Nga có sa lầy ở Syria?

16/10/2015 16:04 GMT+7

(TNO) Sa lầy là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với bất kỳ nước nào từng tham chiến ở một khu vực đầy bất trắc như Trung Đông. Nga có tránh được nỗi ám ảnh đó tại Syria?

(TNO) Sa lầy là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với bất kỳ nước nào từng tham chiến ở một khu vực đầy bất trắc như Trung Đông. Nga có tránh được nỗi ám ảnh đó tại Syria?

Mỗi ngày, máy bay Nga xuất kích hàng chục lần từ căn cứ quân sự ở Syria - Ảnh: AFPMỗi ngày, máy bay Nga xuất kích hàng chục lần từ căn cứ quân sự ở Syria - Ảnh: AFP
Truyền thông Nga ngày nào cũng đưa dày đặc hình ảnh máy bay chiến đấu Nga xuất kích liên tục từ căn cứ không quân Nga ở Syria. Hiện Nga chỉ có trên 30 máy bay chiến đấu tại Syria và theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, mỗi ngày các máy bay này đều xuất kích hàng chục lần.
Bước vào tuần thứ ba trong chiến dịch không kích tại Syria, chính quyền Nga vẫn tuyên bố đang thành công từng ngày, tiêu diệt đáng kể các mục tiêu khủng bố.
Trong khi Mỹ và các đồng minh ở Trung Đông vẫn đang rất lo lắng về viễn cảnh Nga sẽ ào ạt đưa quân và thiết bị vào Syria, các nhà phân tích chính trị Nga cho rằng quy mô lực lượng như bây giờ là đủ với mục tiêu mà Tổng thống Vladimir Putin đặt ra.
Tướng Nga đã về hưu, hiện là chủ tịch của tổ chức tư vấn chính sách quốc phòng ở Nga, PIR Center, ông Evgeny Buzhinsky nhận định: “Thật sự chúng tôi không cần một lực lượng không quân quá lớn ở Syira vì quân Nga chỉ đóng vai trò hỗ trợ từ trên không cho lực lượng mặt đất”.
Sở dĩ với một lực lượng hạn chế mà chiến dịch tại Syria của Nga hiệu quả hơn của Mỹ, theo lời ông Buzhinsky là vì Nga phối hợp với quân đội Syria. NPR dẫn lời Buzhinsky cho rằng Nga có thể duy trì quy mô quân sự ở Syria như hiện nay và nếu có cần bổ sung thêm thì đã có tàu chiến phóng tên lửa từ biển Caspi.
Buzhinsky nói: “Tất nhiên đó là một ngạc nhiên với Mỹ, nước xưa nay vẫn cứ tưởng rằng phóng tên lửa hành trình tầm xa là độc quyền của riêng họ”.
Một người Syria mang hình Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria, ông Assad al-Assad trong cuộc tuần hành ủng hộ Nga ở thủ đô Syria - Ảnh: AFP
Nhưng rủi ro sa lầy vẫn ở đó. Nga cho đến nay vẫn phủ nhận chuyện đưa bộ binh quy mô lớn vào Syria, và các nhóm nổi dậy thân Washington vẫn không có tên lửa đối không hàng Mỹ để đe dọa máy bay Nga. Dù vậy, các phi công của Nga không phải là không chịu nhiều rủi ro. Chẳng hạn vì một trục trặc kỹ thuật nào đó, phi công phải bỏ máy bay mà nhảy dù khẩn cấp? Sẽ cần có nhiều bộ binh để giải cứu nếu phi công Nga rơi vào tay những tổ chức khủng bố kiểu như IS, lực lượng luôn rất “chuộng” kiểu chặt đầu tung lên mạng.
Trong bối cảnh căn cứ không quân của Nga nằm khá gần các chiến trường Syria, nguy cơ Nga bị đẩy vào tình huống can thiệp quân sự rộng hơn so với kế hoạch là rất thật.
Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ phi công và máy bay Nga đang được đặt trong tay thủy quân lục chiến Nga. Alexander Golts, nhà phân tích quốc phòng viết cho tờ Moscow Times nhận định: “Nếu lực lượng thủy quân lục chiến này không đủ để bảo vệ căn cứ, Nga sẽ phải đưa thêm quân vào. Mà đưa thêm quân vào thì đồng nghĩa với gia tăng thương vong.”
Đó sẽ là viễn cảnh mà Tổng thống Putin tìm mọi cách tránh, bởi dù hiện nay dư luận Nga ủng hộ sự can thiệp của chính phủ vào cuộc chiến Syria nhưng một khi thương vong tăng cao ở một cuộc chiến ở nước ngoài, mọi chuyện có thể sẽ khác.

Tổng thống Putin: Chiến dịch không kích sẽ không kéo dài

Ngày 16.10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng chiến dịch không kích của Nga tại Syria không kéo dài, mà có giới hạn về thời gian.

Theo hãng tin RIA, phát biểu tại cuộc họp các lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) ở Kazakhstan, ông Putin nói rằng chiến dịch này kéo dài đến khi quân đội của chính phủ Syria đủ sức tiến hành các cuộc phản công lớn đánh bại quân khủng bố IS và các lực lượng cực đoan khác.

Tổng thống Nga cũng ca ngợi quân đội Nga đã đạt những kết quả ấn tượng trong thời gian qua tại Syria bằng những đòn tấn công từ trên không và trên biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.