Ngày càng nhiều quốc gia dỡ bỏ lệnh cấm thuốc lá mới

02/03/2024 15:00 GMT+7

Theo thống kê gần nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 184/195 quốc gia thành viên của tổ chức này thực thi việc kiểm soát đối với thuốc lá làm nóng, 87 quốc gia đưa thuốc lá điện tử vào kiểm soát.

Thực tiễn cũng ghi nhận, có không ít các nước đã dỡ bỏ lệnh cấm trước nhu cầu thực tế của xã hội, gánh nặng buôn lậu, hoặc nhằm tránh tổn thất nguồn thu thuế...

Từ bãi bỏ lệnh cấm đến công khai ủng hộ

Trong giai đoạn 2017 - 2018, một công ty thuốc lá tại New Zealand (NZ) đã bị kiện vì ra mắt thuốc lá mới. Công ty này bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm theo Đạo luật kiểm soát thuốc lá cũ từ thập niên 80 (trên thực tế chỉ áp dụng đối với thuốc lá ngậm snus). Song, sau khuyến nghị của các chuyên gia y tế về khả năng giảm tác hại của sản phẩm này, Tòa án Tối cao NZ đã ra phán quyết cho phép lưu hành thuốc lá mới vì không phạm luật, đồng thời kêu gọi Chính phủ xem xét lại luật hiện hành để có biện pháp quản lý phù hợp hơn.

Ngày càng nhiều quốc gia dỡ bỏ lệnh cấm thuốc lá mới- Ảnh 1.

Đạo luật kiểm soát thuốc lá mới của Chính phủ NZ, cập nhật đến 2024

Đến ngày 5.8.2020, chính phủ NZ đã thông qua Luật quản lý các sản phẩm thuốc lá mới giảm tác hại, nhằm thay thế cho thuốc lá điếu thông thường. Đạo luật mới của NZ hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường không khói thuốc với các sản phẩm thay thế giảm tác hại, đưa thêm điều khoản mới là "hỗ trợ người hút thuốc chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm thuốc lá mới ít gây hại hơn đáng kể và được kiểm soát theo luật định".

Khi thông qua dự luật, Thứ trưởng Bộ Y tế NZ Jenny Salesa tuyên bố: "Dự luật sẽ cân đối giữa việc hỗ trợ người dùng cai được thuốc lá điếu bằng việc chuyển đổi sang thuốc lá mới - được kiểm soát như sản phẩm thay thế, đồng thời ngăn chặn giới trẻ tiếp cận, sử dụng. Dự luật cũng thừa nhận rằng nhiều người hút thuốc lá điếu cần được hỗ trợ và tư vấn để chuyển đổi thành công sang các sản phẩm thay thế giảm tác hại, vì vậy luật cho phép cung cấp thông tin và lời khuyên về sản phẩm thay thế cho những người mong muốn chuyển đổi".

Tại Uruguay, lệnh cấm thuốc lá làm nóng đã được Tổng thống nước này bãi bỏ cùng với sự đồng thuận của tất cả các Bộ trưởng vào ngày 23.3.2021. Bộ phận Hành pháp nước này khẳng định, "lý do của việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với thuốc lá làm nóng (với nguyên liệu thuốc lá khô) là do sản phẩm này đã được kiểm chứng khoa học đầy đủ".

Ở khu vực châu Á, Đài Loan là một trong những nơi vừa thay đổi quy định đối với thuốc lá làm nóng. Vào tháng 1.2023, Đài Loan đã thông qua nội dung sửa đổi Đạo luật Phòng chống Tác hại thuốc lá năm 2009. Phạm vi sửa đổi bao gồm: tăng độ tuổi hợp pháp được mua thuốc lá, đưa thuốc lá làm nóng vào quản lý chặt chẽ, và cấm thuốc lá điện tử. Người sử dụng các loại thuốc lá mới trái phép sẽ chịu phạt từ 2.000 tới 10.000 Đài tệ.

