Ngăn bạo lực học đường: Quy tắc 4K tăng đề kháng trước những điều tiêu cực

24/10/2023 09:17 GMT+7

Môi trường sống 'độc hại' là một trong những yếu tố góp phần gây ra bạo lực học đường. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên và quy tắc nhằm giúp học sinh tăng đề kháng trước những điều tiêu cực.

Bắt chước những gì diễn ra xung quanh

Vào ngày nghỉ, V.H.L. (học sinh THCS tại Q.6, TP.HCM) thường dành 2-3 giờ để lướt TikTok, trong đó có những video chứa phân cảnh bạo lực cắt ra từ phim. L. khẳng định, mình không cố ý tìm kiếm nội dung như vậy mà do TikTok đề xuất, rồi bản thân cũng bị thu hút và xem đến cuối video. "Em thấy cảnh bạo lực trong phim rất hấp dẫn, càng xem thì TikTok càng đề xuất những nội dung tương tự", L. chia sẻ.

Việc L. dễ bị cuốn vào nội dung bạo lực cũng là tâm lý chung của nhiều người dùng mạng xã hội, bởi theo lý giải của tiến sĩ Lê Thị Mai Liên, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, não bộ con người thường thích "ăn" thông tin giật gân và gây sốc.

Phụ huynh V.V.T (48 tuổi, ngụ tại Q.Bình Tân, TP.HCM) có con tầm tuổi L. cũng bày tỏ lo ngại nếu con mình xem những video thiếu lành mạnh như vậy. "Tuy nhiên, cha mẹ khó có thể cấm đoán con dùng mạng xã hội và thiết bị công nghệ. Cắt wifi hay tịch thu điện thoại cũng chỉ là biện pháp giải quyết trên ngọn, chưa tận gốc", ông T. chia sẻ.

Để học sinh không trở nên bạo lực: Cần 'tăng đề kháng' trước những điều tiêu cực - Ảnh 1.

Học sinh cần tiếp nhận các nội dung trên mạng một cách chọn lọc

ẢNH MINH HỌA FREEPIK

Không dừng ở việc xem, một số học sinh còn mang hành vi tiêu cực từ phim ra đời thật. Chẳng hạn, năm 2021, tờ The Brussels Times đưa tin, một số học sinh Trường Erquelinnes Béguinage Hainaut (Bỉ) đã tái hiện trò chơi "đèn xanh, đèn đỏ" trong bộ phim Trò chơi con mực (Squid Game). Điều đáng nói là để tăng tính "chân thật", học sinh thua cuộc sẽ bị những bạn khác trừng phạt bằng cách đánh đập. Khi phát hiện sự việc, nhà trường lập tức cảnh báo trên Facebook về nguy cơ nhân cách học sinh có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu tiếp nhận cảnh bạo lực trong phim, đồng thời chỉ rõ học sinh được phép chơi trò chơi nhưng hình phạt bạo lực không được chấp nhận.

Từ những sự việc kể trên, tiến sĩ Mai Liên bày tỏ: "Tiếp xúc quá nhiều thông tin 'độc hại' khiến học sinh không có thời gian kết nối với chính mình và chăm sóc tâm hồn. Từ đây, tâm hồn dễ 'nghèo' tình yêu thương dẫn đến hành động thiếu tử tế".

Ngoài phim ảnh và mạng xã hội, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Lương Huệ Mẫn, chuyên viên tâm lý tại Ladies of Vietnam (TP.HCM), lưu ý học sinh có thể tiếp nhận sự tiêu cực từ môi trường sống ngoài đời như chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình, trường học, rồi bắt chước và cư xử tương tự với người khác để chứng tỏ sức mạnh hoặc coi bạo lực là cách đạt được mong muốn của mình.

Trẻ phải là "phễu lọc"

Theo tiến sĩ tâm lý Giang Thiên Vũ (giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), môi trường sống có ảnh hưởng nhất định đến xu hướng bạo lực của trẻ ở giai đoạn mang nhiều biến động tâm lý như tuổi vị thành niên. Tiến sĩ Thiên Vũ cho biết thêm, sẽ khó để ngăn chặn hoàn toàn việc trẻ tiếp nhận những điều tiêu cực, nhưng quan trọng là tư duy và góc nhìn của mỗi cá nhân về hành vi bạo lực, từ đó chủ động "tăng đề kháng" và tiếp thu thông tin có chọn lọc.

Bên cạnh đó, thạc sĩ Huệ Mẫn lưu ý, trẻ trị thành niên chưa nhận thức đầy đủ và thiếu "nguồn lực" đồng hành (như phụ huynh bận rộn, giáo viên không bao quát hết học sinh) nên "sức đề kháng kém" trước điều tiêu cực. Từ đây, chuyên gia Huệ Mẫn nhấn mạnh, bản thân học sinh cần là "phễu lọc" chính thức, trong khi cha mẹ là "màng lọc" hỗ trợ. 

Để học sinh không trở nên bạo lực: Cần 'tăng đề kháng' trước những điều tiêu cực - Ảnh 2.

Người lớn xung quanh phải trở thành "nguồn lực" hỗ trợ trẻ sàng lọc thông tin

ẢNH MINH HỌA FREEPIK

Về sự đồng hành của phụ huynh, tiến sĩ Mai Liên gợi ý cha mẹ áp dụng kỹ năng "thanh lọc" công nghệ cho con, cụ thể là giới hạn thời gian sử dụng thiết bị công nghệ khi trẻ còn nhỏ cũng như thiết lập quy tắc 4K trong gia đình, gồm: không công nghệ trong giờ ăn, không công nghệ trong giờ ngủ, không công nghệ trước giờ đi học và không công nghệ trong phòng ngủ. Song song đó, cha mẹ nên chủ động chặn một số trang tìm kiếm không an toàn trước khi giao thiết bị cho trẻ.

Tới khi trẻ lớn, tiến sĩ Mai Liên đề xuất cha mẹ không vội cấm đoán mà hãy hướng dẫn trẻ phân biệt giữa nội dung lành mạnh với nội dung "độc hại" để trẻ nâng cao khả năng nhận thức và tự biết chọn lọc. Tiến sĩ Liên cũng khuyến khích cha mẹ sử dụng chiến lược hành vi thay thế, tức tạo cho trẻ nhiều hoạt động giải trí có giá trị hơn, thay vì tìm niềm vui ở thiết bị công nghệ.

Cuối cùng, tất cả những việc làm trên đều thông qua sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình nên các chuyên gia lưu ý cha mẹ phải hết sức tinh tế và chậm rãi nếu muốn tiến vào thế giới của con.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn: Giải pháp nào cho vấn nạn bạo lực học đường?

Nhằm đi tìm nguyên nhân cốt lõi đồng thời có được những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, Báo Thanh Niên mở diễn đàn "Giải pháp nào cho vấn nạn bạo lực học đường?". Chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý độc giả.

Bạn đọc có thể gửi bài viết, ý kiến về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Những bài viết chọn đăng sẽ nhận được nhuận bút theo quy định. Cảm ơn bạn đọc tham gia diễn đàn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.