Dự luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi):

Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

Mai Hà
Mai Hà
09/05/2023 16:48 GMT+7

Dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bổ sung quy định một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả sẽ xếp vào diện được Ngân hàng Nhà nước "can thiệp sớm".

Chiều 9.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), gồm 13 chương, 195 điều.

Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

QUOCHOI

Tăng thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật ngân hàng

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay, mục tiêu xây dựng luật này là có quy định để kịp thời xử lý khi tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản, cũng như các biện pháp đặc biệt để xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

"Việc xây dựng dự án luật này nhằm sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của NHNN, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo", bà Hồng nhấn mạnh.

Tại điều 191, dự thảo luật bổ sung quy định mới về thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, giám sát. Theo đó, NHNN được quyền "điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng" và "Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật".

Thẩm tra sơ bộ, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể hơn và thể hiện rõ mục đích của dự án luật trong việc tăng cường chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng gắn với trách nhiệm cụ thể.

Theo ông Thanh, cần làm rõ căn cứ bổ sung thẩm quyền của NHNN về "điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng". 

Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt - Ảnh 2.

Quốc hội thảo luận về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 9.5

QUOCHOI


Can thiệp sớm khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

Đáng chú ý, dự thảo luật bổ sung, sửa đổi quy định khi một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả sẽ xếp vào diện được NHNN "can thiệp sớm". Ngân hàng nào có lỗ lũy kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ cũng sẽ vào nhóm này.

"Cho vay đặc biệt" với lãi suất 0% 1 năm là một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này. Dự thảo cũng bổ sung thẩm quyền NHNN trong việc hạn chế quyền quyết định hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm pháp luật.

Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát các trường hợp quy định của việc can thiệp sớm để phản ánh đúng bản chất. Theo ông Thanh, can thiệp sớm theo quy định của dự thảo luật thực chất là xử lý tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ chứ không phải từ những dấu hiệu cảnh báo khó khăn.

"Các biện pháp can thiệp sớm chưa thấy rõ vai trò, trách nhiệm của cổ đông, thành viên góp vốn để khắc phục vấn đề trong khi sử dụng gián tiếp nhiều nguồn lực của Nhà nước", ông Thanh nói và đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa đồng bộ giữa các biện pháp.

Riêng trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, Ủy ban Kinh tế thấy các biện pháp nêu tại dự thảo luật chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ bên ngoài chủ yếu từ NHNN mà chưa có những biện pháp tự thân của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát của NHNN đối với việc triển khai các phương án với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm.

Thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, thị trường tiền tệ xuất hiện rủi ro tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống. Đặc biệt, đầu tháng 10.2022, sự kiện Tập đoàn An Đông và một số lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố điều tra về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các đối tượng này đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu cùng với các tin đồn trên mạng đã khiến người dân xếp hàng để rút tiền khỏi Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cũng như yêu cầu ngân hàng này mua lại trái phiếu do Tập đoàn An Đông phát hành. Sự việc xảy ra khiến SCB rơi vào tình trạng khó khăn.

Ngày 8.10.2022, NHNN đã đặt SCB vào kiểm soát đặc biệt. Khi sự cố SCB và cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn ra, thanh khoản của hệ thống ngân hàng một số thời điểm có dấu hiệu căng thẳng cục bộ, đặc biệt là tại các ngân hàng nhỏ.

Ủy ban Kinh tế nêu một số ý kiến cho rằng, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề rất đáng lo và đề nghị Chính phủ, NHNN đánh giá việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.