Ngành nghệ thuật đặc thù vẫn 'ế' người học dù giảm 70% học phí

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
14/10/2021 16:44 GMT+7

Nhạc cụ dân tộc chỉ tuyển được vài người, cải lương không có ai đăng ký học... Đây là tình trạng chung của một số ngành nghệ thuật đặc thù, khiến nhiều người lo ngại trong tương lai sẽ dần bị mai một nếu không có chính sách thu hút.

Nghệ thuật cải lương - một trong những ngành nghệ thuật đặc thù hiện cũng không được khán giả say mê như mấy chục năm về trước

T.T

Mới đây, Chính phủ vừa đưa ra dự thảo Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu trong ngành nghệ thuật đặc thù để lấy ý kiến góp ý. Theo đó, có nhiều quy định thay đổi so với trước kia để tạo điều kiện trong việc tuyển sinh và đào tạo nhằm thu hút người học.

Cho phép trường ĐH đào tạo trung cấp, CĐ các ngành nghệ thuật đặc thù

Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định các cơ sở giáo dục ĐH được phép tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (đào tạo CĐ và trung cấp) khi đủ điều kiện theo luật định. Tuy nhiên, Nghị định của Chính phủ năm 2016 lại quy định các cơ sở giáo dục ĐH chỉ được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN trình độ CĐ, không có trình độ trung cấp. Điều này được cho là gây khó khăn, bất cập và không phù hợp đối với đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Vì vậy, dự thảo nghị định đã đưa vào quy định các cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục được đào tạo trình độ trung cấp ở các ngành chuyên sâu đặc thù thuộc lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định bậc trung cấp chỉ đào tạo từ 1-2 năm nhưng đối với các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù, nghị định này quy định thời gian đào tạo từ 2-9 năm tuỳ thuộc vào thí sinh đầu vào. Ví dụ 2 năm đối với học sinh có bằng tốt nghiệp THPT, 3-4 năm đối với học sinh có bằng tốt nghiệp từ THCS trở lên ở các ngành âm nhạc, múa, sân khấu, xiếc, tạp kỹ thuộc nhóm ngành nghệ thuật trình diễn và các ngành thuộc nhóm ngành mỹ thuật, 5 năm đối với học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học trở lên hoặc có độ tuổi từ 11 đến 18 tuổi đào tạo các ngành xiếc, tạp kỹ hoặc tới 9 năm đối với học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học trở lên hoặc có tuổi từ 9 - 14 tuổi ở các ngành âm nhạc thuộc nhóm ngành nghệ thuật trình diễn...

Tại nghị định này, các ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù được quy định bao gồm tuồng, chèo, cải lương, múa hát - nhã nhạc cung đình, xiếc, tạp kỹ, múa, thanh nhạc, nhạc hơi, nhạc dây, nhạc gõ, điện ảnh, mỹ thuật, nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Giảm học phí thôi chưa đủ

Nhằm thu hút nguồn tuyển và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghệ thuật chuyên sâu đặc thù, trong những năm qua Nhà nước đã có chính sách thiết thực hỗ trợ như miễn giảm học phí, chế độ bồi dưỡng nghề và hỗ trợ trang phục, phụ kiện biểu diễn cho học sinh, sinh viên. Cụ thể, người học được giảm 70% học phí, được nhận học bổng, hỗ trợ tác phẩm tốt nghiệp...

Hát bài chòi cũng nằm trong các ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù hiếm người học trong các trường nghệ thuật

T.Đ

Tuy nhiên, việc tuyển sinh các ngành học này tại các trường văn hoá, nghệ thuật nhiều năm qua vẫn rất khó khăn. Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, giảng viên bộ phận quản lý sau ĐH của Nhạc viện TP.HCM, cho biết: "So với một số khoa như thanh nhạc, piano thì ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại Nhạc viện rất ít người theo học. Lý do là vì xu hướng thưởng thức âm nhạc hiện nay chủ yếu thích nghe, xem những ca khúc mang hơi thở hiện đại, các nhạc cụ cũng vậy, giới trẻ thích nghe guitar, piano chứ mấy ai thích đàn bầu hay nhị, sáo...".

PGS-TS Phan Bích Hà, Trưởng khoa nghệ thuật Trường ĐH Văn Lang, Phó Chủ tịch Hội điện ảnh TP.HCM, đồng thời là giảng viên Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM, cũng cho hay chỉ tiêu của trường này thì có nhưng người học các ngành kịch hát dân tộc hay cải lương chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn tuồng, chèo không ai học nên nhiều năm không mở lớp.

"Rõ ràng thời nay xã hội không còn yêu thích các ngành nghệ thuật này nên tuyển sinh và đào tạo cũng gặp khó khăn. Chính sách giảm học phí và hỗ trợ học bổng chỉ là một phần. Quan trọng là giới trẻ ngày nay chọn ngành theo xu hướng và bị thu hút bởi những ngành có thu nhập cao, có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Các em thấy những ngành nghệ thuật truyền thống khó phát triển trong thời đại này nên dù có yêu thích cũng ngần ngại", PGS-TS Phan Bích Hà lý giải.

Bên cạnh đó, thạc sĩ Hoàng Hoài Nam, giảng viên Trường ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM, cho rằng đầu ra, thu nhập và cơ hội phát triển nghề nghiệp là yếu tố quan trọng nhất để thu hút người học. "Nghệ thuật tuồng, chèo hầu như không có mặt tại các sân khấu phía Nam. Cải lương vốn được sinh ra ở Nam bộ nhưng hiện nay cũng rất ít người xem, chỉ có những suất diễn phục vụ Việt kiều hoặc bà con các huyện vùng sâu vùng xa. Biên chế của các đoàn cũng rất ít. Lương của nghệ sĩ thì lại tính theo ngạch bậc như các nghề khác nên rất thấp. Đầu ra khó, thu nhập không đảm bảo, thì chắc chắn không thể thu hút người học", thạc sĩ Hoài Nam phân tích.

Vì thế, thạc sĩ Nam nhìn nhận, khi đã coi các ngành trên là ngành đặc thù, thì chế độ lương và đãi ngộ cũng phải đặc thù, theo đó nghệ sĩ phải được đảm bảo việc làm, được trả lương cao và có cơ hội phát triển.

PGS-TS Phan Thị Bích Hà cho rằng để góp phần bảo tồn và phát huy, phát triển các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, hiện nay ngành du lịch ở một số địa phương đã có sự kết nối với các đoàn văn công thiết kế các tour du lịch kết hợp với nghệ thuật truyền thống thu hút khách du lịch, đặc biệt người nước ngoài, như ở miền Trung thì có nhã nhạc cung đùng, hát bài chòi, miền Nam thì có đờn ca tài tử, cải lương, miền Bắc thì có quan họ, chèo... "Nếu các tour du lịch như thế tiếp tục phát triển sẽ góp phần giúp cho ngành nghệ thuật đặc thù có thêm khán giả, nghệ sĩ có thêm thu nhập", PGS-TS Bích Hà chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.