Ngân sách quốc phòng Đức 'còn lâu' mới đạt mục tiêu của NATO

05/12/2022 20:33 GMT+7

Một nghiên cứu gần đây cho thấy ngân sách quốc phòng thường niên của Đức còn lâu mới đạt được mục tiêu 2% GDP do NATO đề ra.

Các quân nhân Đức trong một cuộc tập trận vào ngày 17.10

afp

Báo Rheinische Post ngày 4.12 trích dẫn một báo cáo của Viện Kinh tế Đức có trụ sở tại Cologne cho biết Berlin sẽ không thể đạt mục tiêu đưa ngân sách quốc phòng đạt 2% GDP, mức do NATO đề ra, cho đến năm 2026. Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả sự xuất hiện của quỹ đặc biệt dành cho quốc phòng trị giá 100 tỉ euro (khoảng 106 tỉ USD) hồi đầu năm nay cũng không thể thay đổi tình hình.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo, mục tiêu “cách rất xa, ngay cả những hoạt động mua sắm trong thời gian ngắn cũng không giúp cải thiện”. Nghiên cứu chỉ ra việc giá cả tăng lên gần đây cũng như sự chậm trễ trong việc sản xuất thiết bị quân sự khiến Berlin không đạt được mục tiêu. Để đạt được mức mong muốn, chính phủ Đức sẽ cần tăng ngân sách quốc phòng thường xuyên “ít nhất 5%”, báo cáo ước tính.

Ngân sách quốc phòng Đức 'còn lâu' mới đạt mục tiêu của NATO

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 27.2 đã cam kết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng chỉ vài ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo NATO, Đức dự kiến chi một khoản tương đương 1,44% GDP cho quốc phòng vào năm 2022.

Trước đó, Đức đã nhiều năm từ chối tăng chi tiêu quân sự của mình lên bằng mục tiêu của NATO dù đối mặt với áp lực từ Mỹ. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần chỉ trích Berlin, nhấn mạnh rằng “Đức là một quốc gia giàu có, và họ phải trả tiền”.

Bloomberg ngày 5.12 trích dẫn một “tài liệu của chính phủ” cho biết nội các của ông Scholz đã dành 10 tỉ euro (10,5 tỉ USD) để mua 35 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35A Lightning II của Mỹ. Theo bài báo, Berlin có kế hoạch dùng quỹ quốc phòng 100 tỉ euro để mua những chiếc máy bay này và các máy bay đầu tiên dự kiến được giao hàng vào năm 2026.

Tuy nhiên, AFP dẫn lại một bức thư mật gửi ủy ban ngân sách của quốc hội Đức cho biết Bộ Quốc phòng nước này lo ngại về "sự chậm trễ và chi phí bổ sung" trong thương vụ. Bức thư cũng nghi ngờ việc Berlin có thể thực hiện các nâng cấp cần thiết cho căn cứ không quân Buechel, nơi dự kiến tiếp nhận các máy bay phản lực mới, kịp thời điểm chúng được đưa đến hay không.

Pháp, Đức nói gì về tương lai quan hệ với Nga sau khi kết thúc xung đột Ukraine?

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một số chuyên gia và chính trị gia Đức đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về những bất cập nghiêm trọng của lực lượng vũ trang (Bundeswehr). Vào năm 2019, một báo cáo của quốc hội tiết lộ rằng chưa đến 50% xe tăng, tàu và máy bay Đức trong trạng thái sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào. Các nghị sĩ cũng cảnh báo về tình trạng quan liêu quá mức trong quân đội Đức cũng như việc lực lượng này không thu hút được tân binh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.