Ngân hàng 'trúng đậm' từ dịch vụ bảo hiểm

Thanh Xuân
Thanh Xuân
20/03/2021 06:17 GMT+7

Việc phân phối bảo hiểm của các ngân hàng đã mang lại thu nhập lớn cho các nhà băng. Điều này lý giải vì sao các ngân hàng liên tục ký kết với các công ty bảo hiểm phân phối sản phẩm bảo hiểm qua mạng lưới.

Thu ngàn tỉ từ bán bảo hiểm

Ngân hàng (NH) TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential Việt Nam) vừa ký kết hợp tác chiến lược kinh doanh bảo hiểm qua NH. Thỏa thuận độc quyền này dự kiến triển khai từ tháng 4 và kéo dài trong 15 năm.
Theo đó, NH sẽ giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm (Bancassurance) của Prudential qua mạng lưới 263 chi nhánh và phòng giao dịch trên 51 tỉnh thành. Từ năm 2013, hai bên đã triển khai hợp tác áp dụng dòng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trên một số địa bàn trong hệ thống của MSB.
Doanh thu phí bảo hiểm đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm là 34% tính từ năm 2014 - 2020 và MSB luôn nằm trong top 10 doanh số của thị trường Bancassurance. Riêng doanh thu thuần từ bảo hiểm nhân thọ năm 2020 tăng trưởng hơn 2 lần so với năm 2019. Tỷ lệ duy trì hợp đồng năm 2 tại MSB luôn nằm trong nhóm cao trên thị trường, đạt trên 80%.
Hai bên đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh số dịch vụ bảo hiểm đạt mức bình quân khoảng 30%/năm. Tỷ lệ thu thuần từ bảo hiểm có thể chiếm 30 - 40% trong tổng doanh thu từ phí dịch vụ đối với NH bán lẻ. Lĩnh vực này sẽ là yếu tố dẫn dắt cho các khoản lợi nhuận từ dịch vụ cho NH trong thời gian tới, khi các mảng thu từ phí khác có khả năng thu hẹp do thị trường ngày càng cạnh tranh hơn.
Ngon ăn nên ngày càng có nhiều thương vụ hợp tác giữa NH và bảo hiểm. Các nhà băng cũng ghi nhận những khoản thu nhập khá lớn đến từ dịch vụ này. Chẳng hạn, thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm mang về cho MB trong năm 2020 gần 5.850 tỉ đồng, tăng hơn 39% so với năm 2019 và thu từ kinh doanh bảo hiểm chiếm hơn 71% tổng thu nhập dịch vụ của MB. Thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm tại VPBank cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong khoản thu từ hoạt động dịch vụ trong năm 2020, với hơn 2.575 tỉ đồng.
Là một trong những NH có thỏa thuận độc quyền hợp tác lớn, lãi thuần hoạt động dịch vụ này của Vietcombank năm 2020 tăng 53,4% so với 2019, đạt 6.608 tỉ đồng. Mức tăng đột biến nhờ vào phí Bancassurance trả trước trong quý 4/2020 từ thỏa thuận độc quyền ký kết với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam, lên gần 1.500 - 1.800 tỉ đồng. Ở các nhà băng khác, Bancassurance đóng góp hơn 41% nguồn thu của VIB trong năm qua, thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm đạt trên 1.217 tỉ đồng, tăng 9,5% so với 2019, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục trong 4 năm qua. Thu nhập phí bảo hiểm của Eximbank trong năm 2020 được đánh giá là mảng then chốt, mang lại cho NH này 112 tỉ đồng, tăng trưởng 23%, góp phần đưa mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ năm 2020 lên 20%, tăng cao nhất trong 4 năm gần đây.
Cũng vì nguồn lợi lớn, cạnh tranh bán bảo hiểm tại các NH ngày càng sôi động. Nhân viên NH đua nhau mời chào khách hàng mua bảo hiểm khi đến giao dịch. Thậm chí, trong một lần làm hồ sơ thủ tục vay vốn NH, chị Võ Thu (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) dự định bồi dưỡng cho nhân viên làm hồ sơ nhưng nhân viên này từ chối và nói: “Chị giúp em thì mua thêm hợp đồng bảo hiểm là được ạ”. Theo tìm hiểu, các nhân viên NH mang về hợp đồng bảo hiểm được phần hoa hồng cũng như được đánh giá năng suất làm việc hiệu quả hơn. Do đó dễ dẫn đến trường hợp “chèo kéo”, “ép buộc” người vay mua bảo hiểm.

“Con gà đẻ trứng vàng”

Trong Báo cáo triển vọng thị trường 2021 do Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố đầu tháng 1.2021 cho thấy tỷ trọng phí thu từ kênh Bancassurance trong tổng phí bảo hiểm đã tăng từ 5% năm 2012 lên hơn 30% trong 9 tháng 2020. Nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia như 72% ở Tây Ban Nha, 70% ở Ý, 60% ở Pháp. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của kênh phân phối Bancassurance vẫn còn rất lớn.
Trước sự phát triển khá mạnh từ các dịch vụ Bancassurance, cuối năm 2020, Cơ quan Thanh tra giám sát NH thuộc NH Nhà nước có công văn nhắc nhở các NH về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó lưu ý rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống.
Xử lý nghiêm những trường hợp "ép", bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng. Các NH phải chào bán, giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của NH cho khách hàng có nhu cầu và giúp khách hàng hiểu đúng, đủ quyền và lợi ích, các điều kiện, điều khoản thanh toán của hợp đồng bảo hiểm...
Thực tế, thị trường bảo hiểm năm 2020 tăng trưởng khá mạnh. Theo Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 ước đạt 184.662 tỉ đồng, tăng 15% so với 2019. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 57.102 tỉ đồng, tăng 8% so với 2029; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.560 tỉ đồng, tăng 19,6%.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhận xét: Hiện nay hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vào khoảng 11 triệu hợp đồng, trong khi dân số gần 100 triệu dân, một số trường hợp có vài hợp đồng, điều này có nghĩa số hợp đồng hiện nay chỉ chiếm 10% dân số. Hơn nữa, tầng lớp trung lưu là đối tượng tham gia bảo hiểm nhiều nhất cũng có tỷ lệ gia tăng nhanh, nên tiềm lực và dư địa cho dịch vụ bảo hiểm vẫn còn khá lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.