Ngăn 'chảy máu' nguồn lực y tế công

16/06/2022 06:06 GMT+7

Sự dịch chuyển nhân lực y bác sĩ từ lĩnh vực công sang tư diễn ra lâu nay. Qua đại dịch đã xảy ra những căng thẳng, khó khăn ở hệ thống y tế công khiến người ta lo ngại thực trạng này sẽ càng gia tăng, ảnh hưởng đến người bệnh...

Sau đại dịch Covid-19, nhiều nhân viên y tế công lập “rệu rã” về thể xác, tinh thần đi xuống, đặc biệt là thu nhập giảm sút vì lương bổng cũng chưa thể ngày một, ngày hai kéo lại được. Bên cạnh đó, gần đây còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT), trang thiết bị y tế (TTBYT) ở các bệnh viện (BV) công. Các ý kiến lo ngại nhân viên y tế (NVYT), đặc biệt là bác sĩ (BS) có tay nghề cao sẽ “nản”, rời BV công sang tư với mức đãi ngộ cao, có đất “dụng võ” vì đầy đủ VTYT, TTBYT.

Nhân viên y tế công lập chịu rất nhiều áp lực nhưng chính sách chưa tương xứng, một số người phải rời bỏ y tế công

độc lập

Nghỉ vì lương bổng, đãi ngộ

Năm 2020, tại TP.HCM có 597 NVYT nghỉ việc, nhưng trong giai đoạn từ tháng 1 - 10.2021 có gần 1.000 người nghỉ việc. Qua phân tích, số lượng NVYT nghỉ việc tăng nhẹ ở khối điều dưỡng, BS ở trạm y tế. Lý do nghỉ việc chủ yếu xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, lý do cá nhân. Quý 1/2022, số NVYT nghỉ việc là 396 người, cao hơn quý 1/2021 (219 người). Phân tích trong 396 NVYT nghỉ việc thì có 268 người của các BV tuyến trên, số còn lại thuộc khối quận, huyện đến phường, xã (y tế cơ sở).

Y tế công cần cơ chế cởi trói để giảm áp lực cho bệnh viện và y bác sĩ, góp phần ngăn chặn tình trạng“chảy máu chất xám”

Nhật Thịnh

Lãnh đạo một BV công ở TP.HCM cho biết thời gian qua có một số BS của BV này xin nghỉ việc. Vị này cho rằng thực tế lương bổng, đãi ngộ của BV đi xuống nên BS nghỉ nhiều. Ở phía y tế tư nhân, lãnh đạo một khoa ở BV T. cho hay khi BV tư mới thành lập thì sẽ trả lương khá cao để mời gọi, thu hút BS giỏi từ BV công chuyển qua. Nhưng khi BV đã đi vào ổn định thì không ai lại “vung tiền qua cửa sổ”. Chiến lược của BV T. hiện nay là tuyển chọn BS nội trú để đào tạo, trả lương, vừa mang tính bền vững, vừa gắn kết sau này, vị trưởng khoa nói.

Đại diện một BV tư khác là BV S. cho biết hiện BV này đang có 4 - 5 hồ sơ BS từ BV công lập qua xin việc. Mỗi năm BV đều có nhu cầu tuyển dụng nhân sự có tay nghề cao, nhất là sau 2 năm dịch Covid-19, BV này có một số BS nghỉ việc do sức khỏe, hoặc đi BV khác. Vì vậy, trong lĩnh vực tư nhân cũng cạnh tranh khốc liệt về nhân sự có tay nghề cao chứ không riêng gì cạnh tranh giữa BV công lập và BV tư nhân.

Chính sách vẫn chưa tương xứng

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến nguồn thu của các BV tuyến TP trong thời gian qua. Làm việc ở BV công lập, tức là một viên chức, đồng lương rất quan trọng. Đứng ở góc độ nào đó, chính sách vẫn chưa tương xứng với NVYT. Như một BS mới ra trường và hành nghề (6 năm học đại học và 18 tháng thực hành), lương khởi điểm vẫn chỉ bằng người học 4 năm. Về điều này, Quốc hội đã tìm hiểu, nghiên cứu, chỉnh sửa và Bộ Y tế cũng đang đề xuất. Theo ông Thượng, việc NVYT nghỉ việc đã diễn ra lâu nay. Họ không phải bỏ việc mà chuyển từ công sang công, hoặc từ công sang tư vì điều kiện gia đình, cuộc sống, buộc phải tìm nơi có mức thu nhập cao hơn.

Một mặt khuyên các NVYT gắn bó với BV để có sự thuận lợi về lâu dài, mặt khác lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đề nghị lãnh đạo các BV quan tâm, tạo ra các hoạt động khác để NVYT gắn bó với BV chứ không chỉ là lương. Đó là môi trường làm việc tốt, có điều kiện học tập nâng cao, giảng dạy, nghiên cứu. Sở Y tế cũng vào cuộc, hơn 2 tháng qua, lãnh đạo sở đã có những buổi đối thoại trực tuyến với nhân viên các BV. Trong 2 tuần vừa qua, chủ đề nóng nhất là đấu thầu thuốc, VTYT, TTBYT, lãnh đạo Sở Y tế đã đối thoại trực tiếp với các trưởng khoa, phòng ở các BV để nắm bắt tâm tư, những khó khăn, vướng mắc ở BV công. Sự lo lắng, sợ hãi của những cán bộ làm công tác đấu thầu..., đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia, trấn an từ người đứng đầu Sở Y tế. Qua đó, Sở Y tế đã có chỉ đạo, giải pháp sát sao để các BV đấu thầu nhanh, đúng để họ an tâm công tác và đóng góp cho BV, cho ngành y tế, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Cần gỡ vướng cho bệnh viện công

Các chuyên gia y tế cho rằng, cần tạo hành lang pháp lý, gỡ vướng cho các BV công để BV công đảm bảo đầy đủ máy móc, phương tiện... để NVYT dễ làm việc, yên tâm công tác.

