Ngành điện thoại di động được và mất gì từ sự sụp đổ của Huawei?

21/06/2021 16:00 GMT+7

Năm 2020, Huawei là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất thế giới . Nhưng giờ đây, công ty này thậm chí còn không lọt được vào top 5.

Tại thời điểm này, chắc bạn đều biết câu chuyện bắt đầu vào tháng 5.2019, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã giáng một đòn chí mạng vào tham vọng bá chủ toàn cầu của Huawei thông qua việc ban hành một sắc lệnh đặt công ty này vào cái gọi là "Danh sách thực thể" bị cấm vận thương mại, về cơ bản, ông đã gián tiếp bóp nghẹt bộ phận điện thoại thông minh của Huawei. Kể từ đó, mảng di động của Huawei tụt dốc không phanh, bất chấp mọi nỗ lực duy trì và phát triển của hãng.
Dù vào năm 2020, Huawei đã nhanh chóng vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, kỳ tích này giúp họ hoàn thành cam kết đưa ra nhiều năm trước, một phần nhờ vào sự hỗ trợ tiêu thụ của thị trường trong nước. Nhưng nếu chỉ phụ thuộc vào thị trường nội địa Trung Quốc và sự ủng hộ này thì sẽ khó lòng tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu. Điều này đã trở thành sự thật, chỉ khoảng một năm sau, hiện nay Huawei đã rớt khỏi vị trí số một trong ngành và thực tế giờ đây nó còn không nằm trong top 5.

HarmonyOS ra mắt, Huawei liệu có thăng hoa trong cuộc sống không Android?

Kết quả này không quá ngạc nhiên bởi nó đã được dự báo từ trước. Không có quyền truy cập cũng như hợp tác với các công ty Mỹ - đáng chú ý nhất là Google, trong khi hệ sinh thái Android phụ thuộc rất nhiều - nên tham vọng điện thoại toàn cầu của Huawei sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian. Điều đáng ngạc nhiên là chính quyền ông Trump - và sau đó là chính quyền ông Joe Biden - đã không có ý định thu hồi hoặc giảm ảnh hưởng của Danh sách thực thể, mà thậm chí họ còn tìm cách mở rộng lệnh cấm. Các chuyên gia công nghệ và thậm chí cả chính Huawei dường như nghĩ rằng cái gọi là "lệnh cấm Huawei" là bước thụt lùi đáng kể nhưng chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.
Đã hai năm trôi qua và ngành công nghiệp điện thoại thông minh dần chấp nhận thực tế mảng điện thoại của Huawei đã không còn ảnh hưởng toàn cầu nữa, đã đến lúc cần xem xét thị trường này đang ở đâu. Điều gì đã thay đổi về ngành công nghiệp điện thoại mà không có Huawei, bây giờ ngành công nghiệp này đang tốt hơn hay tệ hơn. Quan trọng nhất, điều gì sẽ xảy ra với Huawei trong thời gian tới?

Chúng ta đã mất gì?

Mẫu điện thoại Mate 40 Pro của họ xuất sắc nhưng không còn được đón nhận rộng rãi do thiếu dịch vụ Google

