Nga hướng mục tiêu giành trọn Donbass

05/07/2022 06:50 GMT+7

Thành công tại Luhansk giúp Nga tiến thêm một bước đến mục tiêu giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng Donbass và chiến sự được dự báo vẫn quyết liệt trong giai đoạn kế tiếp.

Với việc kiểm soát phần lớn khu vực Donbass ở miền đông Ukraine, Nga có thể tập trung lực lượng để tiến sâu hơn về hướng tây và hướng nam. Trong khi đó, phương Tây đang chịu sức ép phải cung cấp thêm vũ khí uy lực cho Ukraine giữa bối cảnh tác động kinh tế ngày càng thử thách sự đoàn kết của NATO và EU.

Miệng hố hình thành sau vụ tấn công tên lửa tại Bakhmut ngày 1.7

AFP

Bước tiến lớn của Nga

Sau khi Nga tuyên bố giành được TP.Lysychansk và kiểm soát toàn tỉnh Luhansk, quân đội Ukraine hôm qua cũng thừa nhận đã phải rút khỏi thành phố để bảo vệ lực lượng phòng thủ và tránh một kết cục chết chóc. Theo tờ The New York Times, các quan chức Ukraine thừa nhận Nga và phe ly khai đã kiểm soát khoảng 80 - 90% khu vực Donbass ở miền đông.

Xem nhanh: Chiến dịch của Nga ngày 131, Ukraine chờ vũ khí phương Tây để xoay chuyển tình thế

Giới phân tích dự báo, Nga sẽ tái tập trung lực lượng để tấn công các thành phố lớn còn lại tại tỉnh Donetsk như Sloviansk, Kramatorsk và Bakhmut. Sau thời gian đầu dàn trải lực lượng, Nga đã áp dụng chiến thuật bao vây từ 3 hướng và tập trung sử dụng tên lửa, bom, pháo tầm xa để tấn công trước, sau đó mới cho binh sĩ và xe tăng đến sau. Chiến thuật này đã cho thấy hiệu quả tại Severodonetsk và Lysychansk ở tỉnh Luhansk nên dự kiến sẽ được Nga áp dụng trong thời gian tới ở Donetsk. Giới quan sát cho rằng điều này báo hiệu xung đột sẽ còn rất đẫm máu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tại Điện Kremlin ngày 4.7

Trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin chúc mừng việc lực lượng nước này giành được Luhansk. Nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng các đơn vị khác phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra và mọi thứ sẽ theo hướng như những gì đã xảy ra ở Luhansk.

Tổng thống Putin chúc mừng chiến thắng ở Luhansk nhưng chiến dịch vẫn tiếp tục

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết quân đội đã rút khỏi Lysychansk nhằm bảo vệ tính mạng của binh sĩ trước ưu thế hỏa lực của đối phương. Tuy nhiên, ông tuyên bố sẽ giành lại Lysychansk và các vùng khác khi được nhận thêm vũ khí hiện đại.

Sức ép lên phương Tây

Với việc Ukraine tiếp tục để mất Lysychansk, áp lực đối với Mỹ và đồng minh phải cung cấp thêm vũ khí uy lực như đã hứa cho Ukraine ngày càng tăng. Tuy nhiên, giai đoạn chiến sự tiếp theo được cho sẽ là thử thách không chỉ về mặt hậu cần quân sự mà còn về sự đoàn kết.

Xung đột càng kéo dài, người dân phương Tây càng cảm nhận rõ hơn sự ảnh hưởng kinh tế và do đó, sự đoàn kết giữa họ càng bị thử thách. Các nước phương Tây đã cung cấp và hứa sẽ chuyển thêm nhiều vũ khí cho Ukraine, nhưng với việc cần thời gian để đào tạo binh sĩ cách sử dụng, hiện chưa rõ số vũ khí đó có được đưa đến kịp thời để tạo ra sự khác biệt ở Donetsk hay không.

Mỹ cho rằng chưa đến lúc Nga và Ukraine đàm phán hòa bình

Phần Lan, Thụy Điển chính thức đàm phán gia nhập NATO

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và người đồng cấp Thụy Điển Ann Linde ngày 4.7 đối thoại với NATO tại Brussels (Bỉ) để chính thức bắt đầu quá trình gia nhập liên minh quân sự, bước đi lịch sử được thúc đẩy bởi xung đột tại Ukraine, theo AFP. Dự kiến trong ngày 5.7, đại sứ của 30 thành viên NATO sẽ thông qua thủ tục kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, mở ra giai đoạn phê chuẩn tại quốc hội của từng nước.

Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước quyết định ngừng phản đối hai nước Bắc Âu gia nhập NATO sau khi các bên đạt thỏa thuận giải quyết những lo ngại của Ankara. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố vẫn có thể ngăn cản nếu các bên không giữ cam kết.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã đến thăm các vùng bị chiến sự tàn phá ở Ukraine, sau đó gặp Tổng thống Zelensky tại Kyiv. Ông Albanese công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, đồng thời ban hành lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga cũng như cấm vận đối với 16 quan chức và doanh nhân nước này. Trong khi đó, Thủ tướng CH Czech Petr Fiala cho biết Slovakia có thể tặng chiến đấu cơ MiG-29 thời Liên Xô cho Ukraine, theo Đài RT.

Có CH Czech đảm bảo, Slovakia có thể chuyển chiến đấu cơ MiG-29 cho Ukraine

Trả lời phỏng vấn trên Fox News mới đây, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết mục tiêu của Mỹ là đảm bảo Ukraine có thể tiếp tục tự vệ. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây tiết lộ Berlin đang thảo luận với các đồng minh về việc đảm bảo an ninh cho Kyiv sau khi xung đột kết thúc. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức lưu ý sự đảm bảo cho Ukraine sẽ không giống như đối với một thành viên của NATO.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.