Ngành chăn nuôi heo loay hoay tìm đường xuất khẩu

28/07/2023 06:36 GMT+7

Hôm qua (27.7), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị thực trạng phát triển chăn nuôi heo và giải pháp phát triển bền vững trong tình hình mới.

Tại hội nghị, ông Phạm Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thông tin đến tháng 6 năm nay, đàn heo đã phục hồi hoàn toàn so với năm 2019 ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi, với tổng đàn trên 28 triệu con. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm đạt 2,3 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ngành chăn nuôi đóng góp gần 27% GDP ngành nông nghiệp, nhưng nhìn vào cơ cấu xuất khẩu, thịt heo chiếm thị phần khiêm tốn.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, VN xuất khẩu chủ yếu là thịt heo sữa đông lạnh với giá trị đạt hơn 18,4 triệu USD.

Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Hòa giải thích để xuất khẩu được thịt heo, vấn đề cốt lõi nhất là kiểm soát dịch bệnh. Đây cũng là nội dung được đưa vào đàm phán các hiệp định thương mại tự do và hiệp định SPS giữa VN và các nước khác. Dự báo sản lượng thịt heo thế giới năm nay đạt hơn 114 triệu tấn (tăng 0,3% so với năm 2022). Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất, dự kiến đạt 56 triệu tấn (48,8% toàn thế giới). "VN có lợi thế nằm ngay bên cạnh thị trường lớn nhất thế giới thì đến nay vẫn chưa có sản phẩm xuất khẩu". Nhấn mạnh VN có tiềm năng lớn về thịt heo và hiện đã có 67 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp với nhiều sản phẩm giá trị gia tăng (đồ hộp, hun khói, xúc xích...), ông Hòa kiến nghị cần tập trung giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật để tìm kiếm cơ hội hợp tác xuất khẩu thịt heo sang thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin Bộ NN-PTNT đã ký kết với các doanh nghiệp triển khai xây dựng các vùng trồng sắn, ngô, đậu tương... ở khu vực Tây nguyên để tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, hạ giá thành, chi phí chăn nuôi; tiếp tục mở rộng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới ở Đông Nam bộ để đẩy mạnh xuất khẩu.

"Doanh nghiệp phải tính đưa công nghệ vào để thành chuỗi khép kín, hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững thì phải xuất khẩu. Ngành nông nghiệp đang có nhiều nông sản có mặt ở hơn 200 thị trường khắp thế giới thì thịt heo, thịt gia cầm không có lý do gì mà lại không xuất khẩu được", ông Tiến nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.