Ngày 15.7 tòa Mỹ sẽ có phán quyết về vụ ĐH Harvard và MIT kiện Washington

11/07/2020 19:56 GMT+7

Thẩm phán Allison Burroughs của tòa quận Massachusetts vào ngày14.7 sẽ nghe các bên trình bày trong vụ Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ngăn chặn thi hành chính sách có thể buộc du học sinh rời Mỹ.

Bộ An ninh Nội địa (DHS) và Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) buộc phải phản hồi vụ kiện của Đại học Havard và MIT vào trưa 13.7.
Tên của quyền Bộ trưởng DHS Chad Wolfe và quyền giám đốc ICE Matthew Albence cũng xuất hiện trên danh sách bị đơn, theo Reuters.
Sau đó, Harvard và MIT sẽ có 24 giờ để trả lời kể từ khi nhận được phản hồi, và thẩm phán sẽ nghe các bên trình bày sau 3 giờ kế tiếp.
Luật sư William Lee thuộc đoàn luật sư đại diện Harvard và MIT cho hay dựa trên lịch trình xử lý của thẩm phán Burroughs, họ kỳ vọng sẽ có quyết định vào ngày 15.7.
“Lịch trình vụ kiện phản ánh nhu cầu cấp bách của hàng ngàn du học sinh đang theo học Harvard và MIT, cũng như tại các trường cao đẳng và đại học trên toàn nước Mỹ, trong lúc các em chuẩn bị cho học kỳ mùa thu và sẽ biết được mình có thể tiếp tục học tập mà không lo sợ bị trục xuất”, theo luật sư Lee.
Nhiều đại học trước đó đã thông báo tất cả sinh viên sẽ học trên mạng trong học kỳ mùa thu trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ lây lan Covid-19.
Tuy nhiên, ICE hôm 7.7 tuyên bố chính sách có thể buộc các du học sinh phải rời Mỹ nếu trường mà họ theo học quyết định chuyển hoạt động giảng dạy lên nền tảng trực tuyến.
ICE cũng ấn định hạn chót vào ngày 15.7 để các trường cao đẳng, đại học chuẩn bị dạy qua mạng 100% phải nộp kế hoạch giảng dạy trong học kỳ tới.
Trong thư điện tử gửi toàn thể sinh viên, Chủ tịch Đại học Harvard Lawrence Bacow hôm 8.7 cho biết: “Chúng tôi và MIT đã cùng nộp đơn kiện lên tòa án quận ở thành phố Boston (bang Massachusetts) yêu cầu ngưng thực thi chính sách mới”.
“Chúng tôi sẽ tích cực bám sát vụ kiện để đảm bảo các sinh viên quốc tế của chúng tôi, và du học sinh trên toàn nước Mỹ, có thể tiếp tục theo đuổi việc học mà không lo ngại bị trục xuất”, theo Reuters dẫn nội dung thư điện tử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.