Nga: giấc mơ 2 siêu tàu sân bay khi nào thành hiện thực?

13/12/2020 09:00 GMT+7

Sau nhiều năm lãng quên, Nga quyết định hồi sinh truyền thống đóng tàu sân bay. Một trong số đó là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân trong dự án Manatee, được cho là có khả năng cạnh tranh với tàu Gerald R. Ford của Mỹ.

"Vũ khí của chủ nghĩa đế quốc"

Các cuộc thảo luận về khả năng đóng tàu sân bay ở Nga đã diễn ra từ đầu những năm 2000, khi ngành công nghiệp quốc phòng trong nước bắt đầu tự vực dậy trên đôi chân của mình. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ngoài những tuyên bố công khai của đại diện Hải quân và các dự án sơ bộ. Chuyện đóng tàu sân bay không đơn giản.
Từ năm 1953, Tư lệnh Hải quân Liên Xô Nikolai Kuznetsov đã hô hào chế tạo tàu sân bay. Ông thậm chí còn phê duyệt dự án chế tạo tàu sân bay hạng nhẹ (Dự án 85). Đã có lên kế hoạch đóng ít nhất 8 con tàu như vậy, chiếc đầu tiên sẽ được hạ thủy vào năm 1960.

Hình ảnh trên bản vẽ tàu sân bay hạng nhẹ theo Dự án 85 của Liên Xô cũ

Tuy nhiên, vào năm 1955, tư lệnh hải quân bị thất sủng và bị cách chức, và người kế nhiệm ông, Đô đốc Sergei Gorshkov, không chia sẻ những ý tưởng đầy tham vọng của người tiền nhiệm.
Kinh nghiệm của Mỹ sử dụng tàu sân bay trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và Việt Nam (1964-1975) với vai trò là căn cứ nổi và không tham chiến trên biển, đã không thuyết phục được lãnh đạo Hải quân Liên Xô về sự cần thiết của việc xây dựng chúng. Cho rằng tàu sân bay là "vũ khí của chủ nghĩa đế quốc", các chỉ huy hải quân Liên Xô chỉ dựa vào các tàu tuần dương và tàu ngầm.
Tuy nhiên, do nhu cầu phải đối đầu với các tàu ngầm của Mỹ được trang bị tên lửa đạn đạo Polaris có tầm bắn 2.000 km, Liên Xô phải chế tạo tàu tuần dương chống ngầm lớp Moskva, mang theo 14 trực thăng Ka-25.

Tuần dương hạm chống ngầm lớp Moskva

Wikipedia

Nhưng trực thăng không thể cung cấp đầy đủ hỗ trợ trên không cho các hoạt động chiến sự của hải quân, nên sau đó phải thay thế bằng các tàu thế hệ mới - tuần dương hạm hạng nặng thuộc Dự án "Krechet", có thể chở các máy bay chiến đấu cất và hạ cánh thẳng đứng. Từ giữa những năm 1970 đến cuối những năm 1980, 6 tàu như vậy đã được đưa vào hoạt động - "Kiev", "Minsk", "Novorossiysk", "Baku", "Đô đốc Kuznetsov" và "Varyag".

Đáp trả bằng… "Bão biển"

Dẫn đầu về số lượng hàng không mẫu hạm là Mỹ. Trong suốt lịch sử, 80 tàu sân bay Mỹ đã cày nát các đại dương; ngày nay, 11 tàu loại này đang hoạt động. Hải quân Nga hiện nay chỉ có một con tàu cùng loại: tàu tuần dương chở máy bay "Đô đốc Kuznetsov". Việc Nga có ít tàu sân bay cũng dễ hiểu: Moscow tuân thủ học thuyết quân sự phòng thủ, mà tàu sân bay thì lại là vũ khí tấn công.

Tàu sân bay duy nhất của Nga hiện nay, Đô đốc Kuznetsov

Wikipedia

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lãnh đạo Hải quân Nga cho rằng cần tăng cường đội tàu sân bay. Vì vậy, vào năm 2015, dự án tàu sân bay "Storm" (Bão biển) đã được trình làng trong triển lãm Army-2019.
Các thông số ước tính của chiếc tàu khổng lồ này như sau: lượng choán nước 100 nghìn tấn, chiều dài - 330 mét, chiều rộng - 40 mét, mớn nước - 11 mét; vận tốc tối đa dự kiến là 30 hải lý/giờ.
Tàu có thể chở tối đa 90 máy bay chiến đấu, với lượng đạn hàng không có thể lên tới 2.500-3.000 tấn. Xét về đặc điểm thiết kế, Storm khá tương đồng với tàu sân bay thế hệ mới nhất của Mỹ Gerald Ford.

Mô hình tàu sân bay Storm được trưng bày tại triển lãm

Về năng lực, con tàu sẽ có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trong khu vực đại dương cách xa bờ biển của Nga: tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển, với sự hỗ trợ của một nhóm tác chiến đường không hoặc sử dụng hệ thống phòng không, tên lửa của riêng mình, hỗ trợ các hoạt động đổ bộ cũng như kiểm soát và phối hợp hành động với một đội hình tàu sân bay.
5 năm đã trôi qua kể từ khi trình làng, cho đến nay vẫn chưa có tiến triển nào trong việc thực hiện dự án tàu sân bay. Nhiều người cho rằng đó sẽ là một tham vọng quá đà. Tuy nhiên, quân đội nói rằng việc khởi động dự án Storm không nên sớm hơn năm 2025. Việc đóng tàu có thể mất 8-9 năm. Chi phí sơ bộ ước tính khoảng 350 tỷ rúp.

Con tàu đàn em

Tại Triển lãm Phòng thủ Hàng hải Quốc tế IMDS-2019 tổ chức ở St.Petersburg, một dự án khác đã được trình bày - tàu sân bay "Manatee".
"Manatee" được coi là một giải pháp thay thế đỡ hao tiền tốn của hơn. Các đặc điểm thiết kế của "Manatee" như sau: lượng choán nước 90 nghìn tấn, chiều dài 350 mét, vận tốc 30 hải lý/giờ, tuổi thọ ước tính 50 năm.

Mô hình tàu sân bay thuộc dự án Manatee được trưng bày tại triển lãm

Tàu Manatee chạy bằng động cơ hạt nhân, chở được 60 máy bay chiến đấu hạng nặng và máy bay cảnh báo sớm. Lượng đạn hàng không - 1.600 đến 2.000 tấn. Các thông số khác tương tự như của "Storm".
Manatee, giống như Storm, sẽ là hàng không mẫu hạm chính thức. Cả hai dự án đều có tính đến các mẫu xuất khẩu. So với "Storm", "Manatee" rẻ hơn, sẽ có những lợi thế nhất định trong thương mại xuất khẩu.

Hải quân Nga sẽ được trang bị vũ khí hạt nhân siêu vượt âm

Những người hoài nghi đang bắt đầu tranh luận về việc liệu Nga, với một ngân sách hiện đang eo hẹp, có cần tàu sân bay hay không: theo ước tính thận trọng nhất, con tàu lớp Manatee sẽ tiêu tốn của ngân khố 5 tỷ USD. Ngay cả khi tính đến rất nhiều phương án tài trợ ngoài ngân sách, chi phí vận hành một tàu sân bay cũng sẽ trở thành vấn đề đau đầu đối với Hải quân Nga.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.