Ngàn tỉ vốn cho giao thông có kịp tiến độ giải ngân?

10/08/2022 06:09 GMT+7

Liên quan đến tỷ lệ giải ngân cực thấp tại các dự án giao thông ở TP.HCM mà Báo Thanh Niên đặt vấn đề trong bài viết Dự án nghìn tỉ, giải ngân 0 đồng , ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), đã có lý giải cụ thể.

Vốn “để dành” đến cuối năm

Giám đốc TCIP cho biết: Đối với các công trình hạ tầng, không phải vốn ngân sách ghi 1.000 tỉ đồng sẽ chia đều 12 tháng để 6 tháng phải đạt tỷ lệ giải ngân được 50%. Mỗi dự án có đặc thù nguồn vốn riêng và không tịnh tiến theo mốc thời gian. Có thể 6 tháng đầu, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 20 - 30% nhưng hết tháng 12 vẫn đạt 100%. Cụ thể, kế hoạch ghi vốn ngân sách của TCIP có 3 dự án khởi công mới gồm nút giao An Phú, mở rộng QL50, xây mới đường Trần Quốc Hoàn. Cả 3 dự án này đều ghi vốn từ đầu năm với tổng vốn lên tới 200 - 300 tỉ đồng mỗi dự án. Tuy nhiên, đây là phần vốn xây lắp, tức khi công trình chính thức khởi công mới có thể giải ngân được số tiền này để chi cho nhà thầu. Theo kế hoạch, cả 3 dự án đều đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục gồm chọn tư vấn, thiết kế, khảo sát, dự toán, duyệt bản vẽ thi công rồi mới đấu thầu duyệt nhà thầu xây lắp, ký kết hợp đồng... và khởi công trong quý 4 - khoảng tháng 11, tháng 12. Do vậy, chắc chắn tỷ lệ giải ngân của các dự án này giai đoạn từ nay đến cuối năm không thể “nhích” thêm được nhưng tới thời điểm đó sẽ giải ngân toàn bộ 100%.

Sửa chữa đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM

Ngọc Dương

Nhóm thứ 2, theo ông Lương Minh Phúc là những dự án ghi vốn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như dự án cầu Tăng Long, cầu Nam Lý... Những dự án này đều đã khởi động từ 2021, mất gần 2 năm đi từ khảo sát, đo vẽ... và các quận huyện cam kết dự kiến trình duyệt giá, bồi thường chi trả cho người dân vào quý 4. Vì thế, tỷ lệ giải ngân của các công trình này cũng sẽ là “zero” cho đến khi ký duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng.

“Nói cách khác, vốn ghi cho các dự án này đều để dành tới quý 4 tỷ lệ giải ngân ngành giao thông sẽ vọt lên vào cuối năm. Vì thế, không cần hoảng hốt vì đặc thù của nguồn vốn đó như vậy. Quan trọng nhất là cố gắng kiểm soát, đảm bảo tiến độ từng quy trình để dự án có thể khởi công theo đúng kế hoạch cam kết. Từng dự án hiện đều có tiến độ chi tiết, kiểm điểm hằng tuần, hằng tháng với địa phương và báo cáo lãnh đạo UBND TP”, ông Phúc nói.

Cam kết vượt tỷ lệ giải ngân trên 95%

Chỉ tiêu giải ngân vốn của TCIP trong năm 2022 là 6.000 tỉ đồng, trong đó có 2.000 tỉ là vốn dành cho công tác giải phóng mặt bằng, 1.000 tỉ cho các dự án khởi công mới, 500 tỉ vốn vay ODA. Số vốn 3.500 tỉ đồng cho nhóm dự án này đều có kế hoạch giải ngân rơi vào quý 4. Nhóm dự án xây lắp có khoảng 2.500 tỉ gồm 1.500 tỉ vốn vay ODA, ngân sách là 1.000 tỉ đồng.

Ông Lương Minh Phúc thông tin thêm: Đến nay, TCIP đã giải ngân 1.500 tỉ đồng trong nhóm các dự án xây lắp, chỉ còn 1.000 tỉ. Đây là các dự án có tỷ lệ giải ngân tăng đều nên đang được đẩy nhanh tiến độ thi công song song với tiến độ giải ngân vốn, đảm bảo giải ngân hết 100% từ nay đến cuối năm. “Ba năm vừa qua, Ban Giao thông đều đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%. Năm nay, chúng tôi vẫn cam kết vượt tỷ lệ giải ngân trên 95% vào thời điểm trước 31.12”, ông Phúc khẳng định.

Theo Kho bạc Nhà nước TP.HCM, bên cạnh nhiều dự án hạ tầng, giao thông lớn hiện có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, tại TP.HCM còn rất nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân 0% như Bệnh viện Nhi đồng TP; Cụm kinh tế Tân Kiên ở H.Bình Chánh; Trung tâm triển lãm quy hoạch TP; Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch... Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi lo ngại nếu không tháo gỡ được vấn đề chi đầu tư công, giải ngân chậm thì không dẫn dắt được đầu tư xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của TP. Vì thế, ông đề nghị lãnh đạo các sở, ngành tập trung phân tích về tỷ lệ giải ngân “rất thấp” và thảo luận thêm về công tác cải cách hành chính, sự phối hợp giữa các quận huyện với sở ngành, công tác quy hoạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.