Ngân hàng Việt xuất ngoại

22/01/2016 06:13 GMT+7

Song hành cùng phát triển giao thương của doanh nghiệp, ngân hàng Việt những năm gần đây đã 'xuất ngoại' sang các nước trong khu vực, đặc biệt là Lào và Campuchia.

Song hành cùng phát triển giao thương của doanh nghiệp, ngân hàng Việt những năm gần đây đã 'xuất ngoại' sang các nước trong khu vực, đặc biệt là Lào và Campuchia.

Khách hàng giao dịch tại SHB Lào - Ảnh: Anh VũKhách hàng giao dịch tại SHB Lào - Ảnh: Anh Vũ
Mở ngân hàng con
Vài năm trước khi đến Lào, người ta chỉ thấy thấp thoáng bóng dáng của duy nhất Ngân hàng Liên doanh Lào Việt. Giờ đây, dọc theo đại lộ Lanexang (khu đất vàng tại thủ đô Vientiane của Lào) đã có mặt trụ sở của nhiều ngân hàng Việt khác như Ngân hàng TNHH Sài Gòn - Hà Nội Lào (vừa được khai trương); Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) Lào.
Tọa lạc trên đường Hengboun ở Vientiane, Ngân hàng TNHH Sài Gòn Thương tín Lào (Sacombank Lào) cũng đang tích cực tung ra các sản phẩm cho vay mới ưu đãi, lãi suất đầy cạnh tranh cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà đầu tư vào Lào (AVIL), đến nay vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt tại Lào đã lên tới con số 5,22 tỉ USD với 261 dự án. VN đang đứng thứ 2 các nước có vốn đầu tư vào Lào với nhiều dự án hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp nhiều mặt cho kinh tế - xã hội của nước sở tại như khai thác và chế biến cao su; sản xuất đường, phân vi sinh, thủy điện; khai thác và chế biến khoáng sản...
Lào đứng vị trí thứ nhất trong tổng số 55 nước và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp VN. Về thương mại, VN hiện là bạn hàng lớn thứ ba của Lào (sau Thái Lan và Trung Quốc) với kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều tăng liên tục qua các năm có những bước tăng trưởng vượt bậc, với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 24%, riêng năm 2011 tăng trưởng trên 40%.
Dự kiến năm 2015 kim ngạch 2 chiều sẽ đạt mốc 2 tỉ USD. Các yếu tố này đã thu hút các ngân hàng Việt đầu tư sang Lào. Thị trường tài chính Lào đang có sự xuất hiện của 5 ngân hàng Việt bao gồm Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, Sacombank, SHB, VietinBank và MB. Các ngân hàng con này có vốn điều lệ từ 39 - 50 triệu USD, cụ thể Sacombank Lào 39 triệu USD, SHB Lào 50 triệu USD, Vietinbank Lào 50 triệu USD…
Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB kiêm Chủ tịch HĐQT SHB Lào cho biết: “Việc nâng cấp chi nhánh SHB lên ngân hàng con tại Lào nhằm mở rộng mạng lưới chi nhánh và triển khai thêm các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Dự kiến trong 5 năm tới, SHB Lào sẽ nghiên cứu mở 15 điểm giao dịch, trong đó có ít nhất 5 chi nhánh, sở giao dịch, xây dựng hệ thống nhân sự hơn 300 cán bộ nhân viên trình độ cao”.
Sacombank cũng có chiến lược từng bước mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch đến khắp các khu vực trọng điểm kinh tế của Lào, nghiên cứu phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp với đặc thù văn hóa mỗi vùng miền, đầu tư hạ tầng công nghệ hiện đại để triển khai các sản phẩm dịch vụ tiện ích như Mobile Banking, Internet Banking…
Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cũng không giấu tham vọng thời gian tới sẽ xin phép Ngân hàng Trung ương Lào để mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch tại các địa bàn tiềm năng như Savanakhet, Bolikhamsay, Luang Prabang. Trong năm 2017, tòa nhà VietinBank Lào (tại đại lộ Lanexang, Vientiane) với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD dự kiến đưa vào sử dụng. Ông Thọ cho biết đây là bàn đạp để VietinBank chuẩn bị nguồn lực tài chính, con người, công nghệ và quyết tâm mở rộng quy mô thị trường với mục tiêu trở thành ngân hàng tầm cỡ khu vực vào năm 2017.
Hấp dẫn hơn VN
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đào tạo cán bộ BIDV, hiện nhiều ngân hàng lớn của VN đều mở rộng đầu tư và sự hiện diện sang các nước ASEAN, đặc biệt là Lào và Campuchia. “Nhiều ngân hàng đang làm ăn rất tốt tại thị trường Lào, lợi nhuận hấp dẫn hơn ở VN. Đây là biểu hiện trước mắt khá phấn khởi cho ngành tài chính ngân hàng trong hội nhập”, ông cho biết.
Số liệu cho thấy SHB Lào có tổng tài sản 128,95 triệu USD, dư nợ đạt 44,35 triệu USD. Riêng trong năm 2015, doanh số thanh toán quốc tế và kiều hối đạt 40,75 triệu USD, doanh số kinh doanh ngoại tệ đạt 138,79 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt 1,15 triệu USD. Theo kế hoạch, SHB Lào sẽ đạt được lợi nhuận 9,15 triệu USD trong 5 năm tới.
Trong khi đó, tính đến ngày 30.11.2015, Sacombank Lào có tổng huy động vốn đạt 1.679,96 tỉ đồng (77,571 triệu USD), tổng dư nợ cho vay là 1.438,32 tỉ đồng (66,414 triệu USD), lợi nhuận trước thuế đạt 34,310 tỉ đồng (1,584 triệu USD). Sacombank Lào phục vụ 3.610 khách hàng giao dịch, trong đó có 394 doanh nghiệp và 3.216 cá nhân. Chưa hết, chi nhánh Sacombank Campuchia được cấp giấy phép lên ngân hàng con vào năm 2011 và đến nay, Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang cho biết Sacombank Campuchia hoạt động rất hiệu quả, mỗi năm có lợi nhuận vài triệu USD. Đối với Campuchia, khách hàng đón nhận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng thậm chí còn tốt hơn so với Lào.
Mang chuông đi đánh xứ người chưa bao giờ là việc làm dễ dàng, đặc biệt đối với lĩnh vực nhạy cảm và khó như ngân hàng. Nhưng trước ngưỡng cửa hội nhập, việc các ngân hàng xuất hiện ở các nước trong khu vực cho thấy ngân hàng Việt đã chuẩn bị cho sự hội nhập, nâng cao vị thế, phân tán rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động...
Ngoài Lào, một số thị trường khác trong khu vực ASEAN đang thu hút các ngân hàng Việt là Campuchia và Myanmar.
Tại Campuchia đang có sự hiện diện của các ngân hàng như BIDV, Sacombank, MB và Agribank trong khi HDBank và BIDV đã nhanh chân “tiến chiếm” thị trường Myanmar.
Khách hàng mà các ngân hàng Việt hướng đến là doanh nghiệp Việt đầu tư kinh doanh tại những thị trường này, doanh nghiệp, cá nhân bản địa và giới kiều bào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.