Nga tăng cường sản xuất tên lửa nhưng cung có đủ cầu?

17/10/2022 19:30 GMT+7

Các nhà máy sản xuất tên lửa Nga đã hoạt động không ngừng nghỉ kể từ tháng 5 nhưng vấn đề cung có đáp ứng được cầu hay không vẫn chưa rõ ràng.

Chiến sự ở Ukraine đã cho thấy quân đội Nga phụ thuộc rất nhiều vào tên lửa, mà các cuộc tấn công dồn dập trên khắp Ukraine trong tuần qua là minh chứng. Tuy nhiên, giới phân tích đang đặt câu hỏi liệu Nga còn bao nhiêu tên lửa và bao gồm những loại nào trong kho, trong khi chính quyền Mỹ tin rằng có bằng chứng cho thấy Moscow đang gặp khó khăn trong việc sản xuất tên lửa vì các lệnh trừng phạt và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Những nghi vấn đó đã khiến câu chuyện về năng lực sản xuất tên lửa của Nga lại trở thành tâm điểm chú ý, khi xung đột tại Ukraine chuẩn bị bước sang tháng thứ 8.

Nga tăng cường sản xuất tên lửa nhưng cung có đủ cầu?

Tăng cường sản xuất

Theo một bài viết đăng trên website Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA, trụ sở tại Washington DC) ngày 27.6, Nga đã tăng cường sản xuất tên lửa để bù đắp số lượng hao hụt. Ông Maxim Starchak, nhà nghiên cứu độc lập về quốc phòng Nga sống tại Moscow, tác giả bài viết, cho hay hai nhà máy tên lửa của Nga đã hoạt động tích cực hơn những nơi khác kể từ tháng 5.

Đầu tiên là nhà máy Novator - nơi sản xuất tên lửa cho hệ thống Iskander và Buk, tên lửa Kalibr và một số loại tên lửa phóng từ tàu hải quân. Nhà máy này sản xuất khoảng 100-120 tên lửa Kalibr mỗi năm và vài chục tên lửa hành trình cho hệ thống Iskander. Kể từ tháng 5, nhà máy đã làm việc suốt ngày đêm, mỗi ngày ba ca. Dù vậy, nhà máy gặp khó khăn trong việc gia tăng sản lượng vì thiếu một số lượng lớn kỹ sư, thợ cơ khí và nhân sự khác.

Hệ thống tên lửa Iskander của Nga

tass

Địa chỉ thứ hai làm việc suốt ngày đêm là nhà máy Votkinsk, nơi sản xuất tên lửa đạn đạo cho hệ thống Iskander, tổ hợp Yars và tên lửa Bulava. Năm 2020, nhà máy chuyển sang làm việc 4 ngày/tuần, cắt giảm nhân sự đến tuổi nghỉ hưu và nhân viên của các công ty con. Song cho đến tháng 6, tình hình đã thay đổi và nhà máy muốn tuyển thêm 500 nhân sự.

Song ngay cả khi các nhà máy này sản xuất không ngừng nghỉ, sản lượng sẽ chỉ tăng không quá 20% do thiếu công nhân lành nghề, chuyên gia Starchak cho biết.

Việc Nga tăng cường sản xuất tên lửa cũng được thể hiện qua các ví dụ khác. Chẳng hạn, nhà máy chế tạo máy Miass, nơi sản xuất linh kiện tên lửa, năm ngoái đã nộp đơn phá sản vì thiếu đơn đặt hàng, không có khả năng thanh toán các khoản vay. Song sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, nhu cầu về công nhân mới tại nhà máy đã tăng gấp 8 lần.

Những loại tên lửa Nga nào đã được phóng vào Ukraine?

Ví dụ khác là nhà máy Strela ở Tula, nơi sản xuất tên lửa Onyx. Vài năm trước, nhà máy bị cắt giảm đơn đặt hàng, người lao động chỉ được trả lương tối thiểu và bắt đầu tìm kiếm công việc khác. Tuy nhiên, kể từ tháng 5, nhà máy bắt đầu tuyển dụng hơn 200 vị trí mới.

Cung có đủ cầu?

Theo một phân tích đăng trên ấn phẩm Eurasia Daily Monitor của Quỹ Jamestown (một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách tại Washington DC) hồi tháng 6, năng lực sản xuất tối đa một năm hiện tại của Nga có khả năng không vượt quá 225 tên lửa, bao gồm các loại tên lửa hành trình như Oniks, Kalibr, Kh-101, 9M729 và Kh-59, cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M. Bài viết cũng nói rằng tính đến tháng 6, Nga đã sử dụng gần hết kho tên lửa dự trữ của mình.

Tên lửa hành trình được phóng đi từ một tàu của Nga

bộ quốc phòng Nga

Tất cả các cơ sở sản xuất quốc phòng lớn tại Nga đều bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhiều nhà máy đã bị đưa vào danh sách trừng phạt từ năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, khiến họ không thể nhập khẩu linh kiện cần thiết để sản xuất tên lửa. Song chuyên gia Starchak nói Nga đã giải quyết vấn đề này bằng cách thành lập các công ty vỏ bọc để bí mật mua các loại linh kiện này từ nước ngoài.

Các lệnh trừng phạt mới của phương Tây đã tiếp tục siết chặt nguồn cung linh kiện cho các công ty Nga. Để đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, các công ty này đã sử dụng kho linh kiện dự trữ vốn đủ dùng cho hai đến ba năm sản xuất bình thường. Song với nhu cầu và sản lượng gia tăng vì chiến sự ở Ukraine, kho dự trữ của các nhà máy có thể cạn kiệt vào năm tới, theo bài viết trên CEPA.

Nga đang sử dụng tên lửa mới nhất và cũ nhất ra sao tại Ukraine?

Các quan chức Nga cho biết quân đội nước này có kho dự trữ tên lửa tầm xa đủ dùng và các nhà máy đang hoạt động nhiều hơn, bác bỏ tuyên bố của phương Tây rằng Moscow sắp cạn kiệt tên lửa, theo AP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.