Ngân sách nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng với giáo dục ĐH

Quý Hiên
Quý Hiên
14/05/2023 07:47 GMT+7

Mặc dù với nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng các nghiên cứu về giáo dục ĐH đều thống nhất rằng đầu tư tài chính từ ngân sách nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng để thúc đẩy các trường ĐH phát triển và nâng cao chất lượng.


NHIỀU NƯỚC CHÂU ÂU, NGUỒN TỪ NSNN LÊN TỚI 90%

Trong một hội nghị về tự chủ ĐH được tổ chức ở TP.HCM hồi tháng 4, TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, vẫn cho rằng xu hướng thế giới về đầu tư tài chính cho giáo dục ĐH (GDĐH) đổi mới theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước (NSNN) và cho phép các trường ĐH chủ động tìm kiếm nguồn thu mới, đa dạng hóa các nguồn lực thu hút từ xã hội (doanh nghiệp, người học) và điều chỉnh chi tiêu, quản lý tài chính hiệu quả. Mặc dù vậy, nguồn tài trợ từ NSNN vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng.

Ngân sách nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng  - Ảnh 1.

Tỷ trọng chi NSNN cho GDĐH hiện mới chỉ đạt khoảng 0,27% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên, xu hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào NSNN xuất phát từ bối cảnh GDĐH châu Âu vốn được hưởng đầu tư công rất lớn. Một nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Thương mại cũng cho biết, mặc dù với nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng các nghiên cứu về GDĐH đều thống nhất rằng, đầu tư tài chính từ NSNN đóng vai trò vô cùng quan trọng để thúc đẩy các trường ĐH phát triển và nâng cao chất lượng.

Đa số các trường ĐH châu Âu (ngoại trừ một số nước như Anh, Ireland...), nguồn NSNN chiếm từ 70 - 80% nguồn thu. Thậm chí, một số nước như Iceland, Đan Mạch, Na Uy chi từ NSNN chiếm trên 90% nguồn thu của các trường ĐH. Ở một số nước như Anh, Ireland, Rumani, Bồ Đào Nha, do nguồn tài trợ từ chính phủ thấp hơn, các trường có xu hướng chia sẻ chi phí sang người học hoặc tìm kiếm các nguồn tài trợ bổ sung khác.

HỌC PHÍ CỦA ĐH HÀNG ĐẦU TRUNG QUỐC THẤP HƠN VN

Cũng trong một hội thảo về tự chủ ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã đặt câu hỏi: "Vấn đề về chủ trương cắt chi thường xuyên cho các trường ĐH tự chủ là có theo thông lệ quốc tế hay không?". Nhìn sang nước kề bên (Trung Quốc), 2 trường ĐH hàng đầu của họ là ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh có mức thu học phí bậc đào tạo cử nhân cho năm học 2018 khoảng trên dưới 18 triệu, thấp hơn so với mức thu học phí của các trường tự chủ ở VN. Tuy nhiên, mức lương trung bình hằng tháng của các giáo sư ở 2 trường ĐH này ước tính khoảng 82 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các đồng nghiệp ở VN. Con số này cho thấy mức đầu tư công cho GDĐH ở Trung Quốc là rất lớn.

Cũng theo PGS-TS Vũ Hải Quân, quá trình thực hiện tự chủ ĐH ở VN đặt ra 3 thách thức rất lớn liên quan đến tài chính ĐH, mà nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ thì sẽ giới hạn cơ hội tiếp cận GDĐH của một bộ phận không nhỏ sinh viên (SV) có hoàn cảnh khó khăn, sẽ khiến các trường ĐH chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển quốc gia, gồm: không còn được đảm bảo nguồn chi từ NSNN; chưa có chính sách tín dụng phù hợp cho SV vay; chưa đa dạng hóa được các nguồn thu.

Ngân sách nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng với giáo dục ĐH
 - Ảnh 2.

XEM XÉT LỘ TRÌNH NÂNG TỶ TRỌNG CHI CHO GDĐH

Bà Hoa cũng thừa nhận mức đầu tư công cho GDĐH của VN còn hạn chế, chỉ đạt từ 4,33 - 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực GD-ĐT. So sánh tỷ trọng chi NSNN cho GDĐH VN/GDP giai đoạn 2018 - 2020 cho thấy tỷ trọng chi NSNN cho GDĐH hiện mới chỉ đạt khoảng 0,27% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.

Tiêu chí phân bổ NSNN cho các cơ sở GDĐH hiện mới chỉ dựa trên khả năng của ngân sách và các yếu tố đầu vào (quy mô, số lượng SV; số lượng nhân viên; lịch sử phân bổ NSNN các năm trước…) mà chưa gắn với tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra hoặc các chính sách về đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Việc phân bổ ngân sách thông qua các cơ quan chủ quản khác nhau nên không có sự thống nhất về tiêu chí, chưa thực sự công bằng trong thụ hưởng.

Mức học phí cần thu của SV cần được xác định trên cơ sở tổng chi phí đào tạo bình quân trừ đi khoản kinh phí hỗ trợ của nhà nước, để bảo đảm chất lượng đào tạo. Nhà nước mở rộng phạm vi, đối tượng và giá trị hỗ trợ, cho vay đối với học sinh, SV. Ngoài ra, xem xét xây dựng lộ trình nâng tỷ trọng NSNN chi cho GDĐH tính trên GDP bắt kịp với các nước trong khu vực; đầu tư tập trung cho một số cơ sở GDĐH mạnh, nhất là trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để hình thành một số cơ sở GDĐH đẳng cấp quốc tế, tiên phong, có vai trò, nhiệm vụ dẫn dắt hệ thống, tạo động lực dẫn dắt, phát triển khoa học - công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.