Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động

Thanh Xuân
Thanh Xuân
14/12/2021 06:22 GMT+7

Áp lực lạm phát, tiền gửi cá nhân giảm, nhu cầu vốn cuối năm tăng... khiến các nhà băng rục rịch tăng lãi suất huy động.

Tiền gửi cá nhân giảm

Từ cách đây gần nửa tháng, lãi suất huy động tiền đồng của nhiều ngân hàng (NH) tăng từ 0,1 - 0,5%/năm. Chẳng hạn, SCB tăng lãi suất huy động online 0,2% ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, dao động từ 7,05 - 7,15%/năm; Eximbank tăng từ 0,1 - 0,3%/năm và mức lãi suất huy động cao nhất là 6%/năm cho kỳ hạn 15 tháng; OCB tăng 0,2%/năm, mức lãi suất cao nhất là 6,15%/năm ở kỳ hạn 36 tháng; lãi suất tiết kiệm của GBBank tăng thêm 0,5 %/năm ở nhiều kỳ hạn, mức cao nhất 6,5%/năm ở kỳ hạn 13 tháng. Lãi suất huy động tiền đồng ở mức cao nhất trên thị trường hiện nay là 7%/năm thuộc về VRB cho kỳ hạn 24 tháng. Riêng gửi online, lãi suất được các nhà băng cộng thêm 0,1 - 0,2% so với gửi ở quầy. Nhìn chung lãi suất huy động tiết kiệm trung bình của các NH ở kỳ hạn 1 tháng từ 2,5 - 3%/năm, dưới 6 tháng từ 3,5 - 6%/năm, 12 tháng từ 5,5 - 6,5%/năm…

Lạm phát tại VN vẫn ở mức thấp và trong vòng kiểm soát của nhà nước. Lãi suất trong thời gian tới sẽ không tăng khi lạm phát vẫn ở mức thấp.

TS Nguyễn Đức Độ

Có một thực tế hiện nay là do mặt bằng lãi suất huy động thấp khiến dòng vốn chảy vào NH cũng chậm hơn. Nếu như cuối tháng 9 tiền gửi dân cư tăng 166.000 tỉ đồng so với đầu năm, lên 5,291 triệu tỉ đồng, thì từ tháng 6 trở đi, con số này liên tục sụt giảm từ 1.000 - 3.000 tỉ đồng qua các tháng. Một số điểm giao dịch NH cho hay việc huy động vốn vào những tháng cuối năm khó khăn hơn khi lãi suất thấp, thậm chí có xu hướng người gửi tiền đến hạn lại rút ra. Việc giữ khách hàng cũ đã khó, nói gì đến mời chào người mới gửi. Trong bối cảnh đó, nhu cầu vốn của khách hàng dịp cuối năm lại tăng cao. Rồi nhiều nhà băng mới được tăng tỷ lệ tín dụng nên đang cần đẩy mạnh hoạt động cho vay.

Lãi suất huy động tiền đồng rục rịch tăng

Ngọc Thắng

Chẳng hạn như huy động vốn của Vietcombank tính đến quý 3 tăng khoảng 7,4% nhưng cho vay tăng 11%; Techcombank cho vay tăng hơn 15%, còn huy động tăng 14%... Tính đến cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 10 triệu tỉ đồng, tăng 8,72% so với cùng kỳ.

Thế nhưng chưa đầy 1 tháng sau, tăng trưởng tín dụng đã lên 10,1% so với cuối năm 2020. Mới đây, hàng loạt NH đã được NH Nhà nước tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng sau khi chạm mức được giao như TPBank, Techcombank, MSB, MBB, VIB, VPBank, Vietcombank, OCB, ACB, VietinBank, BIDV… Theo nhà điều hành, tín dụng chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn là chủ yếu.

Lãi suất tăng chỉ là tạm thời

Ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nhận xét việc tăng lãi suất huy động của các NH gần đây là giải quyết nguồn vốn cho tín dụng cuối năm. Khi các nhà băng được tăng hạn mức tín dụng, họ sẽ cố gắng giải ngân hết trong năm nay để có thể qua năm sau xin được cấp tín dụng cao hơn. Van tín dụng được mở thì cung ứng vốn từ nhà điều hành sẽ phải đồng bộ tăng lên, nếu không tình trạng tăng lãi suất huy động tất yếu xảy ra.

“Có thể NH Nhà nước lo ngại lạm phát nên chưa đưa tiền ra nhiều, các NH tạm thời thiếu hụt vốn. Đặc biệt các hoạt động giải ngân vốn đầu tư công vào cuối năm hay diễn ra ồ ạt, trong khi một số ngân hàng lớn nhận tiền gửi ngân sách nhà nước nên áp lực thanh khoản gia tăng, đẩy lãi suất huy động rục rịch đi lên”, ông Chí giải thích.

Room tín dụng được mở để thúc đẩy kinh tế phục hồi sau nhiều tháng ảnh hưởng dịch Covid-19, chính vì vậy mà việc điều chỉnh lãi suất sẽ có tác động đến kinh tế. Ông Lê Đạt Chí nhận định việc tăng lãi suất huy động gần đây chỉ là tạm thời, qua năm 2022 sẽ ổn. Nhiều quan điểm cho rằng lạm phát tăng sẽ khiến lãi suất đi lên. Nhưng nhiều tháng qua, lạm phát xuất hiện ở các nước lớn trên thế giới. Đơn cử như Mỹ, lạm phát đã ở mức cao nhất trong gần 40 năm trở lại đây nhưng họ vẫn không tăng lãi suất. Nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng đến từ chuỗi cung ứng, làm cho chi phí hàng hóa tăng. Thế nên các nước bình tĩnh đối mặt với lạm phát mà chưa tăng lãi suất, ngược lại lãi suất thực âm ngày càng lớn.

“Nếu lãi vay của VN mà tăng là thua, tự đẩy DN sản xuất gặp khó khăn khi tiếp cận vốn giá cao. Dòng tín dụng NH hiện nay vẫn đang chảy vào hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh là chính. Sau khi mở cửa, cán cân thương mại đã thặng dư, việc xuất khẩu của DN khởi sắc, kinh tế đang trên đà phục hồi mà tăng lãi suất chẳng khác nào gây khó cho DN, cho nền kinh tế”, ông Lê Đạt Chí nhận xét.

Lý giải dòng tiền gửi của khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm sụt giảm, TS Nguyễn Đức Độ, Viện trưởng Học viện Tài chính, cho rằng mặt bằng lãi suất huy động thấp khiến cho dòng vốn chảy ra khỏi NH, vào tài sản khác như bất động sản chỉ là một phần. Sau thời gian thực hiện giãn cách, nhiều người dân có thu nhập giảm nên họ phải rút tiền ra trang trải cuộc sống, hoặc thu nhập người lao động sụt giảm nên phần tiết kiệm cũng giảm đi.

Theo đánh giá của vị TS này, lãi suất huy động tăng hiện nay chỉ là mùa vụ. Cuối năm nhu cầu vay vốn của tổ chức, cá nhân tăng nên các NH cố gắng huy động để cho vay. Yếu tố lạm phát đẩy lãi suất tăng vào thời điểm hiện nay là chưa có.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.