Còn với trường hợp Bhutan, đây từng là quốc gia nói không với mọi loại thuốc lá - cấm các hành vi sử dụng, mua bán, thương mại các sản phẩm thuốc lá từ năm 2004. Thế nhưng trước thực trạng buôn lậu tràn lan, kể từ sau đại dịch Covid-19, quốc gia này đã gỡ bỏ lệnh cấm. Gần nhất, vào tháng 12.2023, Bhutan cũng đã chính thức cho phép thương mại hóa thuốc lá làm nóng tại thủ đô Thimphu.

Nan giải tình trạng "lệnh cấm trên giấy nhưng thuốc lá mới vẫn phủ trên thị trường"

Thái Lan hiện vẫn áp dụng một số điều luật nghiêm ngặt nhất đối với thuốc lá điện tử (TLĐT). Nếu bị phát hiện hút TLĐT, khách du lịch có thể bị phạt tù tới 10 năm hoặc bị phạt 30.000 baht (khoảng 20,4 triệu đồng). Tuy nhiên, việc buôn bán TLĐT công khai tại Thái Lan khiến không ít du khách lầm tưởng sản phẩm này đã được hợp pháp hóa. Mặt khác, lệnh cấm cũng làm gia tăng hình thức phạm tội tại Thái Lan, rõ nét nhất là tham nhũng, tống tiền, hối lộ từ các quan chức. Báo cáo mới đây của Cục Hải quan Thái Lan tiết lộ, chỉ từ tháng 10.2023 đến tháng 1.2024, đã có hơn 8 triệu sản phẩm TLĐT và thuốc lá mới nhập lậu khác bị thu giữ, với trị giá hơn 15 triệu baht (trên 10 tỉ đồng).

Ngày càng nhiều quốc gia dỡ bỏ lệnh cấm thuốc lá mới- Ảnh 2.

TLĐT lậu tràn lan tại khu chợ du lịch Bangkok, Thái Lan

nationthailand.com

Tương tự, tại Singapore, việc sở hữu, sử dụng và mua bán TLĐT và các loại thuốc lá mới khác đều bị cấm từ tháng 2.2018. Tuy nhiên, số liệu mới nhất từ Cơ quan Quản lý Sức khỏe Singapore (HSA) cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT ở nước này đang tăng mạnh, với số người bị bắt vì sử dụng và sở hữu TLĐT trong năm 2022 cao gần gấp 4 lần so với năm 2020. Trên thực tế, tại Singapore các sản phẩm này vẫn đang được mua bán thông qua các nền tảng nhắn tin xã hội như Telegram. Từ năm 2018 đến năm 2022, có đến 860 đối tượng đã bị bắt vì buôn lậu TLĐT.

Năm 2014, Nepal đưa ra Chỉ thị về Quy định và Kiểm soát Sản phẩm thuốc lá bao gồm lệnh cấm sản xuất, nhập khẩu, mua bán và phân phối TLĐT. Tuy nhiên trên thực tế, theo báo cáo tài chính 2021 - 2022, quốc gia này đã nhập khẩu hơn 18 tỉ sản phẩm TLĐT và các thiết bị đi kèm (phần lớn từ Trung Quốc), tương đương với số tiền 11 triệu rupee Nepal (Rs). Các nhà bán lẻ tại Nepal cho biết họ đều tuân theo quy trình cung cấp chứng từ ngân hàng và chi trả các loại thuế theo yêu cầu của hải quan.

Có thể thấy, các quốc gia hiện phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi lệnh cấm TLĐT vẫn tồn tại theo luật, trong khi thực tế thì tình trạng buôn lậu các sản phẩm này không có dấu hiệu hạ nhiệt. Thực trạng này dấy lên nhiều cuộc tranh luận về việc hợp pháp hóa thuốc lá mới nhằm kiểm soát buôn lậu và bảo vệ sức khỏe của người dùng, mặc dù vẫn có một số lo ngại về sức khỏe từ thuốc lá mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.