Ngày đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT: Học sinh được hỗ trợ tối đa

05/05/2023 07:10 GMT+7

Ngày đầu tiên của 10 ngày chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, học sinh dành thời gian để tìm hiểu và được hướng dẫn tỉ mỉ trước khi đăng ký chính thức.

Từ ngày 4.5 đến 17 giờ ngày 13.5, thí sinh (TS) chính thức đăng ký dự thi (ĐKDT) tốt nghiệp THPT năm 2023. TS là học sinh (HS) lớp 12 năm học 2022-2023 ĐKDT trực tuyến thông qua tài khoản là số CCCD/CMND hoặc mã định danh. TS tự do ĐKDT trực tiếp tại các điểm ĐKDT (theo mẫu).

PHẢI SẴN SÀNG CÁC GIẤY TỜ MINH CHỨNG

Kỳ thi năm nay Hà Nội dự kiến có khoảng 98.000 HS ĐKDT tốt nghiệp THPT, chưa kể số lượng TS tự do. Ghi nhận tại Hà Nội cho thấy ngày đầu tiên ĐKDT vào đúng sau kỳ nghỉ lễ dài nên nhiều TS chưa vội đăng ký chính thức. Các trường dành thời gian hướng dẫn và lưu ý cho TS những điểm cần ghi nhớ khi ĐKDT.

Nguyễn Nguyên Khôi, HS lớp 12 chuyên hóa Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho biết khi ĐKDT thử, em thấy khá thuận lợi, không gặp trục trặc hay vướng mắc gì nên giải tỏa được lo lắng về ĐKDT trực tuyến. Dự kiến trong vài ngày tới Khôi sẽ ĐKDT chính thức.

Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức Nguyễn Bội Quỳnh cho biết sáng 4.5 nhà trường dành vài tiết học để hướng dẫn HS lớp 12 cách thức ĐKDT, những điểm mới cần lưu ý, những sai sót cần tránh; khuyến khích HS đăng ký tại trường để có thể được hỗ trợ kịp thời. Trước đó, giáo viên (GV) chủ nhiệm cũng được tập huấn và hỗ trợ để có thể trực tiếp giải đáp thắc mắc của HS về việc ĐKDT, vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình đăng ký.

Ngày đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT: Học sinh được hỗ trợ tối đa - Ảnh 1.

Sáng 4.5, học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM) được hướng dẫn đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến

NHẬT THỊNH

Bà Lê Thị Thanh, GV Trường THPT Việt Đức, cho hay hiện HS băn khoăn nhiều nhất là việc đăng ký miễn thi bằng chứng chỉ ngoại ngữ. Một số HS có nhiều chứng chỉ ngoại ngữ thì phân vân chọn chứng chỉ nào; cách đăng ký như thế nào để đảm bảo quyền lợi. Nhiều HS lại băn khoăn đăng ký xong rồi, bấm lưu thông tin rồi thì có được sửa hay không? "Chúng tôi luôn nhắc nhở HS trước khi ĐKDT chính thức phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết, tránh việc lúc đang cập nhật thì lại thiếu, phải đi tìm dẫn tới phải nhập đi, nhập lại thông tin nhiều lần", bà Thanh nói.

Sau thời gian thử ĐKDT, nhiều HS và nhà trường cho biết có thể gặp phải một số sự cố kỹ thuật như: không đăng nhập được do nhập sai mật khẩu, thông tin, quên mật khẩu hoặc chọn sai mã ngành; tổ hợp môn đăng ký thi và tổ hợp môn xét tuyển không phù hợp… dẫn đến phiếu đăng ký "không hợp lệ". Để tránh sai sót trong quá trình đăng ký, sau khi HS thực hiện, các trường sẽ xuất dữ liệu phiếu 1, phiếu 2 cho HS rà soát lại, có sai sót sẽ khoanh lại trên phiếu rồi giao cho cán bộ nhập liệu rà soát điều chỉnh trên hệ thống. Các trường cũng tổ chức rà soát phòng máy tính, bố trí thời gian biểu cho GV chủ nhiệm hỗ trợ hướng dẫn HS lớp 12 đến thực hành, thao tác ĐKDT.

Ngày đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT: Học sinh được hỗ trợ tối đa - Ảnh 2.

Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) tham khảo thông tin trong ngày đầu tiên đăng ký dự thi

Q.C

HƯỚNG DẪN HS TỪNG THAO TÁC ĐIỀN PHIẾU

Theo ghi nhận trong ngày đầu tiên, HS TP.HCM hầu như chưa thực hiện việc ĐKDT.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), cho hay để chuẩn bị cho HS lớp 12 ĐKDT tốt nghiệp, nhà trường đã in, phát mẫu phiếu đăng ký và chuyên viên giáo vụ hướng dẫn HS từng thao tác điền phiếu.

