ở TP.HCM sẽ bước vào năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Trong đó bậc THCS, THPT sẽ chính thức học chương trình từ ngày 6.9, còn bậc tiểu học từ ngày 20.9.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.