Ngân hàng ‘méo mặt’ phát mại bất động sản, ô tô

Anh Vũ
Anh Vũ
17/09/2020 10:36 GMT+7

Ngấm đòn dịch Covid-19 , nhiều cá nhân và doanh nghiệp “bí” tiền trả nợ, buộc các ngân hàng phải rao bán hàng loạt bất động sản, nhà cửa, dây chuyền sản xuất, ô tô…

Ồ ạt phát mại, đấu giá

Thông báo mới nhất từ Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) Thái Bình cho biết, chi nhánh này bán đấu giá một chiếc xe khách giường nằm 41 chỗ, sản xuất năm 2008 nhãn hiệu Daewoo, biển số 17K-9739, của Công ty CP thương mại Xây dựng bận tải Anh Đạt với giá khởi điểm 196 triệu đồng.
VietinBank Chi nhánh Lê Chân (Hải Phòng) đấu giá 12 xe đầu kéo đã qua sử dụng, 10 sơ mi rơ moóc là tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hồng Phúc, với giá khởi điểm 5,7 tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng vừa thông báo bán đấu giá tài sản xe ô tô Mercedes-Benz S400, biển số 30E-997.33. Dòng xe này nếu đập hộp, giá quanh ngưỡng 4 tỉ đồng. Với năm sản xuất 2016, giá khởi điểm chiếc xe được rao hơn 2,4 tỉ đồng. Thời gian đấu giá diễn ra trong 2 ngày 21 và 22.9.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cũng đăng tải thông tin bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty CP Ngọc Mekong. Tài sản được phát mại gồm: quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại TX.Kiến Tường, tỉnh Long An với diện tích sử dụng 143.178,3 m2; nhà xưởng, máy móc thiết bị của Công ty Ngọc Mekong.
Vietcombank cho biết, tất cả tài sản này đều đã được Cục thi hành án dân sự tỉnh Long An kê biên. Tổng giá khởi điểm của lượng tài sản trên là hơn 78 tỉ đồng, chưa bao gồm giá trị gia tăng, chi phí vận chuyển...

Ngày nào các ngân hàng cũng phải rao bán, phát mại tài sản

Ảnh chụp màn hình

Khó bán

Trao đổi với Thanh Niên, Giám đốc Ban quản lý và xử lý nợ có vấn đề của 1 ngân hàng cổ phần tại Hà Nội, cho biết thời điểm này bán phát mại tài sản không dễ. Nguyên nhân do dịch Covid-19, thu nhập của người dân bị sụt giảm, cầu tiêu dùng cũng giảm theo. Nhiều tài sản, bất động sản dù được rao giá khởi điểm khá thấp nhưng không có hồ sơ nào được nộp.
Trong khi đó, nhiều người dân chưa mặn mà với loại hình tài sản thế chấp tại các ngân hàng do lo ngại thủ tục rắc rối.
“Kể ra mua được giá rẻ cũng có lợi, nhưng để làm tất cả các thủ tục từ đấu giá, giải chấp, đăng ký lại… cũng rất mất thời gian”, ông N.V.L (Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) chia sẻ.
Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ tiếp tục phải phát mãi tài sản nhiều hơn, do các khoản nợ được khoanh, giãn, cơ cấu lại sẽ đến hạn. Nếu không được cơ cấu tiếp, không có tiền trả, ngân hàng buộc phải bán để thu hồi nợ xấu.
“Nếu thủ tục đơn giản, nhanh chóng thì tài sản phát mại sẽ là 1 kênh thu hút được đông đảo người có nhu cầu tham gia”, chuyên gia này chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.