Ảnh: Android Authority

Nếu không bị cấm vận, có lẽ 2 mẫu điện thoại thông minh lớn hằng năm của Huawei - dòng P và dòng Mate - sẽ trở thành một trong những sản phẩm tốt nhất trong năm. Dù là xét về thông số kỹ thuật hàng đầu, thiết kế đáng kinh ngạc hay trải nghiệm chụp ảnh xuất sắc.
Một chiếc flagship của Huawei theo truyền thống thường đủ xuất sắc để dễ dàng giới thiệu cho bất kỳ người mua điện thoại thông minh nào. Nhưng bây giờ, chúng ta có lẽ không còn dám giới thiệu cho bất cứ ai ở ngoài thị trường Trung Quốc sử dụng điện thoại Huawei làm máy chính, một tình cảnh đáng tiếc. Sự mất mát này sẽ còn có tác động trên toàn ngành, bởi nếu không có Huawei thúc đẩy các công ty khác - cụ thể nhất là Samsung - đổi mới và sáng tạo, thì có khả năng chúng ta sẽ thấy ít sự thúc đẩy tới cùng hơn và những sản phẩm mới của các công ty lớn có ít sự khác biệt hay đổi mới hơn. Dù thực tế, Samsung vẫn cần phải cạnh tranh với Apple và các nhà sản xuất Trung Quốc khác, nên chính xác là Samsung không thể tự ru ngủ trên vòng nguyệt quế của mình. Nhưng trong 5 năm qua, Huawei luôn là đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong thế giới Android của họ, giờ đây sự cạnh tranh đó đã không còn.
Đáng chú ý, Huawei cũng là đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Samsung trong mảng thiết bị di động có màn hình có thể gập lại, với sản phẩm đáng chú ý là Huawei Mate X2. Dù thị trường hiện nay đã bắt đầu có nhiều công ty tung ra điện thoại màn hình có thể gập, nhưng hiện tại Samsung đã gần như không còn đối thủ trong cuộc chiến khởi màn của thị trường tiềm năng trong tương lai di động: Điện thoại màn hình có thể gập lại.
Huawei cũng không chỉ cạnh tranh với các OEM điện thoại thông minh khác, mà họ còn là đối thủ cạnh tranh với chính các nhà sản xuất chip khác như Qualcomm. Dù chipset Kirin của Huawei thường không sánh ngang với sức mạnh của vi xử lý hàng đầu mới nhất Snapdragon của Qualcomm, nhưng chắc chắn chip Kirin có những ưu điểm riêng, đặc biệt là về hiệu suất tiêu hao pin, nhiệt độ và bộ xử lý thần kinh nhân tạo tích hợp (NPU). Vậy mà giờ đây Qualcomm sẽ chỉ còn phải lo lắng về chip của Samsung trong thị trường Android. Rõ ràng đó không phải là một tin tốt cho sự đổi mới sáng tạo và cạnh tranh.
Tất nhiên, khi mà một gã khổng lồ rời khỏi cuộc chơi, điều đó cũng có nghĩa là sẽ có thêm chỗ cho những người chơi mới, trong trường hợp này là các hãng sản xuất di động nhỏ hơn của chính Trung Quốc.

Và chúng ta đã được gì?

Những thương hiệu khác của Trung Quốc như Xiaomi, Redmi… sẽ giành giật miếng bánh của Huawei

Ảnh: Android Authority

Khi Huawei bị đá văng ra khỏi danh sách top 5 nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu trên toàn cầu, đó cũng là “tin vui” cho các công ty Trung Quốc khác nhanh chóng lấp đầy chỗ trống của miếng bánh thị phần di động. Người được hưởng lợi nhiều nhất trong sự cố này chắc chắn là Xiaomi, hiện công ty này đang đứng ở vị trí thứ ba, xếp ngay dưới Samsung và Apple. Dù sẽ phải mất một thời gian dài trước khi có cơ hội vượt mặt Samsung, nhưng có lẽ họ sẽ chỉ mất một hoặc hai năm nữa để vượt qua Apple.
Trong khi đó, một số thương hiệu dưới trướng BBK cũng đã nhanh chóng phất lên, bao gồm Oppo, Vivo và Realme. Trong đó phải kể tới trường hợp của Realme, công ty này hiện đã là OEM điện thoại thông minh lớn thứ sáu thế giới, dù tuổi đời của nó chỉ mới 3 năm.
Tất cả công ty này đều đua nhau giành giật miếng bánh mà Huawei để lại. Sự cạnh tranh khốc liệt sẽ luôn dẫn đến điện thoại tốt hơn với giá thấp hơn. Tất nhiên, tất cả công ty Trung Quốc này đều không có mặt ở Mỹ, điều đó có nghĩa là đại đa số người tiêu dùng ở Mỹ sẽ tiếp tục bị mắc kẹt với hai lựa chọn: Samsung hoặc Apple. Đại diện duy nhất của Trung Quốc còn sót lại ở thị trường Mỹ là OnePlus và sự ủng hộ (không ra mặt) của BBK phía sau nó. Có thể chúng ta sẽ thấy tham vọng lớn hơn của OnePlus đối với thị trường Mỹ và toàn cầu trong vài năm tới, nhưng giờ đây điều đó vẫn chưa rõ ràng.
Cuối cùng, chúng ta không thể quên Google. Mặc dù thậm chí Google còn chưa bao giờ tiến gần tới top 5 OEM, nhưng chiến lược và tham vọng mới nhất của họ trong việc tự sản xuất chip silicon riêng và thúc đẩy phần cứng máy ảnh có thể khiến họ sớm trở thành một đối thủ đáng chú ý trong cuộc đua di động. Tuy nhiên, những quyết định tồi tệ trong vài năm qua có vẻ khiến Google phải mất thêm thời gian nếu họ thực sự muốn tiến xa.

