Ngăn 'vi rút sợ trách nhiệm'

Anh Vũ
Anh Vũ
23/10/2021 06:42 GMT+7

Né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm tới mức run rẩy trong phòng chống dịch Covid-19 … như các đại biểu Quốc hội phản ánh tại một số nơi, cho thấy căn bệnh này đã trở thành vi rút vô hiệu công tác chống dịch, xói mòn lòng tin của người dân, trì trệ bộ máy công quyền.

Đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua khiến chúng ta tổn thất quá lớn, mất người, mất tài sản. Nó cũng khiến bộ máy chính quyền cơ sở bộc lộ rất nhiều hạn chế trong điều hành. Có tình trạng ngăn sông cấm chợ; trên nóng dưới lạnh; lơ là, chủ quan.

Tất cả biểu hiện đó có một phần không nhỏ từ “vi rút sợ trách nhiệm”. Sợ dịch lây lan bị kỷ luật, sợ mất ghế. Cho nên, ở không ít nơi, cách lựa chọn dễ dàng nhất của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền là cứ khóa chặt, còn chuyện đi lại của người dân, làm ăn của doanh nghiệp… để đó tính sau.

Khách quan mà nói, sợ trách nhiệm cũng không có gì khó hiểu, bởi chỉ một quyết định sai khiến dịch bùng lên sẽ phải đổi bằng tính mạng của người dân, sức khỏe của hàng nghìn người. Sợ bởi làm gì cũng mới, cũng chưa có tiền lệ, đột phá thì lo “xé rào”. Sự sợ hãi nảy sinh từ trong tiềm thức đến các quy định đã lấn át hết trách nhiệm công vụ. Nếu nỗi sợ cứ tiếp tục lớn dần lên đến mức dẫn tới các quyết định cực đoan, thì ai chống dịch, phục hồi kinh tế như thế nào?

Để cán bộ vượt qua nỗi sợ hãi trách nhiệm, đầu tiên cần có cơ chế rất rõ ràng. Chính phủ cần có tiêu chí cụ thể phòng chống dịch, chiến lược tổng thể về phát triển, phục hồi kinh tế. Làm tốt phải được động viên khen thưởng kịp thời; làm sai, vụ lợi, lơ là, chủ quan… phải bị kỷ luật thích đáng.

Đợt dịch thứ 4 vừa qua, Bắc Giang là một điển hình khi sử dụng hiệu quả giải pháp này. Lãnh đạo tỉnh đã kỷ luật hàng loạt chủ tịch huyện, cán bộ sở, ngành, phường, xã. Song, cũng có rất nhiều tấm gương được khen thưởng với mô hình chống dịch sáng tạo tại các khu công nghiệp (giải pháp 3 tại chỗ, 1 cung đường - 2 điểm đến; lập vành đai bảo vệ, đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử). Vì vậy, đây là tỉnh duy nhất được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động vì thành tích chống dịch Covid-19.

Làm lãnh đạo, cái khó nhất là dám chịu trách nhiệm, bản lĩnh chính trị. Ở vào tình thế nguy nan, khó khăn như chống giặc, chống dịch càng phải phát huy vai trò tiên phong của đảng viên, người đứng đầu. Tự tin, quyết đoán với tinh thần dám làm, dám chịu. Người dân không cần những lãnh đạo né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám tư duy đột phá, sáng tạo.

Nói cho cùng, để cán bộ không sợ trách nhiệm, ngoài ý thức, bản lĩnh của mỗi người, cũng cần có cơ chế để bảo vệ họ. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 -KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tinh thần của kết luận đó không có gì khác hơn là nếu cán bộ luôn có ý thức làm đúng, bản lĩnh, làm việc vì lợi ích chung thì không có gì phải lo lắng. Điều đáng sợ nhất đối với cán bộ là làm gì cũng không tốt, không tệ, dẫn tới xử lý cũng không được mà khen cũng không xong. Sự bàng quan, thờ ơ và tư duy lo giữ ghế như vậy chỉ càng làm cho bộ máy trì trệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.