Nga giải thích vì sao 'dịu' với Thụy Điển, Phần Lan mà 'căng' với Ukraine?

17/05/2022 20:39 GMT+7

Thư ký báo chí Điện Kremlin cho biết, khác với Kyiv, Helsinki và Stockholm không có tranh chấp lãnh thổ với Nga.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov vừa đưa ra lý do giải thích vì sao việc Ukraine muốn gia nhập NATO lại khiến Nga quan ngại, chứ không phải việc Phần Lan và Thụy Điển muốn gia nhập khối liên minh quân sự này.

Ông Peskov nói vào hôm 16.5 rằng: “Chúng tôi không có tranh chấp lãnh thổ với Phần Lan hay Thụy Điển. Tuy nhiên, Ukraine thì khác, chúng tôi có sự tranh chấp về lãnh thổ với Ukraine. Vì vậy, nếu Ukraine gia nhập vào NATO, trong trường hợp này Nga sẽ có một cuộc tranh chấp lãnh thổ với quốc gia thành viên NATO, do đó rủi ro xung đột sẽ vô cùng lớn và sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ châu Âu”.

Ông đang đề cập đến tình hình xung quanh bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014. Tuy nhiên, chính quyền Kyiv gọi Crimea là “lãnh thổ bị chiếm đóng” và cam kết sẽ giành lại quyền kiểm soát đối với bán đảo này.

Việc đảm bảo Ukraine trở thành một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập NATO được Moscow cho là một trong những lý do chính của chiến dịch quân sự do Nga phát động.

Ông Peskov nói thêm rằng Moscow vẫn đang theo dõi sự mở rộng của NATO “một cách kỹ lưỡng nhất” để đánh giá tác động của nó đối với an ninh quốc gia của Nga.

Giới chức Nga cho biết việc Ukraine gia nhập NATO tạo ra sự quan ngại cho nước này chứ không phải Phần Lan hay Thụy Điển

ẢNH: REUTERS

“Chúng tôi không tin rằng việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ bằng cách nào đó củng cố và cải thiện cấu trúc an ninh trên lục địa của chúng ta”.

Thụy Điển và Phần Lan là hai quốc gia trung lập trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, chiến sự tại Ukraine đã thay đổi quan điểm của hai nước này.

Giới lập pháp Mỹ có thể chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Stockholm và Helsinki “trước tháng 8”.

Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell hôm 16.5 cho rằng 29 thành viên khác của liên minh có thể thông qua quyết định này nhanh hơn.

Sự chấp thuận của tất cả các thành viên NATO là cần thiết nếu một nước muốn gia nhập liên minh.

Tuần trước, nỗ lực của Thụy Điển và Phần Lan đã vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu chứa chấp các thành viên của các nhóm người Kurd bị Ankara xem là khủng bố.

Tuy nhiên, Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana đã bày tỏ sự tin tưởng rằng cả khối sẽ có thể vượt qua sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.