Vậy giờ mảng di động đang ở đâu?

Thật khó để nói ngay bây giờ về những gì chúng ta đã đánh mất sau khi Mỹ đẩy Huawei ra khỏi bức tranh toàn cảnh của thị trường di động, cũng như liệu điều đó có đáng để đánh đổi với sự cạnh tranh và trỗi dậy của các công ty Trung Quốc khác hay không. Nhưng rõ ràng những gã khổng lồ toàn cầu đều từng phải lo sợ trước đà tăng trưởng mạnh mẽ của Huawei. Giờ đây, nỗi sợ đó đã biến mất, đổi lại, những tiến bộ của miếng bánh mà gã khổng lồ Huawei bỏ lại của chúng ta giờ đây có nhiều chiến binh nhỏ hơn nhưng khá thú vị, điều đó có thể gây ra mội nỗi sợ hãi khác nhưng không thể sánh với Huawei.

Rốt cuộc, ngành công nghiệp điện thoại thông minh có thể vẫn cần Huawei để tăng sự cạnh tranh

Ảnh: Android Authority

Rất có thể cuối cùng việc Huawei rút lui khỏi ngành sẽ có lợi nhất định cho một số công ty. Khi mà Realme và những công ty mạnh tay chi tiền khác đang chiến đấu quyết liệt để giành lấy một tỉ khách hàng mới ở các quốc gia đang phát triển; trong khi Xiaomi, Oppo và Vivo có thể giành được chỗ đứng hàng đầu trong top 5. Còn Samsung và Apple sẽ tiếp tục cuộc đua ở top đầu. Đó có lẽ là một viễn cảnh khả thi và không có gì quá bất ngờ.
Huawei đã không còn tham gia vào cuộc chơi di động chỉ vì chính phủ Mỹ cho rằng điều đó là cần thiết. Quyết định này của Mỹ đã thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp di động như thế nào? Điều đó có ý nghĩa gì đối với tất cả các thương hiệu Trung Quốc khác? Thời gian sẽ có câu trả lời.

Huawei sẽ sống sót?

Điều quan trọng là Huawei không biến mất. Bộ phận điện thoại thông minh của Huawei có thể bị giới hạn chủ yếu ở thị trường khổng lồ Trung Quốc, nhưng Huawei không chỉ sản xuất điện thoại. Trong vài năm tới, Huawei sẽ phải thúc đẩy tài năng đáng kể của họ trong các không gian công nghệ khác. Chúng ta sẽ tiếp tục thấy máy tính bảng, máy tính, thiết bị đeo và sản phẩm âm thanh của Huawei. Chúng ta cũng có thể sẽ thấy công ty mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ mới như thực tế ảo, giao thông vận tải và thậm chí có thể là sức khỏe.

Máy tính bảng Huawei MatePad Pro

Ảnh: CNET

Huawei là một thương hiệu được yêu thích ở Trung Quốc và có sự hỗ trợ từ chính phủ nước này. Nó đã và sẽ tiếp tục có hàng tỉ khách hàng. Việc triển khai Harmony OS chỉ vài ngày trước đã nhấn mạnh cách Huawei quyết tâm thúc đẩy với bộ phận điện thoại thông minh của mình - có hoặc không có sự giúp đỡ từ các công ty Mỹ. Cho đến nay Harmony OS có ít nhiều sự vay mượn của Android 10 dưới lớp vỏ mới, nhưng nó minh chứng Huawei sẽ tiếp tục sản xuất điện thoại cho thị trường Trung Quốc và những khách hàng trung thành của họ.
Tuy nhiên, những ngày huy hoàng của công ty trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu dường như đã kết thúc, dù còn phải vài năm tới chúng ta mới có thể kết luận được liệu cái kết này tác động tiêu cực hay tích cực tới thị trường. Cho đến lúc đó, chúng ta chỉ có thể than thở rằng ngành công nghiệp điện thoại đã mất đi một trong những "tay chơi" quan trọng nhất của nó, và nó sẽ không bao giờ quay lại được vị thế như ban đầu, dù có thể sẽ có công ty thay thế nhưng không bao giờ có được sức mạnh và ảnh hưởng như Huawei từng tạo ra.

Doanh thu Huawei giảm trong năm 2021 'đầy thách thức'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.