Nga, Trung thúc đẩy ngân hàng mới cạnh tranh với IMF

03/04/2015 15:57 GMT+7

(TNO) Khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang ráo riết chuẩn bị để ra mắt Ngân hàng Phát triển mới (NDB) cuối năm nay, Russia Today cho biết.

(TNO) Khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang ráo riết chuẩn bị để ra mắt Ngân hàng Phát triển mới (NDB) vào cuối năm nay, Russia Today cho biết.

Cuộc họp của BRICS tại Brazil năm 2014 - Ảnh: Reuters 
Nga thừa nhận, mục tiêu của NDB, hay còn gọi là BRICS Bank, là cạnh tranh trực tiếp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Mỹ dẫn đầu, theo Russia Today hôm 2.4.
Thông tin về NDB được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc chốt danh sách nộp đơn gia nhập Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) hôm 31.3. Hai động thái thành lập ngân hàng liên tiếp với sự có mặt của Nga và Trung Quốc khiến báo chí phương Tây nhận định bi quan về quyền lực chi phối tài chính của Mỹ.
Theo đánh giá của trang Business Standard (Ấn Độ), BRICS sẽ có sự gắn kết với AIIB do Trung Quốc khởi xướng. Thay vì phát triển mạnh tại châu Á như AIIB, NDB của BRICS sẽ chủ yếu đảm bảo quyền lợi của các nước trong khối này cũng như cho vay rộng rãi ở các khu vực châu Phi và Mỹ Latinh.

Ngày 1.4, BRICS ấn định sẽ họp lại lần nữa vào tháng 7.2015 tại thành phố Ufa thuộc miền nam nước Nga để xúc tiến việc thành lập ngân hàng mới. Ngoài ra, họ cũng bầu Chủ tịch Phòng Thương mại Nga Sergey Katyrin vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh của BRICS.
Ông Katyrin cũng không giấu tham vọng NDB sẽ là bước đệm để vực dậy sức mạnh của đồng nhân dân tệ cũng như đồng rúp. Ông cũng chỉ trích IMF trong khâu vận hành và đề cập đến tiếng nói của khối BRICS. Theo đó, việc Mỹ chậm trễ trong cải cách quyền lợi của các thành viên trong IMF thực sự khiến ngân hàng này không còn là ưu tiên của nhiều nước, đặc biệt là nhóm các nền kinh tế mới như BRICS.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước với RIA Novosti, được Russia Today dẫn lại, ông Katyrin nói: "Ưu tiên chính của Nga chắc chắn sẽ là sự ra mắt của ngân hàng BRICS. Chúng tôi sẽ làm những gì tốt nhất để tạo thuận lợi cho quá trình này".
Mặc dù Trung Quốc và Nga không che giấu tham vọng bành trướng nhân dân tệ và "củng cố vị trí của đồng rúp", song ông Katyrin thẳng thắn nhận định, vào thời điểm hiện tại, việc sử dụng USD trong giao dịch ngân hàng vẫn là lựa chọn khó thay thế, theo Russia Today.
Tạp chí Forbes ngày 23.3 cũng đã bình luận về AIIB, cho rằng đó là cách Trung Quốc thể hiện "quyền lực mềm" mà trước đây Mỹ đã làm rất tốt tại các thể chế tài chính toàn cầu như WB và IMF.
BRICS là hiệp hội kinh tế bao gồm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Vào tháng 7.2014, các nước này đã ký thỏa thuận thành lập NDB và Quỹ dự phòng chung (CRA) với tổng số vốn 200 tỉ USD, "cặp đôi" được xem hoạt động giống Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.