Bộ phận giáo vụ hướng dẫn theo từng mục một, chỉ ra những lỗi HS hay mắc phải và yêu cầu làm thử. Ông Phú cho biết nhà trường vẫn tổ chức tập huấn cho GV chủ nhiệm để có thể hướng dẫn, tương tác, giải đáp cho phụ huynh, HS bất cứ lúc nào chứ không chỉ là vai trò của phòng giáo vụ.

Ông Nguyễn Sĩ Trung, phụ trách giáo vụ của Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết kinh nghiệm những năm qua cho thấy HS thường thực hiện thao tác ĐKDT ở nhà nhưng nhà trường vẫn hỗ trợ công cụ, bố trí phòng máy tính trong thư viện để hỗ trợ HS một cách thuận lợi nhất. Khi các em có thắc mắc thì GV sẽ hướng dẫn trực tiếp trên máy để các em nắm bắt chính xác và dễ hiểu.

Ông Sĩ Trung cũng lưu ý HS làm thử trên phiếu nhà trường đã phát bằng bút chì, sau đó chụp hình gửi lại cho GV chủ nhiệm hoặc bộ phận giáo vụ kiểm tra trước khi thao tác trên hệ thống và xác nhận hoàn thành.

Còn tại Trường THPT Dương Văn Thì, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay sáng 6.5 nhà trường sẽ tổ chức hướng dẫn cho HS các thao tác ĐKDT. Trường sẽ chia ca và sắp xếp lần lượt HS thao tác tại phòng máy vi tính của trường. Các GV bộ phận học vụ và GV chủ nhiệm mỗi lớp sẽ trực tiếp hướng dẫn HS thao tác trên phiếu ĐKDT trực tuyến.

Tương tự, Trường THPT Cần Thạnh (H.Cần Giờ) đang hỗ trợ HS các công việc như chuẩn bị file hình thẻ theo quy định và các giấy tờ cần thiết. Ông Ngô Văn Hội, Hiệu phó nhà trường, cho biết đầu tuần sau (8.5), ban giám hiệu sẽ trực tiếp hướng dẫn HS các thao tác ĐKDT.

Ông Báo Trung Thoảng, Trưởng phòng học vụ Trường THPT Marie Curie (Q.3), cho hay những ngày đầu này hầu như HS chưa thực hiện ĐKDT. Dự kiến các em sẽ tập trung đăng ký từ tuần sau, khoảng từ ngày 8.5 trở đi. Nhà trường cũng đã lên kế hoạch và phân công các bộ phận, GV hỗ trợ HS không kể ngày giờ để HS đăng ký chính xác và không ảnh hưởng đến quá trình xét tuyển ĐH sau này.

Ngày đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT: Học sinh được hỗ trợ tối đa - Ảnh 3.

Giáo viên hướng dẫn học sinh từng thao tác đăng ký trên máy tính

NHẬT THỊNH


MỐC THỜI GIAN "CỐT TỬ" CẦN NHỚ

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng lưu ý sau 17 giờ ngày 13.5 TS không được thay đổi các thông tin về bài thi, môn thi đã đăng ký. Vì vậy, TS cần phải kiểm tra kỹ bài thi, môn thi trước khi lưu phiếu ĐKDT. Ngoài ra, một số trường khuyến cáo TS sau khi đăng ký xong cần xuất phiếu đăng ký sang file pdf, in một bản (nếu có máy in), lưu file trên máy tính và trên email hoặc lưu giữ bản in ở một nơi dễ nhớ để đối sánh khi cần thiết. 

Nhiều TS sử dụng quyền miễn thi ngoại ngữ

Theo ghi nhận tại các trường THPT ở nội thành Hà Nội, phần lớn TS sử dụng quyền được xét tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ để "cầm chắc" điểm 10 vì các em có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, HS phải có chứng chỉ ngoại ngữ muộn nhất là ngày 13.5 để xét miễn thi. Bởi vậy, một số HS có năng lực ngoại ngữ chưa tốt vẫn cố gắng dự thi IELTS đầu tháng 5 để mong kịp có kết quả và đủ điểm từ 4.0 IELTS để được quy đổi điểm 10 tốt nghiệp THPT. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, số lượng HS Hà Nội dùng chứng chỉ ngoại ngữ để tham gia xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH ngày càng tăng. Năm 2019, toàn TP có khoảng 5.000 HS; năm 2020 có khoảng 7.000 HS; năm 2021 có hơn 10.000 HS và đến năm 2022 là hơn 13.000 HS; năm nay dự kiến sẽ còn cao hơn. 

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.