Nga và hiện tượng ‘các tàu chiến ma’ trên biển

07/09/2021 19:16 GMT+7

Nga bị nghi ngờ giả tạo vị trí của các tàu chiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên biển, gây nhiễu loạn thông tin và làm phức tạp hơn cuộc chiến thông tin trên toàn cầu.

Nhiều năm qua, hoạt động tàu bè trên toàn thế giới dựa vào Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) để đảm bảo an toàn khi di chuyển trên biển. Tuy nhiên, phương Tây tố cáo Nga đang tìm cách vũ khí hóa AIS để tạo dựng “chứng cứ giả” nhằm thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của nước này trên biển, theo Tạp chí WIRED.

Tầm quan trọng của AIS

AIS được hình thành vào thập niên 2000, cho phép những người đi biển nắm thông tin về hoạt động của tàu bè xung quanh. Theo quy định, tàu có tổng dung tích (GT) hơn 300 tấn đều được yêu cầu trang bị bộ thu phát chuyển tiếp các thông số liên quan đến vị trí, tốc độ, và hướng đi của tàu cho các bộ thu tín hiệu trên bờ. Kế đến, hệ thống AIS đẩy ngược dữ liệu vừa thu được cho thiết bị trên mọi con tàu đang di chuyển trên biển. Đây là công cụ vô cùng hiệu quả bên cạnh radar và tầm nhìn trên thực tế để những người đi biển có thể xác định các tàu khác trong phạm vi gần.

Vết thủng lớn trên thân tàu John S.McCain trong sự cố trên biển gần Singapore

AFP

Đa số các hải quân trên thế giới đều sử dụng AIS, và tùy theo mục đích, các nước áp dụng những chính sách khác nhau. Chẳng hạn, hải quân Mỹ trong nhiều năm vẫn dùng AIS nhưng ở mức giới hạn nhằm ngăn chặn các hải quân đối địch có thể theo dõi chuyển động của các tàu chiến Mỹ. Tuy nhiên, chính sách này đã thay đổi sau hai vụ va chạm giữa tàu quân sự và dân sự vào cuối thập niên 2010.
Trong đó, khu trục hạm John S.McCain đâm vào tàu chở dầu Alnic MC mang cờ Liberia ngoài khơi Singapore ngày 21.8.2017. Theo USNI News, 10 thủy thủ trên tàu John S.McCain thiệt mạng, 48 thủy thủ bị thương và khu trục hạm Mỹ hứng chịu tổn thất lên đến 100 triệu USD. Về phần tàu dầu Alnic MC, không ghi nhận trường hợp thương vong và tổn thất của tàu vào khoảng 225.000 USD.
Trước những sự cố trên, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) yêu cầu các tàu chiến Mỹ bật thiết bị AIS khi di chuyển ở những khu vực đông đúc tàu bè, như Eo biển Malacca.

Lỗ hổng từ AIS

Gần đây, các tàu hải quân phương Tây phát hiện vấn đề khi sử dụng AIS. Ví dụ, tháng 9.2020, nếu dựa trên hệ thống định vị hàng hải, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đang di chuyển về hướng Biển Ireland. Thế nhưng, ảnh chụp từ vệ tinh xác nhận hàng không mẫu hạm Anh và nhóm tàu hộ tống của các thành viên NATO không ở gần khu vực trên vào thời điểm đó.

Hình ảnh tổng hợp cho thấy vị trí thực tế của tàu USS Ross và hiển thị trên công cụ trực tuyến

YOUTUBE/HẢI QUÂN MỸ/MARINETRAFFIC

Từ tháng 8.2020 đến tháng 7.2021, các nhà nghiên cứu phát hiện hơn 100 trường hợp AIS cung cấp thông tin sai lệch về vị trí của các tàu chiến NATO (trong đó có ít nhất 14 quốc gia châu Âu và Mỹ). Họ gọi chung là hiện tượng “các tàu chiến ma”.
Không ít trường hợp giả tạo dữ liệu AIS ở mức nghiêm trọng. Trong đó, khu trục hạm USS Roosevelt của hải quân Mỹ dường như đã tiến sâu vào vùng biển của Nga đến 4 hải lý, một vụ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải nếu thực sự xảy ra. Trên thực tế, thời điểm đó USS Roosevelt đang diễn tập với phía Na Uy cách đó hàng trăm hải lý. Cuối tháng 6, hệ thống AIS cũng thể hiện các thông số cho thấy tàu khu trục HMS Defender của hải quân hoàng gia Anh và tàu hộ vệ Evertsen của hải quân hoàng gia Hà Lan đi vào phạm vi 10 hải lý xung quanh Crimea, vốn được Nga coi là lãnh hải của nước này. Nga đã điều động tàu chiến, máy bay đáp trả.

Tranh cãi quanh thông tin Nga "bắn cảnh cáo" tàu chiến Anh tại biển Đen

Tình trạng tương tự cũng xảy ra cho tàu chiến Mỹ USS Ross và một tàu tuần tra Ukraine hôm 29.6. Thời điểm đó, hai con tàu có vẻ như đã tiếp cận bán đảo Crimea do Nga kiểm soát, có lúc chỉ cách bờ khoảng 5 hải lý. Tuy nhiên, theo hình ảnh phát trực tiếp trên YouTube, lúc đó chiến hạm Mỹ đang ở cảng Odessa của Ukraine.
Trang Popular Mechanics dẫn lời các chuyên gia cho rằng tình trạng trên xảy ra là do một thế lực mô phỏng và giả tạo thông tin của AIS trên một phần mềm đặc biệt, trước khi sao chép và dán vào đường truyền dữ liệu trên thực tế của hệ thống này. Như mọi khi, phương Tây đang suy đoán Nga là “thủ phạm” trong những vụ can thiệp và làm giả thông tin về vị trí các tàu chiến NATO. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có chứng cứ nào cho phép đưa ra kết luận trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.