Nga bất ngờ rút quân khỏi Syria

16/03/2016 05:00 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa khiến thế giới bất ngờ với tuyên bố rút phần lớn lực lượng khỏi Syria vì “đã đạt được hầu hết mục tiêu”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa khiến thế giới bất ngờ với tuyên bố rút phần lớn lực lượng khỏi Syria vì “đã đạt được hầu hết mục tiêu”.

Chiến đấu cơ Nga hạ cánh sau khi trở về từ Syria ngày 15.3 - Ảnh: ReutersChiến đấu cơ Nga hạ cánh sau khi trở về từ Syria ngày 15.3 - Ảnh: Reuters
Ngày 15.3, những chiếc Su-34 đầu tiên quay về từ Syria đã đáp xuống một căn cứ ở miền nam Nga trong sự chào đón nồng nhiệt của khoảng 300 quân nhân, phóng viên và người dân, theo Reuters. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nhiều loại quân trang và vũ khí cũng đã được chuyển lên máy bay đưa về nước. Trước đó, Tổng thống Putin ngày 14.3 (giờ địa phương) thông báo rút “phần chính” trong lực lượng Nga tại Syria, 5 tháng sau chiến dịch triển khai quân thần tốc tới quốc gia Trung Đông.
Tuy nhiên, Moscow vẫn duy trì hiện diện quân sự tại quân cảng Tartus và căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia, bao gồm hệ thống phòng không tối tân S-400, để giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn. Thời hạn rút quân hoàn toàn chưa được công bố. Ngoài ra, Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov khẳng định chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm “khủng bố” khác vẫn sẽ tiếp diễn. “Tuy nhiên, vẫn còn sớm để nói về chiến thắng trước khủng bố. Không quân Nga có nhiệm vụ tiếp tục tiến hành không kích vào các cơ sở khủng bố”, ông nói.
Như vậy, Tổng thống Putin một lần nữa khiến nhiều bên ngỡ ngàng với những quyết định khó đoán trước của mình. Hôm qua 15.3, Mỹ thông báo Tổng thống Barack Obama đã điện đàm với ông Putin về việc Nga rút quân nhưng phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest đã không thể trả lời rõ ràng các câu hỏi của phóng viên liên quan tới vấn đề này. Giới truyền thông và các nhà quan sát thì xoay vòng với câu hỏi: “Ý nghĩa thật sự đằng sau tuyên bố hoàn thành mục tiêu của ông Putin là gì?”.
Suốt mấy tháng qua, phương Tây liên tục cáo buộc mục tiêu chính của Nga là nhằm vào các nhóm nổi dậy để giúp quân chính phủ Syria lật ngược tình thế nhưng đồng thời phải thừa nhận Moscow “đánh IS rất hiệu quả”. Đến nay, IS tuy đã suy yếu nhiều nhưng vẫn kiểm soát nhiều khu vực quan trọng ở Syria và Iraq trong khi quân đội của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad giành lại nhiều thành trì từ tay phe đối lập. Từ chỗ kiên quyết không thỏa hiệp, nay các bên đã chịu ngồi vào bàn đàm phán và các cuộc thương thảo đang diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ).
Như vậy, theo giới quan sát, đúng là Tổng thống Putin “đã hoàn thành mục tiêu”. Thứ nhất, ông chứng tỏ được sức mạnh quân sự Nga khi giáng cho IS nhiều đòn choáng váng, chiến trường mà liên quân do Mỹ dẫn đầu bị cho là không mấy hiệu quả. Thứ hai, Moscow ép được cả phe đối lập lẫn chính quyền Syria chấp nhận ngồi lại với nhau, qua đó vượt mặt Washington để giành vị thế có tiếng nói quan trọng trong quá trình tìm giải pháp cho Syria. Việc rút quân cũng được cho là ngầm tạo áp lực cho đồng minh al-Assad vừa phải nghiêm túc đàm phán vừa phải lưu tâm hơn đến những lực lượng được Nga ủng hộ nhưng trước giờ bị xem là ngoài cuộc. Hơn nữa, tờ Le Figaro dẫn lời một chuyên gia giấu tên nhận định Moscow muốn gửi thông điệp cho Damascus rằng Nga ủng hộ ông al-Assad nhưng cũng có thể chấp nhận “một kế hoạch B không có sự hiện diện của vị tổng thống này”.
Cuối cùng, Nga rút quân được cho là nhằm tạo áp lực ngược cho những đối thủ vẫn đang dền dứ ở chiến trường Syria như Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời tránh nguy cơ sa lầy. Tờ The New York Times dẫn số liệu từ phương Tây tuyên bố Nga tốn 4 triệu USD/ngày cho chiến dịch tại Syria. Thật ra con số này “không thấm vào đâu” so với dự thảo ngân sách quốc phòng hơn 41 tỉ USD cho năm 2016 của Moscow. Thế nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn do cấm vận của phương Tây và giá dầu giảm sâu, nhiều người dân Nga cũng không tránh khỏi “xót của”. Vì thế, rút lui trong tư thế “cửa trên” được xem là nước cờ cực kỳ cao tay của ông Putin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.