Ngành y tế vẫn muốn quản lý kiểu ‘xin – cho’, nộp phí

18/09/2015 05:28 GMT+7

Dự thảo Nghị định quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT) vẫn muốn kiểu “xin - cho”, có thể dẫn đến việc thiếu hụt và tạo điều kiện cho trang thiết bị lậu có cơ hội xâm nhập... Đây là cảnh báo được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH sáng qua (17.9) cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về quản lý TTBYT.

Dự thảo Nghị định quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT) vẫn muốn kiểu “xin - cho”, có thể dẫn đến việc thiếu hụt và tạo điều kiện cho trang thiết bị lậu có cơ hội xâm nhập... Đây là cảnh báo được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH sáng qua (17.9) cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về quản lý TTBYT.

Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ về nghị định này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết thực trạng quản lý TTBYT trong thời gian qua còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập cần khắc phục. Hiện nay việc quản lý cấp giấy phép nhập khẩu chỉ thực hiện đối với 50 chủng loại nhưng trên thực tế thì số lượng lớn hơn rất nhiều. Việc quản lý nhập khẩu cũng chưa đáp ứng các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa nhập khẩu cũng như các quy định của khu vực và thế giới.
Trong khi đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: “Nghị định quy định như vậy làm sao người ta cựa quậy được? Sẽ thiếu trang thiết bị, cuối cùng sẽ xảy ra chuyện buôn gian, bán lậu. Quản lý vẫn rất chặt nhưng hàng lậu sẽ lại ngang nhiên vào”. Theo ông, ngành y tế đã từng có bài học trong việc quản lý thuốc trước đây, từng làm diễn đàn QH liên tục sôi động chuyện giá thuốc. “Nguyên nhân sâu xa là do chỉ định vài ba doanh nghiệp nhập khẩu thôi, đến lúc mở ra là giá thuốc xuống ngay”, Chủ tịch QH phân tích. Ông cũng bày tỏ băn khoăn về khả năng ngành y tế, vốn không phải bộ liên quan sản xuất, có đủ sức trong việc quản lý sản xuất TTBYT hay không? “Bây giờ sản xuất, ngành y tế có đủ điều kiện vào kiểm tra tất cả được không? Thiết bị nhập khẩu ngành y tế có thể xem xét tất cả các loại được không?”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng thẳng thắn: “Các đồng chí nhảy vào cấp phép đủ kiểu như thế này có dẫn đến tiêu cực không? Ngành y tế có thành một ngành tiêu cực vì chuyện này không? Trước đây thuốc đã bao nhiêu chuyện, rồi bệnh viện trở thành nơi tiếp thị thuốc cho các doanh nghiệp. Giám đốc bệnh viện cũng thành anh tiếp thị bán thuốc. Giờ làm mảng trang thiết bị này ai muốn ngọ nguậy phải đến Bộ Y tế, sở y tế. Các đồng chí có trở thành ngành tiêu cực không? Hiện tượng này các đồng chí phải cảnh báo”.
Theo ông, Nghị định về quản lý TTBYT cần phải là nghị định quy định điều kiện chứ không phải là nghị định “đụng đâu cũng phải xin phép”. Lo ngại tất cả các loại phí cuối cùng đổ lên bệnh nhân, Chủ tịch QH nói: “Một ca chụp, xét nghiệm đáng giá 100.000, người ta sẽ sẵn sàng lấy 300.000 - 400.000 vì cái máy chụp chịu đủ loại phí. Như thế nhà nước thiệt, người bệnh thiệt, cán bộ công chức thì rủi ro”.
Chủ tịch QH đề nghị cơ quan soạn thảo phải đổi mới tư duy, nghiên cứu xây dựng lại nghị định này theo hướng nghị định điều kiện chứ không phải nghị định “thu phí đủ kiểu” như dự thảo này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.