Giám đốc một BV đầu ngành tuyến T.Ư tại Hà Nội cho hay hiện nhiều TTBYT ở BV công là máy liên doanh, liên kết. Vừa qua, sau khi có ý kiến của các đoàn kiểm tra về mua sắm, quản lý giá, tỷ lệ chia phần kết dư giữa BV và đơn vị cung cấp máy, thì gần hết máy và TTBYT xã hội hóa phải “đắp chiếu”, do tính pháp lý yếu. Thiếu máy móc, nhiều bệnh nhân bị hẹn chờ phẫu thuật. Theo vị này, việc mua máy, TTBYT với BV công rất khó vì không có tiền và nếu có tiền mua cũng không biết đâu là giá thật của thiết bị...

Về hình thức liên doanh liên kết, các công ty đặt máy khai thác trong BV công có ý kiến từ đại diện BV tuyến T.Ư cho rằng “cũng rất vướng mắc” về giá dịch vụ. Giá dịch vụ gồm 7 yếu tố nhưng hiện giá thu thực tế mới được tính chi phí 4/7 yếu tố. Giá này đã xây dựng từ 20 năm trước, không còn phù hợp với thực tế. Giá thấp không vận hành được máy móc.

Theo phản ánh của các BV công ở Hà Nội, việc thu giá dịch vụ y tế hiện chưa thống nhất. Ví dụ như, giá dịch vụ siêu âm có nơi thu 100.000 - 300.000 đồng/lần. Còn tại BV đầu ngành T.Ư, có nơi chỉ được thu 49.000 đồng/lần siêu âm. Giá này theo đúng quy định của Bộ Y tế, đúng giá bảo hiểm với 4/7 yếu tố.

“Hiện, nhà nước cho BV tự chủ nhưng không cho tự chủ về giá, và chỉ được thu 4/7 yếu tố là hết sức bất cập. Tự chủ tài chính thì quan trọng nhất là tự chủ về giá thì không được thực hiện, do đó, rất khó để cân đối thu - chi”, một lãnh đạo BV công ở Hà Nội nêu ý kiến. Theo đại diện các BV công, sau hàng loạt “sự cố” của ngành y, các BV công cần có hành lang pháp lý chuẩn. Vận hành trong hành lang đấy để an toàn.

Theo PGS-TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản T.Ư: “Với điều kiện như vừa qua, không có xã hội hóa, BV công khó phát triển được kỹ thuật cao, vì BV không có tiền mua máy. Chủ trương xã hội hóa là đúng nhưng cần hướng dẫn để các BV làm đúng".

Với góc nhìn của nhà quản lý, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khẳng định: “Xã hội hóa trong công tác khám chữa bệnh (KCB) là giải pháp quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đề nghị luật hóa các hình thức xã hội hóa cụ thể trong dự thảo luật KCB hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này”. Bà cũng lưu ý rằng “khoản 3 điều 90 của dự thảo luật KCB chưa thực sự phù hợp. Bởi thực tế, sau khi luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 151 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc, khó khăn do các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của ngành y tế”. Bà Hà đề nghị bổ sung thêm một khoản tại điều 90 quy định về việc nhà nước khuyến khích các mô hình y tế phi lợi nhuận, đầu tư với trách nhiệm an sinh xã hội bằng các cơ chế về đất đai, tín dụng, thuế…

Không để bệnh nhân tử vong do thiếu thuốc

Chiều 15.6, tại cuộc họp về công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu đảm bảo cơ số thuốc dự phòng để kịp thời điều trị cho người dân khi cần thiết. Trong đó, Sở Y tế cần khẩn trương tham mưu cho UBND TP.HCM để sớm hình thành trung tâm mua sắm thuốc, VTYT. Trước mắt, Sở Y tế đề xuất mua sắm trang thiết bị, dụng cụ y tế và thuốc; tuyệt đối không để bệnh nhân tử vong do thiếu thuốc, thiếu dung dịch cần thiết phục vụ điều trị. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền của ngành y tế và UBND TP.HCM thì báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn để giải quyết kịp thời.

Sỹ Đông

Y tế công sẽ thụt lùi?

Lãnh đạo một BV công lập tại TP.HCM cho rằng, với sự thiếu thuốc, VTYT, TTBYT như hiện nay thì BV công sẽ thụt lùi 20 năm, bởi những kỹ thuật cao phục vụ bệnh nhân đều phải dừng, bệnh nhân sẽ đổ qua BV tư.

Trước thực tế một số BV công máy móc phải đắp chiếu, và hầu hết máy xã hội hóa là kỹ thuật cao, khi đắp chiếu, nhiều kỹ thuật cao tạm ngừng áp dụng, một lãnh đạo của BV tuyến T.Ư (ở Hà Nội) nhìn nhận: “Máy xã hội hóa phải đắp chiếu, nếu không khắc phục sớm BV công có nguy cơ tụt hậu, tuyến trên lại thành tuyến huyện...”.

PGS-TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản T.Ư, cho rằng không có máy kỹ thuật cao, các BS có thể phải áp dụng các kỹ thuật cũ của những năm trước, có thể là kỹ thuật tụt hậu đến 10 năm!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.