‘Ngạt thở’ vì phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5

18/03/2016 18:21 GMT+7

QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đồng loạt tăng mạnh phí khiến nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải phản ứng.

QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đồng loạt tăng mạnh phí khiến nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải phản ứng.

Phí QL5 tăng từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt so với mức phí cũ - Ảnh: Ngọc ThắngPhí QL5 tăng từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt so với mức phí cũ - Ảnh: Ngọc Thắng
Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông báo sẽ tăng phí tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường QL5 kể từ ngày 1.4.
Theo đó, phí ở QL5 sẽ từ 45.000 đồng/lượt đến 200.000 đồng/lượt (tăng 50%, từ 15.000 đồng đến 40.000 đồng/lượt so với mức phí cũ).
Còn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, phí tăng trung bình 25% so với mức áp từ đầu tháng 12.2015, cao nhất là 840.000 đồng/lượt, áp cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container 40 fit cho tuyến từ vành đai 3 đến nút giao ĐT 356 (Đình Vũ).
Mức phí cho ôtô dưới 12 chỗ tăng từ 160.000 đồng/lượt lên 210.000 đồng/lượt.
Ông Lê Như Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng chia sẻ, QL5 là đường đầu tư bằng tiền ngân sách nhà nước, lẽ ra người dân phải được lưu thông trên tuyến đường này mà không mất phí. Tuy nhiên, Vidifi được quyền thu phí cả tuyến QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để thu hồi vốn, rồi lại đồng loạt tăng phí cao ở cả 2 tuyến này, khiến cho DN vận tải rất khó khăn.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng cho biết, DN hiện có 80 đầu xe chạy dọc cả 2 tuyến đường sắp tăng mức phí qua trạm thu. Bình quân một tháng, đơn vị phải chi trả tới 800 triệu đồng tiền thu phí cho phương tiện. Ngày thường, các xe của công ty đang chạy trên tuyến đường này lỗ bởi khách ít, không bù đủ chi phí, chỉ những ngày cuối tuần, lễ, Tết thì mới có lãi. Ngoài các chi phí nhiên liệu, nhân công, khấu hao xe, nếu mức phí tăng thêm thì DN phải gánh thêm một khoản tiền khá lớn và sẽ tạo thêm áp lực. Ông Hải cũng cho hay sẽ phải tính toán lại biểu đồ lượt xe chạy trên tuyến cao tốc cho hợp lý. Nếu lỗ sẽ giảm tần suất đồng thời điều chỉnh cho xe chạy lại theo tuyến QL5 để giảm bớt chi phí.
Mất quyền lựa chọn
Trên thực tế, từ cuối năm 2015, khi mức phí trên QL5 tăng đợt đầu, hàng nghìn xe tải, container đã né phí QL5 và cả cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bằng cách mở thêm các “đường máu” sang các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ dọc theo tỉnh Hải Dương như tỉnh lộ 203, 206, 208, 355… Một nhà xe tại Hải Phòng cho biết, dù các tuyến đường tỉnh lộ trên đều nhỏ hẹp, mật độ giao thông cao, đi lại khó khăn hơn nhưng phí trên cao tốc quá cao nên vẫn phải tìm cách lách.
Theo nhà xe này, DN không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách đi vào các đường tỉnh lộ để né phí QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Trước đó, cuộc chiến tranh chấp xung quanh việc xây dựng ụ cầu bít lối lên cầu Việt Trì cũng đã diễn ra giữa người dân và nhà đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì. Với lý do cầu Việt Trì đã xuống cấp, Công ty BOT Việt Trì đã dựng ụ bê tông chắn ngang cầu Việt Trì để ngăn ô tô đi qua nhưng bị người dân phản ứng mạnh. Người dân bức xúc cho rằng nhà đầu tư bít lối lên cầu cũ để ép dân đi lên cầu Hạc Trì mới trong khi phí qua cầu này khá cao.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, trước đây khi xây dựng các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT và cao tốc, Bộ GTVT nói rằng có hai đường, nếu anh không thích, sợ cao phí thì đi đường cũ. Tuy nhiên, thực tế một số đoạn tuyến hiện nay người dân không có sự lựa chọn thay thế và phải chấp nhận. Ông Liên cũng đề nghị tới đây nhà nước nên xem xét mua lại một số trạm ở các tuyến dày trạm thu phí BOT để giảm sức ép cho người dân.
“Chúng tôi ủng hộ nâng cấp đầu tư hạ tầng nhưng phải phù hợp với thu nhập của người dân. Nếu đưa ra nhiều trạm BOT quá, rồi các trạm lại lần lượt tăng phí theo lộ trình thì người dân sẽ “ngạt thở” vì các loại phí”, ông Liên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.