Ngân hàng cắt giảm chi phí để giảm lãi suất vay

Thanh Xuân
Thanh Xuân
12/08/2023 10:09 GMT+7

Đây là một trong những nhiệm vụ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề cập tại công văn 247 chỉ đạo các đơn vị trong ngành ngân hàng thực hiện triển khai những tháng cuối năm. Ngoài giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung tiết giảm chi phí, cắt giảm những thủ tục và các loại phí không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để có dư địa giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Các TCTD chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ.

Ngân hàng cắt giảm chi phí để giảm lãi suất vay - Ảnh 1.

Ngân hàng cắt giảm thêm chi phí để giảm lãi vay

NGỌC THẮNG

Thêm vào đó, nguồn vốn tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả,… Đồng thời, có giải pháp đẩy mạnh giải ngân hiệu quả chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ và 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023.

Các TCTD đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu. Thực hiện nghiêm các quy định về phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ tại tổ chức tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Ngoài ra, các TCTD tuân thủ các quy định, điều kiện của pháp luật về đại lý bảo hiểm và cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó lưu ý, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động đại lý bảo hiểm, chú trọng tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trong toàn hệ thống. Xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không bắt buộc theo quy định khi cấp tín dụng cho khách hàng và các hành vi vi phạm khác. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý phát hành trái phiếu, các cam kết thỏa thuận và hoạt động cung ứng dịch vụ khác liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Vấn đề và Giải pháp: Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.